“TP.HCM sẽ trở lại như trước, đó là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá…”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hội nghị là dịp để chính quyền TP tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị
Thủ tục vẫn bị “chuyển đi, chuyển lại”
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội DN Cơ khí điện TP.HCM – cho biết, ngành cơ khí đối với các nước là một ngành công nghiệp cơ bản, phục vụ cho các ngành công nghiệp khác, là “trái tim” của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam hiện tại chưa phát triển tương xứng với mong muốn của các DN trong ngành. Các DN tư nhân chủ yếu vì đam mê nghề nghiệp và phát triển dần lên chứ không có nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn. Điều này trái ngược với các nước phát triển, họ đầu tư cho ngành này rất mạnh. Hiện tại ở TP.HCM chỉ có 10 DN tham gia dự án kích cầu của TP, được TP duyệt dự án, hỗ trợ lãi suất theo quyết định nhưng chưa thực hiện được hỗ trợ nên gặp khó khăn. Các DN cơ khí Việt Nam cạnh tranh với các DN FDI rất khó nếu như không được hậu thuẫn về chính sách, cơ chế.
“Chúng tôi muốn được tham gia vào các dự án đầu tư công trên địa bàn TP, ví dụ như tuyến Metro, đường sắt trên cao”, ông Tống nói.
Với ngành lương thực thực phẩm (LTTP) trong những tháng đầu năm 2023 vẫn duy trì ổn định nhân công, người lao động hoạt động hết công suất, góp phần đưa chỉ số sản xuất LTTP tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội LTTP TP – thì ngành này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể, với lãi suất vay ngân hàng trên 10% thì DN LTTP khó có thể có lãi, đó là chưa kể giá điện, nước, nguyên liệu đầu vào đều tăng.
“Để giữ ổn định giá cả thị trường nội địa cũng như kích cầu tiêu dùng, các DN LTTP phải hạ lợi nhuận dưới 50%. Thực tế này có thể chấp nhận trong thời gian chống dịch nhưng hiện tại thì rất khó. Hội LLTP mong TP chia sẻ khó khăn, hỗ trợ về các khoản lãi suất ngân hàng để DN yên tâm sản xuất ”, bà Chi đề xuất.
Ngoài ra, bà Chi cũng đề xuất chính quyền TP cần tiếp tục đặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính lên trên hết. Bởi thực tế vẫn còn một số cán bộ công chức sở, ngành “bình chân” trước các hồ sơ, thủ tục của DN. Các hồ sơ vẫn “chuyển đi, chuyển lại” gây ra không ít khó khăn cho DN.
“Thực trạng này cần khắc phục. Cần sự bứt phá trong cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ngành, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh thị trường”, bà Chi nói.
Theo báo cáo từ Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), hoạt động kinh doanh của DN TP 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ. Doanh thu của hầu hết các DN cơ bản tạm ổn – ở mức 64%. Tuy nhiên, đến quý 4/2022, số lượng DN có doanh thu tăng chỉ còn 22%. Xuất khẩu, đầu tư và bất động sản đang có dấu hiệu khó khăn. Vấn đề hàng tồn kho của DN tăng lên là dấu hiệu suy giảm của thị trường nước ngoài…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HUBA – cho biết, trong lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm, tồn kho tăng từ 20-25%. Hệ quả, nhiều DN đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022. Riêng chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mang tính “giật cục”. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn, HUBA kiến nghị TP các vấn đề như chương trình cho vay kích cầu đầu tư; thu hút đầu tư, giá thuê đất; hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ bán hàng; quảng bá kinh doanh; cải cách hành chính; chuyển đổi số…
Những hạn chế sẽ được khắc phục nhanh
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM – cho biết, năm 2022 là năm phục hồi phát triển kinh tế sau dịch bệnh, toàn TP đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng để đạt mức tăng trưởng trên 9%. TP đánh giá cao sự bật lên mạnh mẽ của DN để làm nên kỳ tích này. TP vừa phục hồi nhưng niềm vui lại chưa trọn vẹn. Khủng hoảng kinh tế thế giới khiến TP trở tay không kịp. “Đây là cuộc thử thách lớn đối với TP lần nữa, buộc phải hành động”, ông Nên nói.
Theo đó, ông Nên đề nghị UBND TP tiếp thu đầy đủ các vấn đề liên quan đến cơ quan Trung ương từ đó có kiến nghị cụ thể với Trung ương. Còn những hạn chế thuộc thẩm quyền của TP thì cần phải khắc phục nhanh, hiệu quả, đồng thời tiếp thu các vấn đề phát sinh mới. “Trong công việc, mỗi đồng chí phải tự soi lại từng việc đã, đang và sẽ làm để thực hiện. Có những việc cần làm thì phải làm, những việc cần làm sớm thì phải làm sớm”, ông Nên yêu cầu.
Nhấn mạnh những lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan liên quan đến Trung ương, Chính phủ, DN, ông Nên cho biết TP đã lắng nghe, nỗ lực làm nhưng chưa đủ.
Ông chỉ ra 9 vấn đề và yêu cầu chính quyền TP cần làm trong thời gian tới. Trong đó phải kể đến cải cách hành chính – mặc dù TP đã nỗ lực làm nhiều việc nhưng vẫn chưa đủ, do đó phải tiếp tục thực hiện. Ở từng cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính trên tinh thần công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa DN và chính quyền. Thủ tục phải tối giản, nhanh hơn, thông suốt hơn nữa.
Đối với chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch cũng phải phối hợp thực hiện tốt hơn nữa. Chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực ngành du lịch. Các hoạt động phải gắn với văn hóa, an toàn, an ninh, trật tự…
Theo ông Nên, hiện nay có những vấn đề yêu cầu cụ thể hóa mà pháp luật chưa đáp ứng, những vấn đề chưa có quy định thì TP đang xin cơ chế cho phép thí điểm thực hiện. Việc khuyến khích TP năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng đi cùng đó phải có cơ chế bảo vệ khi có rủi ro. Do vậy, khi có được cơ chế thì TP sẽ trở lại như trước – đó là “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” để rút kinh nghiệm chung cho cả nước. Và đây là những chính sách vượt trội.
Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP cần có cơ chế phối hợp với HUBA, phối hợp chặt chẽ 3 chiều – trách nhiệm, chia sẻ và sáng kiến để vượt qua khó khăn. Trong quá trình tổ chức thực hiện những chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, mặc dù TP đã thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa kịp thời nhưng phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa như tinh thần chống dịch…
Linh Anh
Bình luận (0)