Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hàng giá rẻ quay lại làm chủ thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang các dòng sản phẩm phân khúc bình dân đang thúc đẩy nhà sản xuất, nhà phân phối quay lại đầu tư cho phân khúc này…
Chị Nguyễn Thị Hồng Diệu – ngụ quận 12, TP HCM – là mối bỏ sỉ trứng gà, vịt cho các tiệm tạp hóa ở khu vực cầu vượt Ngã tư Ga. Hai tháng nay, giá xăng tăng, giá trứng tăng cao, hàng bán chậm hơn, mỗi ngày chị mất gần 20% thu nhập đầu vào nên cũng cắt giảm chi tiêu đầu ra tương ứng. "Thu nhập giảm nhưng giá cả tăng nhanh nên tôi làm mọi cách để tiết kiệm" – chị Diệu bày tỏ.
Rẻ mới dễ bán
Để gói ghém, chị Diệu chỉ mua thực phẩm đủ dùng, tạm ngưng mua quần áo, giày dép, mỹ phẩm mới; nước giặt, nước lau sàn, sữa tắm… phải xài hằng ngày thì chuyển sang hàng giá rẻ hơn hoặc có khuyến mãi giảm giá. "Trước đây, đi chợ mỗi ngày, thức ăn cũ là đổ bỏ nhưng nay chỉ mua vừa đủ để không bỏ phí. Thay vì mua nước giặt Omo giá khoảng 175.000 đồng/túi 3 kg thì nay dùng nước giặt Lix, túi 3,5 kg giá 146.000 đồng và đang khuyến mãi còn 83.500 đồng" – chị Diệu nêu ví dụ.
Hàng giá rẻ quay lại làm chủ thị trường - Ảnh 1.
Người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm phân khúc bình dân để tiết kiệm chi phí

