Từ nay đến năm 2025, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến hết lớp 12 sẽ tích cực đổi mới theo hướng xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Đó cũng là một trong những tiêu chí nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Tiến sĩ Vũ Minh Đức
Hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” với chủ đề “Chọn yêu thương – Chọn hạnh phúc” được tổ chức tại Furama resort, TP.Đà Nẵng trong 2 ngày 24 và 25-9 với sự tham gia của 400 hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh, thành trên toàn quốc. Hội thảo được thực hiện dưới sự khởi xướng của VTV7 – Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia, đồng tổ chức là thương hiệu LOF của Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) và sự đồng hành của Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT. Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xoay quanh nội dung này.
PV: Thưa TS Vũ Minh Đức, xin ông cho biết những thay đổi của môi trường giáo dục Việt Nam kể từ khi triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc"?
TS Vũ Minh Đức: Khái niệm "Trường học hạnh phúc" đã được Bộ GD-ĐT và các thầy cô quan tâm từ rất lâu, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Chương trình GDPT 2018 tập trung phát triển phẩm chất của học sinh, xuất phát từ mục tiêu lấy học sinh làm trọng tâm và giúp cho các em phát triển năng lực bản thân, chứ không chỉ là phổ biến kiến thức một chiều rồi bắt các em phải thực hiện theo một khuôn mẫu nào đấy. Đây chính là bước đầu để Bộ chuyển hướng dần sang mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Từ nay đến năm 2025 toàn bộ chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến hết lớp 12 sẽ tích cực đổi mới theo hướng xây dựng "Trường học hạnh phúc". Đó cũng là một trong những tiêu chí nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Thời gian qua, với tinh thần sáng lập và lan tỏa của kênh VTV7 và sự hỗ trợ đồng hành của Giáo sư Peck Cho cùng với một số giáo sư khác, "Trường học hạnh phúc" đã được rất nhiều trường học quan tâm và khát khao tìm hiểu, cũng như xây dựng. Đơn cử, hội thảo với chủ đề chủ đề “Chọn yêu thương – Chọn hạnh phúc” dù thông tin chưa đến được hết 30.000 giáo viên là hiệu trưởng các nhà trường trên toàn quốc nhưng trong một thời gian ngắn đã thu hút được hơn 3.000 người đăng ký tham dự. Nếu mở rộng hội thảo, tôi tin số lượng đăng ký tham dự còn lớn hơn rất nhiều. Điều này cho thấy, khao khát xây dựng "Trường học hạnh phúc" đang có ở khắp nơi. Ai cũng mong muốn học sinh của mình hạnh phúc, giáo viên của họ hạnh phúc và bản thân mình – những người hiệu trưởng cũng cần hạnh phúc. Đây là một chuyển biến tích cực trong nhận thức từ những người đứng đầu ở nhiều trường học.
Hội thảo thay đổi vì một trường học hạnh phúc đã thu hút hàng trăm hiệu trưởng các trường trên khắp cả nước
Một thay đổi nữa là từ năm 2019, Bộ chính thức phát động xây dựng "Trường học hạnh phúc" thì hầu hết các trường trên cả nước đều đăng ký tham gia. Và các trường đã triển khai được các mô hình khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng trường. Chúng tôi tin rằng mô hình "Trường học hạnh phúc" sẽ tiếp tục được lan tỏa và xây dựng thành công ở nhiều vùng miền hơn nữa. Xây dựng mô hình này không phải là một phong trào thi đua mà nó đã trở thành nhu cầu tự thân của các trường học.
+ Với những kết quả ban đầu khá tích cực về việc triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc", ông có thể chia sẻ những mô hình mà Bộ GD-ĐT cũng như ông đã ghi nhận và ấn tượng?
Có rất nhiều các mô hình "Trường học hạnh phúc" gây rất ấn tượng. Đơn cử một thầy giáo tên là Đào Chí Mạnh ở Vĩnh Phúc, trong một buổi khai giảng đã cùng toàn thể học sinh nhảy dân vũ ở trường. Đấy chính là hạnh phúc của thầy trò nơi đây.
Ở Lào Cai, hầu hết các trường học đều đạt chuẩn quốc gia, hạnh phúc ở đây là tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong các thầy cô. Ở các nơi khó khăn, từ cán bộ phòng GD-ĐT đến các giáo viên đều tình nguyện về giúp các trường vùng sâu vùng xa. Họ thấy hạnh phúc ngay trong công việc của mình khi được cống hiến. Tương tự trường Marie Cuire của thầy Nguyễn Khang, mặc dù ở Hà Nội nhưng thầy vẫn hỗ trợ online cho 18 trường học ở Hà Giang dạy tiếng Anh, trong khi ở Hà Giang một huyện chỉ có một giáo viên dạy môn học này. Với thầy Khang, nhiều học sinh vùng sâu biết tiếng Anh là hạnh phúc của thầy.
Còn rất nhiều địa phương khác có các mô hình, câu chuyện hạnh phúc khác nhau. Mỗi nơi, thầy cô, học sinh hạnh phúc theo các cách riêng. Như các trường ở miền núi, hạnh phúc của thầy cô đôi khi chỉ là vận động được một học sinh đến trường. Cá nhân tôi cho rằng xây dựng trường học hạnh phúc sẽ không có quy chuẩn, bởi mỗi nơi sẽ có mô hình hạnh phúc phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Với sứ mệnh góp phần tạo ra những giá trị tốt đẹp cho người tiêu dùng, các chương trình của Lof, Lof Kun và Lof Malto – các thương hiệu của Công ty CP Sữa Quốc tế IDP thực hiện đều xoay quanh các giá trị của hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc, ở quy mô tất cả các trường học trên toàn quốc thông qua các phong trào hợp tác cùng Trung Ương Đoàn, Hội đồng đội Trung ương, với chương trình Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày; Lead with Lof và hội thảo thay đổi vì một trường học hạnh phúc phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ GD-ĐT… Tất cả những hoạt động đó đều song hành giữa hai lõi giá trị tinh thần hành động. Giá trị tinh thần là những giá trị cho hạnh phúc ngay bây giờ của chính mỗi cá nhân, nhận thức tích cực và tốt đẹp như biết ơn, động lực tạo giá trị vì con người, vì môi trường, yêu thương chia sẻ; Giá trị mang tính hành động là tạo ra nền tảng hạnh phúc vững chắc, lâu dài, cho bản thân và những người xung quanh. |
+ Vậy, ông đánh giá thế nào về triển vọng nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc” ở Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi tin "Trường học hạnh phúc" tới đây sẽ được triển khai rộng hơn. Bởi những rào cản trong giáo dục đang dần được xóa bỏ. Ví dụ trước đây, trong hệ thống hành chính hay dùng mệnh lệnh quan liêu, một chiều, áp đặt. Gần đây khi áp dụng mô hình "Trường học hạnh phúc" thì nhiều mệnh lệnh mang tính một chiều đã được hạn chế. Tôi cũng tin sau hội thảo này, 400 hiệu trưởng tham dự khi trở về sẽ lan tỏa được nhiều tinh thần hạnh phúc, từ đó sẽ có thêm nhiều mô hình "Trường học hạnh phúc" được ra đời. Chúng ta sẽ có thêm các thế hệ học sinh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc.
Tuy nhiên, để triển khai được sâu rộng mô hình "Trường học hạnh phúc" thì rất cần sự chung tay của nhiều bên, trong đó có sự hỗ trợ của doanh nghiệp như sự tham gia của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP tại hội thảo lần này.
+ Xin cảm ơn ông!
Khánh Vân
Bình luận (0)