Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: TPHCM sẽ là nòng cốt trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngày 27-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008, kế hoạch năm 2009; kết quả triển khai thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM hồi tháng 12-2007 và tháng 4-2008.

Tại buổi làm việc, không những Thủ tướng tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn mà các bộ ngành còn đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho TPHCM.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ trao đổi ý kiến với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM
Kết quả của sự nỗ lực

Báo cáo với đoàn làm việc của Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết: Năm 2008, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TPHCM ước đạt 289.550 tỷ đồng, tăng gần 11%; trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng 12,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; nông nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 40,55 tỷ USD. TP đã giải quyết việc làm cho 277.800 lao động, tỷ lệ hộ nghèo của TP còn khoảng 0,6% trên tổng số hộ dân. Kế hoạch năm 2009, TP đề ra 6 chỉ tiêu về kinh kế, trong đó tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn dự kiến tăng từ 10% trở lên.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và nhân dân TPHCM trong việc kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội trong năm.

“Tôi thấy lãnh đạo TP báo cáo rất sát tình hình thực tế, nêu được đầy đủ nhiệm vụ và phương hướng trong năm tới”, Thủ tướng nói thêm.
Sự giữ vững kinh tế của TPHCM đã góp phần vào việc ổn định nền kinh tế chung của đất nước. Đặc biệt, tại TP đông dân nhất nước, giá cả nhiều mặt hàng biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhưng TP vẫn đảm bảo tình hình an ninh, chính trị. Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn và khá toàn diện.

Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Năm 2009, chúng ta sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn thách thức lớn, lạm phát sẽ đi liền với suy giảm kinh tế và sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế nước ta và TPHCM – trung tâm kinh tế lớn của cả nước sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Do vậy, mục tiêu trọng tâm đặt ra là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Để làm được điều này, TPHCM phải quán triệt, cụ thể hóa 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra. “TPHCM phải làm nòng cốt, giữ vai trò đầu tàu trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, rất nhiều lần Thủ tướng nhấn mạnh điều này.
Để làm được nhiệm vụ này, bằng mọi biện pháp linh động nhất, TP kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Thủ tướng cho rằng: Năm 2009, việc ngăn chặn tình hình suy giảm kinh tế của đất nước ở mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào kết quả thực hiện kinh tế – xã hội của TPHCM.
Riêng vấn đề quá tải hạ tầng đô thị hiện nay, Chính phủ đang thực hiện giải pháp vĩ mô (di dời cảng) nhưng phía TPHCM phải tự đề ra phương án làm gì để giải quyết tình hình này, trong đó đề xuất cụ thể nhiệm vụ nào là của trung ương, đâu là nhiệm vụ của địa phương.
“Nếu bài toán quản lý, quy hoạch đô thị không đưa ra phương án giải quyết thì tình trạng tắc nghẽn giao thông ở TPHCM sẽ khó có lối ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải quyết kiến nghị của TPHCM
Với đề xuất “Sớm phê duyệt đề án thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM theo mô hình thí điểm đặc thù”, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài Chính chịu trách nhiệm chủ trì báo cáo để Thủ tướng phê duyệt đề án ngay trong tháng 1-2009.
Thủ tướng không chấp nhận kiến nghị của TP di dời quy hoạch ga trung tâm về Dĩ An, không xây mới ga đường sắt tại Thủ Thiêm trên địa bàn quận 2", Thủ tướng yêu cầu TP làm việc với Bộ GT-VT để xây dựng nhà ga hiện đại tính đến 100 năm nữa (ngầm hoặc trên cao).
Việc quy hoạch di dời các cơ sở giáo dục, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan hữu quan và TPHCM xây dựng quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt. Về yêu cầu Trung ương hỗ trợ tăng từ 30% lên 50% vốn ngân sách trong tổng mức đầu tư Khu công nghệ cao TP, Thủ tướng cho rằng trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay không thể giải quyết được.
Đối với đề xuất hỗ trợ TP 1 tỷ USD từ gói kích cầu 6 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với TP xây dựng kế hoạch, cơ chế để phát hành trái phiếu trị giá 1 tỷ USD nhằm huy động vốn cho các công trình đang dở dang, các dự án đã được phê duyệt.
Đối với kho bãi lãng phí trên địa bàn, TPHCM phải rà soát thống kê lập danh sách để đấu giá.
Riêng đề án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TPHCM, Ban chỉ đạo đề án này phải làm việc với TPHCM, Long An suy nghĩ và đề xuất xem còn những vướng mắc hoặc có cơ chế gì đặc thù đề xuất Chính phủ xem xét giải quyết, đặc biệt là vấn đề về vốn vì đây là dự án đối phó với thủy triều có quy mô lớn và mang tính liên vùng, nhiều đơn vị làm chủ đầu tư.
VÂN ANH (Theo SGGP)
 
 Một số ý kiến đóng góp của các bộ ngành cho TPHCM
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM phải kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phải có giải pháp trong việc hạn chế phát triển xe máy ào ạt như hiện nay, nếu không hạ tầng TPHCM sẽ không thể đáp ứng nổi.
TPHCM đã làm tốt công tác khảo sát về chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực chỉ số hài lòng của người dân còn thấp hoặc sút giảm so với trước nên TP phải quan tâm chỉ đạo khắc phục.
Đặc biệt, với lợi thế TP phải đẩy mạnh phát triển những ngành nghề về công nghệ cao; xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015, trong đó chú ý đến các ngành công nghệ thông tin, tài chính- ngân hàng, du lịch, kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Lĩnh vực đô thị tại TPHCM còn nhiều bất cập, bức xúc, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và tốc độ phát triển rất chậm (chỉ bằng 1/4 các nước khu vực), trong khi quy hoạch ngành đã có từ nhiều năm trước.

Do vậy, công tác quy hoạch đô thị TPHCM phải quan tâm để đi trước một bước chứ không thể cứ loay hoay như hiện nay. Cần thiết, TPHCM phối hợp với Bộ GTVT để thúc đẩy vấn đề này. Trước mắt, sớm hoàn thành phê duyệt chi tiết 1/2000 nếu không rất khó có thể triển khai dự án.

Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp: Với ưu thế là nơi tập trung đội ngũ trí thức đông đảo, TPHCM cần tập trung phát triển mạnh ngành công nghệ cao, mũi nhọn (chẳng hạn ngành công nghiệp phần mềm CNTT) để cho ra những sản phẩm đặc thù của TP.

Những ngành này mang lại nguồn lợi kinh tế nên đây cũng là giải pháp góp phần giúp cho TPHCM thoát khỏi tình hình suy thoái kinh tế. Nhưng để làm được điều này, TP phải tập trung đào tạo nhân lực phần mềm, kỹ sư tin học.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh: Tình hình suy giảm kinh tế sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của TPHCM lại có những lợi thế nhất định (chính trị ổn định, chất lượng phục vụ tốt, ẩm thực phong phú).

Thời gian tới, TPHCM nên đẩy mạnh quản bá xúc tiến du lịch, phát huy lợi thế thu hút khách du lịch đường biển; tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.

Bình luận (0)