Xu hướng người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong những tháng đầu năm 2022. Giám đốc một DN thủy hải sản cho biết doanh thu công ty giảm gần 30% trong 6 tháng đầu năm. "Công ty tôi có khoảng 15 sản phẩm bán ở thị trường nội địa, trong đó 1 sản phẩm đã bị siêu thị cắt mã hàng, 2 sản phẩm bị cảnh báo cắt vì doanh số quá thấp. Phản ứng dễ thấy của người tiêu dùng trong những lúc giá cả hàng hóa tăng cao như hiện nay là tiết kiệm, chọn mua các mặt hàng thay thế có giá rẻ hơn dù đó là hàng thiết yếu" – vị giám đốc phản ánh. DN này đang khảo sát nhu cầu thị trường, chuẩn bị đầu tư phát triển sản phẩm mới để thay thế những sản phẩm đã bị loại.
Tình trạng sụt giảm doanh số vì sức mua đột ngột xuống thấp xảy ra ở hầu hết các ngành hàng, ngay cả những DN đầu ngành cũng chịu ảnh hưởng chung. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết thời gian qua, công ty thường xuyên chạy khuyến mãi giảm giá, đẩy mạnh bán hàng online…, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để kích thích sức mua nhưng sản lượng bán ra tăng không đáng kể. "Thực tế là sau đại dịch Covid-19, thu nhập của người tiêu dùng không tăng, chi phí đắt đỏ nên nhiều người chuyển sang tiêu thụ hàng giá rẻ, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng không đặt nặng vấn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm. Không chỉ Vissan mà nhiều DN thực phẩm khác đang bán sản phẩm phân khúc bình dân tốt hơn so với các phân khúc khác" – ông Ngọc An nói.
Để thích ứng với thị hiếu tiêu dùng mới, các DN tăng sản lượng cho nhóm hàng bình dân và phát triển thêm sản phẩm mới ở phân khúc này. Vissan chuẩn bị ra mắt một số sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu đa dạng hóa khẩu vị và phân khúc thấp. "Cái khó là công ty phải cố gắng duy trì chất lượng sản phẩm nhưng giá thành phải thấp, giá bán thấp để bù chi phí và hợp túi tiền khách hàng. Muốn làm được như vậy phải ứng dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ thì phải đầu tư" – ông Nguyễn Ngọc An chia sẻ.
Hàng nhãn riêng thắng thế
Cũng cho biết vật giá leo thang nên người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, chi tiêu ít lại và chọn sản phẩm vừa túi tiền, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay các nhà sản xuất đang có sự điều chỉnh sản lượng cho từng phân khúc thị trường hoặc thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm theo đúng thị hiếu khách hàng. "Diễn biến tăng giá là không tránh khỏi. Từ đầu năm 2022 đến nay, Saigon Co.op và các nhà cung cấp đã nỗ lực làm chậm nhịp tăng giá tại hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op, ít nhất là chậm 3-4 tuần so với diễn biến chung. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và sau mỗi đợt tăng giá, DN lại phải tính toán giải pháp kích cầu" – ông Huy thông tin.
Ông Đinh Quang Khôi, Trưởng Phòng Marketing MM Mega Market, cho biết lượng khách lẫn doanh số các siêu thị MM Mega Market tại TP HCM đang tăng tốt do siêu thị đang giảm giá "sốc" trong chương trình khuyến mãi tập trung của thành phố. Ông lo ngại sau khi kết thúc chương trình, giá cả hàng hóa tăng thì sức mua không thể duy trì. "Trong những lúc thế này, hàng nhãn riêng sẽ là công cụ đắc lực giúp nhà bán lẻ giữ chân khách hàng và giữ mối liên kết hợp tác cùng có lợi với nhà sản xuất. MM Mega Market đang đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng để chủ động hàng hóa, giá cả trong bối cảnh giá cả hàng hóa liên tục leo thang" – ông Khôi cho biết.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng Hàng nhãn riêng Saigon Co.op, cũng phản ánh người tiêu dùng đang có xu hướng quan tâm đến giá cả nhiều hơn và hướng đến nhóm hàng phổ thông hơn. "Từ năm 2021 đến nay, khó khăn do dịch bệnh và khủng hoảng tăng giá toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước, DN bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhưng mức tăng trưởng của nhóm hàng nhãn riêng luôn cao hơn so với thị trường chung. "Thực phẩm vẫn là nhóm hàng chủ đạo trong cơ cấu hàng nhãn riêng của Saigon Co.op. Dòng sản phẩm phổ thông Select với mức giá trung bình, hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng chính của Saigon Co.op giữ vai trò chủ lực" – ông Hoàng Anh thông tin.
Dù có lợi thế về giá thành, giá bán so với các mặt hàng cùng chủng loại của nhà cung cấp nhưng theo ông Hoàng Anh, hàng nhãn riêng đang được điều chỉnh mẫu mã, kích cỡ bao bì để vừa túi tiền, tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm. Bên cạnh đó, bộ phận hàng nhãn riêng liên tục làm việc với nhà sản xuất để thống nhất kế hoạch cung ứng, trữ hàng… nhằm chủ động nguồn hàng lẫn giá cả. Các chương trình khuyến mãi cũng được điều chỉnh, không giảm giá đại trà mà khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn thì giảm giá nhiều hơn, khuyến mãi chéo khi mua combo sản phẩm… "Trong khi nhà sản xuất bỏ ra rất nhiều chi phí để truyền thông, marketing thương hiệu… thì hàng nhãn riêng tiếp cận người tiêu dùng bằng chất lượng, giá tốt. Vì vậy, nhà sản xuất và nhà kinh doanh phải luôn kiểm soát, bảo đảm chất lượng để giữ uy tín, thu hút khách hàng" – ông Hoàng Anh nói. 
Phải cung cấp đúng thứ khách hàng cần
Theo các DN, diễn biến tăng giá dây chuyền trên thị trường khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh ngoài dự báo của DN, gây nhiều khó khăn cho cả người dân lẫn DN. Trong khi các DN ngành hàng thực phẩm gắn với nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, tuy bị ảnh hưởng nhưng không quá trầm trọng thì các DN ngành hàng phi thực phẩm bị tác động rõ ràng hơn. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho hay thống kê của hệ thống cho thấy dù tổng doanh thu tăng nhẹ, giá trị giỏ hàng cũng tăng nhưng doanh thu của từng nhãn hàng có sự biến động bởi hầu hết khách hàng chọn mua sản phẩm có giá thấp hơn trước đây. "Chúng tôi phải lắng nghe khách hàng nhiều hơn, làm việc với các nhãn hàng để điều chỉnh, cung cấp đúng thứ họ cần" – bà Bích Vân nói.
 
Thanh Nhân (theo NLĐ)

Bình luận (0)