Nam Cao là người duy nhất trong văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 của Việt Nam đã mạo hiểm “đánh cuộc tư tưởng” của mình trên “bờ vực chữ nghĩa” một cách cheo leo trong thế đối lập: Trên này là chủ nghĩa nhân đạo, dưới kia là thái độ nhục mạ con người, trên này là chủ nghĩa hiện thực vinh quang, dưới kia là chủ nghĩa tự nhiên đồi bại…
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM). Ảnh: N.T
Người đọc truyện Nam Cao, sau thời gian căng thẳng, bỗng cảm thấy thư thản vô cùng, vì cuối cùng đã đứng trụ lại được trên bờ vực chủ nghĩa nhân đạo của ông.
1. Đọc văn Nam Cao, ta khó lộn lẫn với bất cứ ai khác về tư tưởng mà ông gửi gắm. Ông ít vuốt ve, an ủi, mà phần lớn thường miệt thị, mắng nhiếc thậm tệ. Ngay cả tên nhân vật cũng thể hiện điều đó. Nhân vật trong truyện Nam Cao “nghèo” đến nỗi cái tên cũng không được đơm đặt đàng hoàng. Tên gọi mà Nam Cao “gán” cho nhân vật thường đã được biến đổi bởi tính cách, hoàn cảnh, hoặc do chủ ý tác giả. Ta gặp từ: Chị đĩ chuột, Chí Phèo, Thị Nở, Trạch Văn Đoành, cu Lộ, Lang Rận… cho đến những “y”, “hắn”, “lão”, “thị”, “mụ”… Lối miêu tả nhân vật của Nam Cao khác xa với các nhà văn hiện thực đương thời. Nhân vật Ngô Tất Tố là nhân vật đẹp về thể dạng lại tốt về tính cách. Nguyễn Công Hoan cũng miêu tả nhân vật rất dị hợm, nhưng cái phóng đại của ông là mục đích gây cười vừa phải, nó không có cái “phỉ báng” đến “đau lòng” như Nam Cao (Đồng hào có ma). Vũ Trọng Phụng cũng có cách miêu tả vẻ mặt “quái đản” nhưng mục đích là hóm hỉnh, có phần gần Nam Cao hơn (Doãn trong Lấy vợ xấu).
Tính khách quan của truyện ngắn Nam Cao thể hiện ở giọng kể. Trừ những truyện tác giả viết về mình, còn hầu hết đều được kể với ngôi thứ ba. Nhà văn đứng ở ngoài cuộc, thuật lại câu chuyện với cái nhìn khách quan nhất. Điều này đã hình thành nên một “típ” truyện mà phần đầu và phần cuối đều đậm đặc vẻ nhận xét, khái quát bằng một giọng vô cùng hờ hững, lạnh lùng. Nam Cao thường dẫn vào truyện theo các kiểu: “Bà lão ấy”… (Một bữa no), “Bọn họ có bốn người…” (Nhỏ nhen), “Bây giờ thì hắn…” (Tư cách mõ). Ở phần kết thúc truyện, sau khi đã tham gia tiếng nói của mình trong sự đan xen nhiều giọng điệu để mổ xẻ nhân vật, sự kiện, Nam Cao thường quay qua cái nhìn khách quan của người ngoài cuộc ban đầu. Như cách kết thúc trong Chí Phèo, Nghèo, Xem bói, Giăng sáng… Hay mượn lời ca dao như truyện ngắn Đời thừa.
Ngôn ngữ Nam Cao sử dụng thường ở cấp độ “âm tính”, như khinh khỉnh, lườm nguýt, phỉ nhổ, nhạo cười, chế giễu, bĩu môi, đần độn, choèn choẹt, bùng phỉu, xấc láo, phè phỡn, trân tráo… Với một thống kê nhỏ, ta thấy số lần lặp lại các từ ngữ này trong Lang Rận là 150 lần, truyện Tư cách mõ 65 lần… Đã thế, tác giả còn hay sử dụng những từ ngữ, cú pháp chỉ sự quá mức, như “đã thế… mà lại…”, “lại còn… lại còn…”, “rất…”, “suốt đời…”, “suốt ngày…”, “lắm lúc…”, “cả đến…”, “càng…”, “càng ngày càng…”, “toàn những…”, “biết bao…”. Cách viết này làm cho sự việc miêu tả vừa đi vào chiều sâu, vừa mở ra chiều rộng, dồn dập, tăng cấp, thể hiện chủ ý thái độ của nhà văn. Lối so sánh của Nam Cao là lối so sánh dựa trên đặc tính của loài vật: “Mắt híp lại như mắt lợn sề” (Lang Rận), “Đúng như con mèo đói” (Dì Hảo), “Nó giẫy lên như đĩa phải vôi” (Giăng sáng). Có khi ông dùng đặc tính của người để tả loài vật như: “Dáng điệu của một kẻ cố cười với người nó sợ” (tả con chó, Cái chết của con mực), “Chí chóe cãi nhau như lũ trẻ tập làm người lớn” (tả chim sẻ, Điếu văn)… Vì hoàn cảnh, Nam Cao đã mạo hiểm đồng nhất thuộc tính con vật trong con người. Con người phải ăn cám (Nghèo), ăn vụn cơm chó (Sao lại thế này) để sống. Đây là cuộc “đánh đố tư tưởng” đầy mạo hiểm của Nam Cao. Con người muốn sinh tồn phải đấu tranh quyết liệt giữa lý trí, tình cảm, miếng ăn, cái đói. Trong nhiều trường hợp, Nam Cao giành phần thắng về cho dạ dày…
