Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường đại học sẽ không “bỏ rơi” sản phẩm đào tạo?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên ra trường tự bơi tìm việc làm tại các sàn giao dịch việc làm

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường ĐH, TCCN phải thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn, khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên (SV) khi ra trường… Nhưng với văn bản này, SV mừng còn các trường lại lo.

“Chất lượng sản phẩm”
Quyết định số 68/2008/QĐ – BGDĐT do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký nêu rõ các trường phải giúp người học định hướng nghề nghiệp, lựa chọn được ngành học, trình độ đào tạo phù hợp; chủ động, sáng tạo trong học tập, am hiểu về ngành, nghề đang học để phát huy được năng lực nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Nhà trường cũng giúp người học có thông tin về thị trường lao động và tìm được việc làm phù hợp, đây còn là một cách để thực hiện việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Các trường ngoài công tác hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, còn phải xây dựng cơ sở dữ liệu về người học đã tốt nghiệp theo từng năm học để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động. Đặc biệt, Bộ cũng quy định các trường phải khảo sát, thống kê về việc làm của người học sau khi tốt nghiệp, khảo sát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành, nghề mà nhà trường đào tạo và thông tin phản hồi của đơn vị sử dụng lao động về chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người học sau khi tốt nghiệp.
Đón nhận thông tin này, nhiều SV thể hiện sự phấn khởi và tin tưởng. SV Đoàn Hoài Nam ĐH Xây dựng khẳng định nếu các trường thực hiện các văn bản này thì SV rất có lợi và là một kênh thông tin quan trọng để SV có thể tiếp cận tới việc làm ngay từ khi còn đang đi học. Nam cũng mong rằng, với các hoạt động hướng nghiệp trên, các trường ĐH sẽ là đầu mối “chào hàng sản phẩm” của mình tới các doanh nghiệp, đơn vị cần lao động. Thông qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển dụng… sẽ “kéo” họ tới gần thực tế hơn. Nhiều SV còn kỳ vọng thông qua các bản điều tra của SV tốt nghiệp, các thế hệ SV sau sẽ biết được những mặt mạnh, mặt yếu như thế nào, nhu cầu thị trường ra sao… để có thể điều chỉnh mình. SV cũng không cảm thấy trường không bỏ rơi với chính “sản phẩm” đào tạo của mình.
Khó liên hệ với SV khi ra trường
Tuy nhiên, theo nhiều trường, công tác hướng nghiệp này không hề đơn giản. Bà Phạm Thị Lợi, Trưởng phòng Công tác Chính trị, quản lý SV, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: “Mới nghe qua quyết định tôi đã thấy, đây sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ, khó nhất là việc khảo sát việc làm, rồi lo cán bộ thực hiện công tác này…”
Ngoài ra, việc làm ở đây cũng cần phân biệt, quy định rõ, SV làm trái ngành đào tạo thì có được coi là… thất nghiệp không? Điều này cần ghi cụ thể để các phiếu khảo sát trả lời chính xác.
Bà Lợi cho rằng, nên có một phiếu mẫu khảo sát chung cho các trường và Bộ sẽ là đơn vị công bố chung các kết quả khảo sát. “Làm điều này để tránh tình trạng các trường công bố không đúng tỷ lệ SV có việc làm, hoặc trường nào khảo sát nghiêm túc, có tỷ lệ thất nghiệp nhiều thì sẽ không hút được học sinh đầu vào”- bà Lợi nói. Về công tác hướng nghiệp với Học viện Hành chính cũng có khó khăn nhất định. Bà Lợi chỉ ra một vài yếu tố đặc thù như: SV học ở trường sau này sẽ đi làm chủ yếu ở các cơ quan Nhà nước, trong khi các cơ quan này ít có sự kết nối với trường về kế hoạch tuyển dụng và không có chuyện các bộ, ngành xin người về làm. Với khối doanh nghiệp, họ cũng chỉ tuyển một, hai nhân viên hành chính một năm là cùng nên họ không thể tổ chức hẳn một buổi nói chuyện với SV trong trường về cơ hội nghề nghiệp như các trường đào tạo kĩ sư, cử nhân khác. “Với Học viện, hàng năm vào các tuần sinh hoạt công dân, những thầy giáo có kinh nghiệm sẽ nói chuyện với SV về các vấn đề liên quan tới việc làm để góp phần định hướng cho họ”.
Một cán bộ của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, trường này cũng điều tra tỷ lệ SV có việc làm nhưng không được thường xuyên, công việc này được thực hiện khi có yêu cầu của một dự án nào đó ví dụ như dự án đánh giá chất lượng giáo dục các trường ĐH chẳng hạn.
Vị cán bộ có thâm niên công tác của ĐH này cho rằng, việc khảo sát SV đã tốt nghiệp ra trường rất phức tạp. Liên hệ được của các em khi đi làm là rất khó, và chất lượng phiếu khảo sát thu về còn khó hơn. “Nhiều em chỉ điền qua loa vào phiếu khảo sát, thông tin không đầy đủ khiến việc đánh giá khó chuẩn xác” – cán bộ này nói. Còn công tác hướng nghiệp tại trường thì hàng năm đã có Phòng Quản lý SV, Đoàn Thanh niên, Hội SV, các trung tâm trong trường… cùng phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho SV. Trong năm luôn có các buổi giới thiệu việc làm nhỏ lẻ và vào dịp đầu năm thì có hẳn một Festival tuyển dụng. Hầu hết các trường cũng đều lo chuyện liên hệ với SV sau khi ra trường như thế nào, chưa kể tới việc mới ra trường thì một hai năm đầu, họ thường không ổn định chỗ làm tại một cơ quan hay đơn vị nào cả.
Quan tâm đến hướng nghiệp, đến “phản hồi” của SV ra trường là một việc nên làm và cần làm. Nhưng làm thế nào để có thể “hợp cả đôi đường” và phát huy tốt kết quả, mỗi trường cần phải có những cách làm phù hợp với trường mình.
Nghiêm Huê
Quan tâm đến hướng nghiệp, đến “phản hồi” của SV ra trường là một việc nên làm và cần làm. Nhưng làm thế nào để có thể “hợp cả đôi đường” và phát huy tốt kết quả, mỗi trường cần phải có những cách làm phù hợp với trường mình.
 

 

Bình luận (0)