1. Ngữ văn là môn học có lịch sử lâu đời nhất trong các môn học. Học sinh giỏi (HSG) môn văn thời nào cũng có, từ thời phong kiến xa xưa. Quan niệm HSG văn qua các thời kỳ có điểm giống nhau nhưng cũng có điểm khác biệt. Ví dụ, giống nhau ở chỗ: Đã là HSG văn thì đều phải say mê văn chương, phải đọc nhiều, thuộc nhiều thơ văn; phải hiểu thơ văn, biết viết văn hay… Viết văn ở đây là văn viết nói chung, là cách diễn đạt ý tưởng mà mình muốn thể hiện, muốn nói chứ không phải chỉ là viết thơ, viết truyện. Còn khác nhau thì nhiều lắm. Chẳng hạn, ngày xưa, giỏi văn là phải biết sáng tác thơ văn; phải trở thành nhà văn, nhà thơ… Ngày nay học giỏi văn không nhất thiết, bắt buộc phải biết làm thơ, viết truyện… Trong các kỳ thi HSG văn (kể cả thi HSG quốc gia), chưa có năm nào, ở đâu đề thi yêu cầu học sinh phải viết 1 bài thơ hay viết 1 truyện ngắn cả. Chương trình cũng như yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng HSG, cả nước đều không dạy sáng tác thơ văn… Tuy nhiên, trong số các học sinh trường chuyên hoặc trường phổ thông bình thường, có những em biết viết truyện, làm thơ và sau này trở thành nhà thơ, nhà văn nổi tiếng lại là chuyện khác. Đó không phải là yêu cầu và thước đo của kết quả dạy học ngữ văn ngày nay.
Học sinh thảo luận nhóm trong tiết học ngữ văn (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Bàn đến quan niệm HSG văn chính là bàn đến mục tiêu dạy và học ngữ văn. Dạy và học ngữ văn để làm gì? (nhằm mục đích gì?). Trường chuyên văn cũng cần đặt ra câu hỏi ấy, xem xét mục tiêu ấy. Tôi hiểu trường chuyên là trường THPT chuyên, nghĩa là trước hết vẫn là trường phổ thông. Những yêu cầu của HSG văn trường chuyên cũng không khác gì HSG văn trường phổ thông bình thường. Cho nên mục tiêu chung của môn học này là tạo ra học sinh có năng lực ngữ văn. Cần phân biệt “năng lực” văn và “năng khiếu” văn. Năng lực là thứ tạo ra được, đào tạo được, còn năng khiếu không tạo ra được; vì năng khiếu thuộc thiên bẩm, trời cho. Đó là thứ không thể dạy và học thật nhiều mà có. Nhà trường phổ thông chỉ có nhiệm vụ tạo ra mảnh đất văn hóa màu mỡ để hạt mầm năng khiếu văn học phát triển. Vốn văn hóa luôn đồng hành, hỗ trợ để năng khiếu phát triển. Rất nhiều nhà văn có năng khiếu văn chương nhưng sớm thui chột hoặc không trở thành nhà văn lớn vì thiếu vốn văn hóa sâu rộng. Cổ kim, đông tây đều cho thấy: Nhà văn lớn luôn là nhà văn hóa.
2. Như thế, có thể nói ngày nay HSG văn là những học sinh có năng lực về môn học ấy. Năng lực ngữ văn gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Cả hai loại năng lực này đều thông qua và thể hiện bằng các hoạt động giao tiếp: Đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể, một học sinh được coi là có năng lực ngữ văn khi: Thứ nhất, học sinh đó biết cách đọc và hiểu được các loại văn bản, trước hết là những văn bản thông dụng, gần gũi, đến các văn bản đặc thù; từ văn bản dễ hiểu đến văn bản khó hơn, phức tạp hơn (cả về nội dung và hình thức thể hiện), nhất là về văn bản văn học. Đọc hiểu thông thường là nắm được các thông tin, ý nghĩa chung (ai cũng hiểu thế). HSG văn cần đọc hiểu với yêu cầu cao hơn: Cần hiểu sâu, phát hiện được nhiều ý mới mẻ, những thông điệp hàm ẩn sau các con chữ; thấy hết vẻ đẹp của ngôn từ, vai trò tác dụng của các yếu tố hình thức gắn với đặc trưng của mỗi thể loại và kiểu văn bản, biết huy động những trải nghiệm, vốn sống để