2. Những nhân tố trên làm cho không ít độc giả coi đó là yếu tố “tự nhiên chủ nghĩa”, và lên án không tiếc lời. Song, xét cho cùng, đó chỉ là mặt nổi, bề ngoài. Nếu đi vào nguyên cớ bên trong ta sẽ thấy một thái độ, một tinh thần nhân đạo kín đáo, sâu thẳm. Hơn ai hết, Nam Cao lấy cuộc đời của mình làm nguồn tư liệu để khai thác, phản ánh hiện thực. Những “y”, những “hắn” của nhân vật Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng) là hình bóng của nhà văn. Nam Cao muốn lấy lăng kính khách quan rọi soi mọi mặt cuộc sống. Chính vì thế mà văn Nam Cao, ngoài tính mỉa mai, một số truyện có tính chất “nhại”. Lối nhại của ông đánh vào văn học thoát ly hiện thực đương thời. Hiện thực khắc nghiệt không chấp nhận cho những gì quá “thơ”: “Trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đó đã. Cái ý nghĩ đó chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc đời vốn không tha thứ cho những gì quá thơ” (Một truyện Xuvơnia). Quy luật của hoàn cảnh trong sáng tác của Nam Cao được coi là điều kiện phát triển, ý kiến chủ quan khó bề can thiệp được. Ông đã từng nói: “Cuộc đời thì bất cứ cảnh nào cũng chảy trôi theo những định luật chưa bao giờ lay chuyển được” (Ở hiền). Mặt khác, nhân vật còn được xây dựng một cách “tự ý thức”, “tự phê phán”, tự quay về nhục mạ mình, tự đấu tranh với mình: Nó vừa là anh Chí vừa là Chí Phèo, vừa là cu Lộ vừa là thằng Mõ, vừa là Điền vừa là thằng khốn nạn, vừa là thầy Lang vừa là Lang Rận…
3. Như thế, có thể nói rằng, Nam Cao có một thái độ và tinh thần nhân đạo rất riêng. Sau những dòng phanh phui, mổ xẻ, bao giờ cũng thấy hiện lên “đôi mắt” của một tấm lòng, một nhân cách lớn. Hầu như khắp các trang truyện, trong cái lạnh lùng, đay nghiến, người đọc không khỏi phải xúc động bùi ngùi trước những thương cảm xót xa của nhà văn. Những Nghèo, Chí Phèo, Dì Hảo, Lão Hạc, Trẻ con không được ăn thịt chó cho đến Giăng sáng, Đời thừa, Cười… là những nghẹn ngào canh cánh bên lòng. Biết bao lần Nam Cao đã phải thốt lên từ “cái sự đời” quá ư là khốn bấn: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện…” (Chí Phèo), “Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở…” (Dì Hảo), hay “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối…” (Giăng sáng)… Văn Nam Cao tràn ngập những từ cảm thán: Chao ôi, trời ơi, hỡi ôi, eo ôi, khốn nạn cho, à thì ra, thật đấy… chỉ sự đồng tình, cảm thông, thấu hiểu của nhà văn đối với nhân vật (32 lần trong Điếu văn, 24 lần trong Dì Hảo). Đó là tấm lòng ưu tư của nhà văn để tìm ra hai chữ con người đúng nghĩa. Nhân đạo lắm thay của một Thị Nở với khuôn mặt “ma chê quỷ hờn” lại có tình, thèm yêu đến vậy; một con người mất hết cả nhân tính lại là con người có nhu cầu làm người nhiều nhất (Chí Phèo); một ông lang mình đầy rận lại là con người biết lấy cái chết để bảo vệ danh dự (Lang Rận); và xót xa lắm cho một cuộc đời khốn khổ, rốt cuộc tìm đến cái chết của một con chó để được làm người (Lão Hạc).
Nhìn thấu những đòi hỏi, thèm muốn của con người, gợi ra những điều tốt đẹp nhất trong nhân cách của họ; không hề vuốt ve, an ủi, nhằm khơi gợi tình thương nơi người đọc; đó chính là chủ nghĩa nhân đạo sâu thẳm trong sáng tác Nam Cao. Nam Cao không chỉ thể hiện ở lòng cảm thông, xót thương cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội, mà còn ở những trăn trở, dằn vặt không nguôi trước cuộc sống vô nghĩa, bế tắc. Một chủ nghĩa nhân đạo luôn đặt con người ở trung tâm cuộc sống, buồn cho họ nhưng tin ở họ. Nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi, mà phải tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình. Ngoài ra, Nam Cao còn cho chúng ta hiểu thêm một tinh thần đặc biệt của ông về sự yêu ghét, sự thức tỉnh con người. Nhân đạo trước hết là giúp con người hiểu rõ mình, trạng thái nhân thế mà mình đang lâm vào, cũng chính là chỉ rõ “cái tình cảnh biến dạng mày mặt lẫn tâm linh” mà sự khốn cùng đã để lại trên con người mình. Cách nhìn như thế thường mang sắc thái lạnh lùng, cay cợt, đay mát… nhưng đó là sự thật. Vì có một lúc nào đó, người đọc chợt nhận ra cuộc đời xung quanh mình đầy rẫy những Dì Hảo, Nhu, Trạch Văn Đoành, Chí Phèo…, và cái không khí của Nửa đêm, Lang Rận, Đời thừa, Lão Hạc…
Với quan niệm về sự yêu ghét như thế đã hình thành nên giọng văn khá đặc biệt của Nam Cao: Vừa khách quan, lạnh lùng, mỉa mai; lại vừa trầm tư, nghẹn ngào, đau xót đến không nguôi.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)