Hội nhậpThế giới 24h

Đồng USD tăng mạnh khiến các nước đau đầu

Tạp Chí Giáo Dục

IMF cho biết, đồng USD tăng mạnh là vấn đề đau đầu với các quốc gia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, khi các quốc gia trên khắp thế giới tìm cách giảm lạm phát tăng vọt, sự suy yếu của đồng tiền nội tệ của những nước này so với đồng USD đã khiến cuộc chiến đó trở nên khó khăn hơn.
Đồng USD tăng giá so với các đồng tiền mạnh.
RT đưa tin, trong báo cáo được công bố hôm 14.10, IMF giải thích chi tiết cách các quốc gia nên phản ứng với đồng USD mạnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh rằng đồng bạc xanh đang ở mức cao nhất kể từ năm 2000, tăng 22% so với yen Nhật, 13% so với đồng Euro và 6% so với các đồng tiền của thị trường mới nổi kể từ đầu năm nay.
“Việc đồng USD mạnh lên như vậy trong vài tháng có tác động kinh tế vĩ mô lớn đối với hầu hết các quốc gia, do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế” – IMF cho hay.
IMF cũng chỉ ra rằng trong khi tỉ trọng của Mỹ trong xuất khẩu hàng hóa thế giới đã giảm từ 12% xuống còn 8% kể từ năm 2000, tỉ trọng của đồng USD trong xuất khẩu thế giới đã giữ ở mức khoảng 40%. Trung bình, tỉ lệ ước tính của mức tăng 10% USD vào lạm phát là 1%.
Những áp lực như vậy đặc biệt gay gắt ở các thị trường mới nổi, phản ánh sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tỉ trọng nhập khẩu bằng USD lớn hơn so với các nền kinh tế tiên tiến.
Theo báo cáo, khoảng một nửa tổng số các khoản vay xuyên biên giới và nợ quốc tế được tính bằng USD. Trong khi các chính phủ ở các thị trường mới nổi đã đạt được tiến bộ trong việc phát hành nợ bằng đồng tiền của mình, thì các khu vực doanh nghiệp tư nhân của những nước này lại có mức nợ bằng USD cao.
“Khi lãi suất thế giới tăng, các điều kiện tài chính đã thắt chặt đáng kể đối với nhiều quốc gia. Đồng USD mạnh hơn chỉ làm trầm trọng thêm áp lực này, đặc biệt là đối với một số thị trường mới nổi và nhiều quốc gia có thu nhập thấp và mắc nợ cao” – IMF cho biết.
Báo cáo đề xuất rằng phản ứng chính sách phù hợp là cho phép điều chỉnh tỉ giá hối đoái, đồng thời sử dụng chính sách tiền tệ để giữ lạm phát gần với mục tiêu. Giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn sẽ giúp mang lại sự điều chỉnh cần thiết đối với các cú sốc cơ bản vì làm giảm nhập khẩu, do đó giúp giảm sự tích tụ nợ nước ngoài. Chính sách tài khóa nên được sử dụng để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất mà không gây nguy hiểm cho các mục tiêu lạm phát – IMF kiến nghị.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)