Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Việc tinh gọn đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập không phù hợp với TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề được Sở Nội vụ TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022, sáng 20-9.


Mỗi năm TP.HCM tăng thêm 20.000-30.000 học sinh nên rất khó khăn nếu thực hiện tinh gọn đội ngũ trong các cơ sở giáo dục công lập

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho hay, việc thiếu giáo viên là tình hình chung của thành phố trong nhiều năm qua và tập trung ở một số môn như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc…, cần phải có giải pháp và cơ chế chính sách để tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy học sinh thành phố. Kiến nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất thành phố cơ chế tuyển dụng đáp ứng yêu cầu giảng dạy thực tế, nhất là thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Một khó khăn nữa của TP.HCM được Sở Nội vụ TPHCM nêu ra đó là việc thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương cac tỉnh thành theo yêu cầu phải tinh gọn lại đội ngũ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả ngành giáo dục. Thực tế tại TP.HCM, lượng học sinh rất lớn, tăng mỗi năm thêm 20.000-30.000 học sinh. Theo Nghị quyết 19 và hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì lộ trình phải giảm 10% các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố, không ngoại lệ ngành giáo dục.

"Năm học 2022-2023, học sinh toàn TP.HCM là 1,6 triệu học sinh, lớn hơn dân số nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc… rất khủng khiếp. Đòi hỏi cơ sở vật chất trường lớp luôn phải mở rộng. Như vậy, việc tinh gọn đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập là rất khó khăn, không hợp lý với ngành giáo dục TP.HCM. Sở Nội vụ gửi gắm khó khăn này của ngành giáo dục thành phố và ngành nội vụ trong công tác tham mưu về tinh giảm bộ máy sự nghiệp công lập TP.HCM, đặc biệt là ngành giáo dục và y tế. Mong Đoàn ĐBQH TP.HCM có kiến nghị đến Quốc hội để có giải pháp cho TP.HCM", đại diện Sở Nội vụ TP.HCM kiến nghị.

Ngoài ra, vị này cũng cho biết, công tác tuyển dụng giáo viên thực hiện theo Nghị quyết 102 của Chính phủ năm 2020 cho phép tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Đây là chính sách tháo gỡ tạm thời song chỉ áp dụng được trong đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, còn lại đơn vị sự nghiệp không tự chủ thì không được hợp đồng. Kiến nghị tháo gỡ để có giáo viên đáp ứng kịp thời công tác giảng dạy…

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhìn nhận, theo quy định chung việc triển khai theo Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn đơn vị sự nghiệp rất khó khăn cho ngành giáo dục thành phố. Vì mỗi năm, số lượng các đơn vị sự nghiệp phải tăng để đáp ứng nhu cầu mỗi năm tăng 20.000-30.000 học sinh, khi thực hiện theo cơ chế gom lại thì rất khó khăn cho các đơn vị, đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn thành phố.


Nhiều địa phương TP.HCM không đảm bảo dạy học 2 buổi/ ngày nên cần quyết liệt giải bài toán thiếu trường lớp

Từ quá trình khảo sát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM, ông Cao Thanh Bình- Trưởng Ban VHXH, HĐND TP.HCM thông tin, nhiều địa phương đang gặp áp lực trường lớp rất lớn như Q.12, Tân Phú, Bình Tân tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt chưa đến 30%. Số tiết thực hiện chương trình dù vẫn đảm bảo song chưa thể đáp ứng được mục tiêu của chương trình là giảm tải tối đa chương trình học cho học sinh và buổi 2 là chủ yếu cho học sinh trải nghiệm.

"Ví dụ như môn lịch sử, làm sao có phương pháp trực quan sinh động đưa học sinh đến các bảo tàng, các di tích lịch sử. Nếu như địa phương chưa đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày thì coi như trong 1 buổi nhà trường phải nén chương trình của cả 1 ngày xuống thì mục tiêu chương trình không đạt yêu cầu, càng phải tăng tải hơn nữa là áp lực rất lớn", ông Bình nêu ví dụ.

Ngoài ra, ông Bình cũng trăn trở, hiện nay các dự án đầu tư công của thành phố cho ngành giáo dục, đặc biệt giai đoạn 2021-2025 thì nhu cầu là 3, 4 lần song đáp ứng mới chỉ được 1/4. Các khu đất quy hoạch làm đất giáo dục các sở ngành thành phố vẫn chưa phối hợp tốt với địa phương, chưa bàn giao lại để địa phương xây dựng. Gần đây nhận thấy một số dự án đầu tư công giáo dục đang có chiều hướng chậm lại. Nếu không quyết liệt có lộ trình trước mắt, lâu dài thì bài toán về thiếu trường lớp, không đảm bảo học 2 buổi/ngày còn kéo dài nhiều năm, đến khi chương trình thực hiện ở tất cả các khối lớp thì sẽ là gánh nặng với TP.HCM.

"Ngành giáo dục phải có báo cáo đầy đủ để lãnh đạo thành phố có các chuyên đề riêng, HĐND TP cũng sẽ tăng cường thêm. Việc đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình mới ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Phòng máy vi tính ở một số trường cấu hình rất cũ, không sử dụng được. Ngành giáo dục phải suy nghĩ, trước mắt chưa có kinh phí kịp thời thì phụ huynh đóng góp nhưng khi có nguồn kinh phí rồi thì tính toán lại để giảm tải đóng góp cho phụ huynh", ông Cao Thanh Bình kiến nghị.

Yến Hoa

Bình luận (0)