Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cuối năm những “trò ma” hoành hành

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người đã bị dính quả lừa với những tên giả… ăn trộm đi bán kính “hàng hiệu”

Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin vào lời rao ngọt xớt kiểu như “hàng em lấy từ công trình ra, hàng em vừa ăn cắp xong” và bị hoa mắt trước những trò xảo thuật của những kẻ lừa đảo nên đã mua phải hàng dỏm. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, những trò lừa đảo ma mãnh này bùng phát mạnh hơn trên khắp các nẻo đường…

“Hàng công trình” trên xa lộ
Người đi đường trên xa lộ Hà Nội thuộc khu vực quận 2, 9, Thủ Đức (TP.HCM) thời gian gần đây thường gặp một số người lạ mặt chào bán các loại máy khoan được giới thiệu có xuất xứ từ Đức, Nhật với giá rẻ. Người mua mang về dùng một vài ngày thì máy khoan bắt đầu hư hỏng, chạy đi hỏi mới biết chỉ là đồ cũ của Trung Quốc.
Một buổi trưa, chúng tôi đang chạy xe từ cầu Sài Gòn về Thủ Đức khi đi ngang qua trạm xăng dầu Ngọc Điệp (số 2 xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9) thì bất ngờ có một người đàn ông khoảng trên 40 tuổi chạy xe máy rà theo “bắt mồi”: “Mua máy khoan Nhật không em? Hàng do tụi anh vừa lấy từ công trình ra, anh để lại giá rẻ cho”. “Rẻ là bao nhiêu”, chúng tôi giả vờ hỏi. “Giá gốc loại này đến gần 2 triệu, nhưng máy này đã dùng qua rồi nên mấy em cho anh xin 500 ngàn đồng thôi. Hàng Nhật chính hãng, mấy em cứ yên tâm”. Cầm chiếc máy khoan lật qua lật lại, xem kỹ trên thân máy thấy mấy chữ Trung Quốc nên chúng tôi lắc đầu trả lại. “400 ngàn lấy không anh để cho! Thôi để rẻ cho mấy chú 300 ngàn đồng được chưa?”, gã này cố chèo kéo. Khi thấy chúng tôi bỏ đi, hắn quát theo đe dọa: “Chúng mày liệu hồn, lần sau đừng để tao gặp lại”.
Anh Lê Công Huân, công nhân làm ở một xưởng gỗ, hiện đang trú ở đường 18 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) kể: “Tuần trước khi tôi đang đi trên cầu vượt Thủ Đức thì có hai thanh niên chạy theo chào bán máy khoan. Họ nói là công nhân đang làm công trình ở Biên Hòa (Đồng Nai), do chủ thầu muốn thanh lý hàng tồn nên bán lại máy móc cho công nhân với giá rẻ để anh em đi bán lại kiếm ít tiền tiêu. Ban đầu họ bảo 600 ngàn đồng, sau đó giảm xuống còn 250 ngàn đồng. Tôi thấy giá quá rẻ nên mua về dùng, nào ngờ mới có mấy ngày máy đã không hoạt động được nữa. Mở ra xem mới biết là máy Trung Quốc, chỉ có cái nhãn bên ngoài là hàng Đức thôi, rất khó phân biệt”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều người khác cũng đã bị ăn quả lừa khi mua những máy khoan “hàng công trình” kiểu này. Những người bán sẵn sàng cho người mua đem thử tình trạng hoạt động của máy, nhưng sau khi dùng vài lần thì máy bị hỏng.
Xảo thuật của “lừa tặc”
Tại các trạm đổ xăng trên địa bàn TP.HCM sau thời gian tạm lắng thì nay lại rộ lên nhiều thanh niên đóng giả… dân ăn cắp để bán các mặt hàng như kính mắt, đồng hồ đeo tay. Khi chúng tôi dừng xe đổ xăng tại trạm xăng dầu gần khu du lịch Suối Tiên (quận 9) thì có một thanh niên với vẻ mặt tỏ ra khá “giang hồ” tiến đến. Tên này cầm chiếc kính đen đập đập vào tay của chúng tôi nói nhỏ: “Hàng này chính hiệu hẳn hoi, em vừa ăn cắp xong. Đại ca xem này, bẻ đập thế nào cũng không thể trầy xước và gãy được”. Vừa nói, hắn càng đập mạnh chiếc kính mắt rồi dùng tay bẻ bẻ uốn uốn gọng kính. Nhưng thật không may chỉ vài lần bẻ thì gọng kính bị… gãy nên hắn rút cái khác trong túi quần ra biểu diễn tiếp. “Lúc nãy chỉ là hàng mẫu thôi. Cái này mới là cái thật đây đại ca”, hắn vẫn cứ kiên trì đeo bám. Sau một lúc “tự trả giá” cho chiếc kính “hàng hiệu” của mình, từ 150 ngàn đồng xuống còn… 20 ngàn đồng, nhưng thấy chúng tôi vẫn lắc đầu nên hắn chốt giá: “Thôi đại ca cho em 10 ngàn đồng ăn đĩa cơm”.
Anh Trần Thành Nhơn (36 tuổi, quê Quảng Nam) vào Sài Gòn bán kính dạo được gần 2 năm cho biết: “Những chiếc kính đó đều là hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Ferragamo… chứ làm gì có hàng hiệu mà chỉ bán có hơn trăm ngàn. Chiêu của mấy tay này là dán các biểu tượng của các nhãn hiệu nổi tiếng lên để lừa người mua thiếu hiểu biết. Nhiều cái đã gãy gọng nhưng được dùng keo dán lại rất khéo nên nhìn sơ qua rất khó phát hiện. Chỉ khi dùng được vài ngày, keo đã khô giòn thì sẽ bị gãy ngay”. Được biết, nhiều người bán hàng kiểu này có kính hàng hiệu hẳn hoi. Nhưng sau khi cho người mua xem hàng và ngã giá xong thì chúng tìm cách đánh tráo hàng giả ngay. Nạn nhân chỉ còn biết méo mặt trước những “trò ma” này.
HỮU TRÍ

Bình luận (0)