Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhân lực ngành y dược: Cung – cầu quá “chênh” nhau!

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cùng ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ ngày 27-12

Nhiều cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương đều chung tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong khi không ít SV y dược tốt nghiệp ra trường vẫn không kiếm được việc làm. Nguồn nhân lực y dược phân bố không đều, ngày càng dịch chuyển mạnh theo hướng từ hệ thống y tế nhà nước sang tư nhân. Hiện tượng “chảy máu chất xám” diễn ra hầu khắp các tỉnh thành, đặt các cơ sở y tế trước rất nhiều khó khăn…
Đến 2015 vẫn chưa đủ nhân lực
Theo thống kê tại hội thảo quốc gia “Đào tạo nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27-12, chỉ số cán bộ y tế (CBYT) phục vụ 10.000 dân ở nước ta thời gian qua có tăng (giai đoạn 1990-2006 là 26,5 CBYT, nay đạt 32 cán bộ/10.000 dân) nhưng sự tăng trưởng diễn ra chậm hơn so với những ngành kinh tế khác, do hệ thống các cơ sở đào tạo y dược quy mô tăng chậm hoặc sự hạn chế trong các định mức CBYT không thay đổi hàng chục năm nay. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế) ước tính: “Riêng trong lĩnh vực điều trị, ở tuyến trung ương – tỉnh – huyện hiện đang thiếu trầm trọng và cần được bổ sung phải trên 47.000 CBYT. Với chế độ làm việc theo ca kíp thì con số này tăng lên gấp đôi. Ở tuyến xã, nếu tính theo số biên chế trung bình 7 cán bộ/trạm thì con số thiếu hụt cần bổ sung lên tới gần 31.000 cán bộ”.
Sự phân luồng nhân lực y tế diễn ra trên cả vùng miền và ngay trong hoạt động đào tạo. Năm 2005, toàn ngành chỉ có khoảng gần 24% CBYT có trình độ ĐH và sau ĐH. Số CBYT trình độ trung cấp lớn nhất, chiếm gần 57%. Đặc biệt, xấp xỉ 9% chỉ đạt trình độ sơ học. Vùng Đông Bắc có tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân cao hơn Đồng bằng sông Hồng nhưng số CBYT có trình độ thạc sĩ- tiến sĩ và tương đương lại thấp hơn nhiều. Điều này dẫn đến hiện trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Người dân ở các vùng sâu xa ít được tiếp cận với thầy thuốc có trình độ cao. Các bác sĩ vùng này cũng gặp khó khăn trong việc điều trị những bệnh nặng do thiếu trang thiết bị, yếu tay nghề. Vùng Tây Bắc, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long vẫn là những vùng đặc biệt khó khăn. Rất ít CBYT khu vực này có điều kiện học tập nâng cao tay nghề.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến: “Năm 2006, toàn ngành có 271.149 CBYT. Hằng năm cần tuyển thêm 20% CBYT (bổ sung 5% cán bộ về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác; 10% làm trong lĩnh vực y tế tư nhân; 5% để tăng trưởng) tương ứng với 54.230 người. Dựa vào số liệu ước tính nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế đến 2015, số lượng CBYT bậc ĐH ra trường hằng năm vào thời điểm 2015 vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ sở y tế công lập và tư nhân kể cả ở điều kiện lý tưởng là tất cả học viên ra trường đều đi làm và được tuyển dụng đồng đều giữa các vùng miền”. Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đánh giá rằng các trường ĐH- CĐ y dược có quy mô đào tạo không lớn, thấp hơn một số khối ngành khác. Tỷ lệ SV/1 giảng viên của các trường này đều thấp hơn 10/1 và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ SV/1 giảng viên bình quân của cả hệ thống giáo dục ĐH. So với nhu cầu trong chiến lược phát triển đội ngũ CBYT đến 2010 (tỷ lệ 5SV/1 giảng viên với bậc ĐH, trường CĐ: 8/1, trường TC: 10/1) thì quy mô đào tạo nhỏ như hiện nay rất khó đạt được mục tiêu.
Chất xám chảy… ngược!
Ông Nguyễn Thành Nam (đại diện Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa) bức xúc: “Hiện tượng chảy máu chất xám theo hướng từ tuyến dưới về tuyến trên, tuyến trên “chảy” về tuyến cao hơn đang đẩy các cơ sở y tế vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Riêng tại Khánh Hòa, năm 2006, Sở Y tế tỉnh nhận về 100 CBYT nhưng đến 2008 chỉ còn “trụ” lại 18 cán bộ”. Ông Nam nhấn mạnh: “Trước tình trạng thiếu nhân lực, chúng ta không đào tạo ồ ạt nhưng cũng không nên quá cẩn trọng trong việc đào tạo vì sẽ dẫn đến không kịp cung ứng”. Ông Lê Thanh Liêm (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) khẳng định: “Hiện nay, có nhiều trường hợp cơ sở y tế huyện không còn bác sĩ hệ đào tạo chính quy. Nguyên nhân là những năm gần đây, hệ thống bệnh viện tư nhân đang phát triển mạnh, thu hút một lượng không nhỏ CBYT. Mặt khác, SV ra trường cũng không thiết tha trở về phục vụ địa phương lắm”. Ông Liêm kiến nghị nên có quy định để SV ra trường trở về thực hiện “nghĩa vụ” với địa phương trong vòng 3 năm. PGS.TS. Vũ Đình Chính (Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương) cũng cùng quan điểm: “Chúng ta đào tạo ra nhưng không có biên chế nên lại thừa. Phía nhà tuyển dụng luôn yêu cầu bằng khá giỏi. Nhưng hiện nay ta thiếu một cái “chuẩn chung” quy định chất lượng bằng cấp. Nên có một kỳ thi tuyển quốc gia để đánh giá chất lượng nhằm tạo hiệu quả công bằng cho người học”. PGS.TS. Vũ Đình Chính nêu lên một thực trạng là có đến 30% số kỹ thuật viên (KTV) y tế đang làm việc tại các bệnh viện thuộc các tỉnh khu vực phía Bắc không làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt có tới gần 50% điều dưỡng lại làm công việc của KTV. Nguyên nhân do các cơ sở y tế thiếu đội ngũ KTV.
M.TÂM

Bình luận (0)