Đến thời điểm này, sân khấu thiếu nhi đã sôi động trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một điều dễ thấy nhất là sân khấu thiếu nhi đang nỗ lực thay đổi từ hình thức đến nội dung để khán giả nhí có được những giây phút giải trí hấp dẫn, tiếp thu được những bài học có giá trị qua mỗi suất diễn.
Vở kịch “Làm bạn với bầu trời” được diễn tại Đường sách TP.HCM
Mang sân khấu… xuống đường
“Làm bạn với bầu trời” là vở kịch của Sân khấu Hồng Hạc, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vở diễn ra mắt vào năm 2021 phục vụ thiếu nhi tại Sân khấu Hồng Hạc. Tuy nhiên, mới đây Ban Giám đốc sân khấu này đã đưa vở kịch “Làm bạn với bầu trời” xuống Đường sách TP.HCM biểu diễn phục vụ các em nhỏ. Tại sân khấu Đường sách hạn chế về không gian, điều kiện âm thanh, ánh sáng nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng vở diễn. Điều đặc biệt, khoảng cách giữa sân khấu và khán giả nhí rất gần giúp các em cảm thấy gần gũi với diễn viên trên sân khấu.
Anh Phan Duy Cương (Giám đốc Sân khấu Hồng Hạc) cho biết, đây là lần đầu tiên sân khấu mang vở diễn đến Đường sách TP.HCM. “Chúng tôi muốn vở diễn gần gũi hơn với khán giả nhí. Nếu vở diễn trên sân khấu thì có khoảng cách xa, thiếu nhi có điều kiện mới đến xem được, xuống Đường sách TP.HCM, thiếu nhi không cần mua vé, vẫn có thể ngồi thưởng thức vở diễn. Quan trọng hơn hết, vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh nên bên cạnh việc truyền tải về những giá trị nhân văn, chúng tôi còn lan tỏa tinh thần đọc sách đến các em thiếu nhi”.
Từ vở diễn, các em thiếu nhi còn học được những bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, tình bạn và đặc biệt là biết trân quý những gì đang có từ cậu bé Tèo. Cậu bé Tèo mê đọc sách nhưng suốt ngày cứ bị ba đánh mắng. Một bữa, ông say rượu, chở Tèo qua một cây cầu nhỏ rồi té lọt xuống suối. Tai nạn đó khiến Tèo phải nằm một chỗ, từ đó em chỉ có thể ngắm nhìn cuộc sống qua ô cửa nhỏ… Dù vậy, nhưng Tèo luôn lạc quan, nhìn cuộc sống tích cực. Đó cũng là lý do Tèo luôn được bạn bè quý mến đến vui chơi, kể chuyện giúp em bớt buồn.
Việc chuyển thể tác phẩm “Làm bạn với bầu trời” từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là điểm cộng cho vở diễn. Qua tác phẩm, các em nhỏ còn biết thêm được một quyển sách hay, nhà văn nổi tiếng để tìm mua sách đọc, góp phần hình thành thói quen đọc sách.
Ươm mầm tài năng cải lương
Để phục vụ các em thiếu nhi, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã xây dựng sân khấu “Ươm mầm những hạt ngọc” cho các em nhỏ từ 6 đến 13 tuổi có niềm yêu thích cải lương. Sân khấu này sẽ thường xuyên phục vụ các em nhỏ vào cuối tuần, các ngày lễ, Tết. Tại đây, các em không chỉ được thưởng thức nghệ thuật mà còn được tham gia biểu diễn cải lương do những nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề hướng dẫn.
Trích đoạn “Những cây bút chì màu” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang
Bên cạnh việc học, các em rất cần được vui chơi, giải trí để rèn luyện thể chất, tinh thần để phát triển toàn diện, trở thành những mầm xanh cho đất nước. |
Chia sẻ về sân khấu tài năng thiếu nhi “Ươm mầm những hạt ngọc”, nghệ sĩ Điền Trung cho rằng, khi sân khấu cải lương cho thiếu nhi ra mắt anh và vợ là nghệ sĩ Lê Thanh Thảo rất vui mừng vì con gái anh có sân chơi để khơi gợi tình yêu cải lương mà cha mẹ bé đã dành cả đời để cống hiến. “Tôi cho bé đến sân khấu để học hỏi, giao lưu với các bạn nhỏ có đam mê cải lương. Việc tôi định hướng là vậy, bé thích hay không do bé quyết định nhưng ít ra bé cũng sẽ biết được những gian nan khổ cực của các nghệ sĩ để trân quý”, nghệ sĩ Điền Trung chia sẻ.
Nội dung các tiết mục là những tác phẩm mới, chủ đề ca ngợi những tấm gương hiếu thảo, các nhân vật anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử Việt Nam… Những bài học đạo đức rút ra sau mỗi tiết mục giúp các em phát triển nhân cách một cách toàn diện, không chỉ là những nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương mà còn là những công dân tốt của đất nước. Chẳng hạn trích đoạn “Những cây bút chì màu” được biểu diễn không chỉ hướng dẫn các em nhỏ cách pha màu, cách phối hợp để tạo nên bức tranh đẹp mà còn nói về tinh thần đoàn kết, lòng khoan dung trong cuộc sống.
Ông Phan Quốc Kiệt (Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) cho biết, nằm trong kế hoạch hoạt động của đơn vị cũng như nhằm góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật sân khấu cải lương, nhà hát rất quan tâm và ưu tiên thực hiện những hoạt động mang tính định hướng, chiến lược và đào tạo nhân sự. Trong đó, lực lượng nghệ sĩ kế thừa của sân khấu trong tương lai là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
“Với những tính chất đặc thù của bộ môn nghệ thuật cải lương, để trở thành một nghệ sĩ tài danh thực thụ, ngoài năng khiếu bẩm sinh, người nghệ sĩ cần được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức chuyên môn và quá trình này đòi hỏi phải tốn khá nhiều thời gian. Vì lẽ đó, cải lương thiếu nhi đã ra đời nhằm hướng đến việc tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, các em thiếu nhi có năng khiếu thiên bẩm cũng như có niềm đam mê đối với bộ môn cải lương để từ đó nhà hát sẽ có kế hoạch đào tạo và định hướng phát triển cho các em”, ông Kiệt khẳng định.
Thúy Kiều
Bình luận (0)