hiểu, phát hiện ra những vẻ đẹp mang màu sắc cá nhân trong lý giải, tiếp nhận tác phẩm… Thứ hai, học sinh đó phải biết viết (viết câu, đoạn và viết bài văn) với các yêu cầu từ đúng đến hay. Viết đúng gồm đúng về hình thức (đúng chính tả, ngữ pháp, diễn đạt, dùng từ…) và đúng về nội dung (đúng ý của đề, đúng tư tưởng đạo lý, đúng suy nghĩ của mình, không chép lại văn mẫu…). Viết văn hay cũng thể hiện trên cả 2 phương diện: Hình thức như diễn đạt, dùng từ, đặt câu, sử dụng hình ảnh và các biện pháp tu từ… Nội dung hay thể hiện có ý tưởng mới mẻ, độc đáo, ý tứ sâu sắc từ chính suy nghĩ của người viết; không ảnh hưởng, chép lại, không đạo văn… Thứ ba, đó là những học sinh biết nói và biết nghe. Nói đúng cả về nội dung, cách thức và thái độ khi giao tiếp. Nội dung nói phải đúng trọng tâm, có ý tứ và thông tin đầy đủ về đề tài được nói. Cách thức nói cần linh hoạt, tạo được điểm nhấn, hấp dẫn người nghe. Thái độ nói, nghe phải có văn hóa, tôn trọng người nói và người nghe. HSG văn cần đặt yêu cầu cao hơn, không chỉ nói đúng mà phải nói hay, không chỉ nghe đúng mà nghe sáng tạo, nghe một cách tinh tế…
Từ năm 2005, GS. Hoàng Như Mai đã cảnh báo: “Cách ra đề ở các kỳ thi văn của chúng ta hiện nay còn khá khô cứng, những nhân vật và vấn đề cũng như yêu cầu đặt ra trong đề thường trùng lặp nhau quá nhiều. Một mảnh đất dù tốt đến đâu cày xới mãi rồi cũng xơ cằn. Cứ một vấn đề, một tác giả mà trở đi trở lại mãi mà không đổi mới cách tiếp cận thì làm sao mà mang đến cho người đọc sự rung cảm mới mẻ, tinh tế được… Ra đề thi phải khơi dậy những suy nghĩ riêng đồng thời phải rèn luyện cho học sinh óc phê phán, nhìn vấn đề trên nhiều mặt. Cần tránh kiểu ra đề “suôn sẻ”, dạng “thỏa hiệp” một chiều. (Hoàng Như Mai – Sự rung cảm và sáng tạo của học sinh có nguy cơ mòn – Tạp chí Dạy và Học ngày nay, số 6-2005) |
Để đáp ứng các yêu cầu đọc, viết, nói và nghe với yêu cầu cao, HSG văn phải biết nhiều, đọc nhiều, cần cù, chịu khó rèn luyện và trên hết phải say mê văn chương. Người thầy dạy HSG văn càng phải thế: Chuẩn mực và sáng tạo. Nói một cách thật cởi mở, thầy cô dạy gì cũng được, dạy thế nào cũng được, miễn là cuối cùng học sinh có được năng lực ngữ văn như đã nêu. HSG văn không chỉ biết đọc, viết, nói, nghe thông thường mà phải đáp ứng được các yêu cầu cao hơn. Theo đó, HSG văn không phải là những học sinh học gạo, biết rất nhiều điều uyên bác, cao siêu nhưng đọc văn bản không hiểu hết, hiểu nhầm, thậm chí hiểu sai; viết vẫn sai chính tả, ngữ pháp và nói nghe vẫn thiếu tự tin, vụng về, không hấp dẫn, thậm chí thiếu văn hóa giao tiếp.
3. Tôi vốn là học sinh chuyên văn trường Lam Sơn (Thanh Hóa) khóa 1 (1972-1975), rồi 10 năm sau quay lại trường làm thầy giáo dạy chuyên văn (1984-1990). Sau này vẫn gắn bó với các trường chuyên, với việc dạy HSG. Nhưng gần đây, có nhiều lý do, tôi ít tham gia hơn. Theo dõi đề thi HSG quốc gia môn văn lớp 12 khoảng 10 năm gần đây, tôi thấy buồn vì đề thi không có gì đổi mới. Đề thường chỉ thay đổi ít nhiều về yêu cầu nội dung; còn hình thức vẫn một dạng, một kiểu, lặp đi lặp lại, cũ mòn và nhàm chán… Không hiểu ra đề thế thì đánh giá thế nào được HSG văn? Trong khi kỳ thi cho HSG là cơ hội tốt nhất để đề xuất những sáng tạo, đổi mới đánh giá. Nhưng hình như chẳng ai lo đến việc này, toàn ra đề theo kinh nghiệm và khuôn mẫu đã có. Thật buồn!
Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)