Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Ngành giáo dục thành phố nghiêm cấm công chức, viên chức đi nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ kinh phí

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu vừa có quyết định ban hành Quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, người lao động Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc đi nước ngoài.


TP.HCM nghiêm cấm công chức, viên chức đi nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ kinh phí

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, đối tượng áp dụng quy chế bao gồm: công chức; viên chức; công chức viên chức trong giai đoạn tập sự; nhân viên hợp đồng 68. Công chức, viên chức, người lao động đi nước ngoài về việc công không quá 2 lần/năm. Trường hợp vượt quá số lần phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

Trong quy chế, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm đi nước ngoài của viên chức, công chức, bao gồm: Tự ý đi nước ngoài mà không xin phép hoặc tự ý đi nước ngoài trước khi được sự chấp thuận của Sở GD-ĐT; Tự ý ở lại nước ngoài quá thời gian quy định mà không xin phép Sở GD-ĐT; Mang theo vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ, tiền, tài sản được cơ quan, đơn vị giao quản lý khi đi nước ngoài (trừ trường hợp vì mục đích công vụ và được cơ quan có thẩm quyền cho phép); Mang theo tài liệu mật của Đảng, Nhà nước và của cơ quan, đơn vị đi nước ngoài khi chưa được sự cho phép của Sở GD-ĐT; Sử dụng ngân sách Nhà nước để đi nước ngoài về việc riêng; Sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích kinh doanh hoặc đi nước ngoài về việc riêng; Đi nước ngoài về việc riêng nhưng kinh phí do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đài thọ (trừ trường hợp có thư mời đích danh và được cấp có thẩm quyền cho phép đi nước ngoài hoặc trúng thưởng chương trình khuyến mãi, chương trình tưởng thưởng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước); Không trung thực trong việc kê khai mục đích đi nước ngoài; Đi không đúng quốc gia đến đã được Sở GD-ĐT cho phép.

Bên cạnh đó, Quy chế quy định các trường hợp công chức, viên chức, người lao động chưa được xét duyệt đi nước ngoài, bao gồm: Đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh theo quy định pháp luật; Các cơ quan, đơn vị đang tiến hành thanh tra, kiểm tra mà trong đó công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến nội dung thanh tra, kiểm tra tại cơ quan, đơn vị công tác; Đang trong thời gian xem xét kỷ luật; đang bị đình chỉ, tạm đình chỉ công tác; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế, đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó; Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; Có hành vi vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật; Không đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan về nội dung, mục đích đi nước ngoài.

Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ có thẩm quyền xét duyệt, quyết định, cho phép công chức, viên chức, người lao động đi nước ngoài trong các trường hợp sau: đi nước ngoài về việc công, việc riêng không có thư mời đích danh từ 3 tháng trở lên; công chức đang giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ tịch UBND TP; đi nước ngoài về việc công theo đoàn có người của từ 2 cơ quan đơn vị trở lên; đi nước ngoài về việc riêng nhưng có thư mời đích danh.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có thẩm quyền xét duyệt, quyết định, cho phép công chức, viên chức, người lao động đi nước ngoài trong các trường hợp sau: đi nước ngoài về việc riêng không có thư mời đích danh trong thời gian từ 1 ngày – dưới 3 tháng; chịu trách nhiệm cho phép đi nước ngoài về việc công quá 2 lần/năm dưới 3 tháng.

Yến Hoa

Bình luận (0)