Rời quân ngũ sau ngày quê hương im tiếng súng, chàng trai quê Quảng Ngãi – Nguyễn Tiến Dân tiếp tục sự nghiệp học hành, trở thành nhà báo. Hơn 20 năm qua, cùng với nghề báo, ông lặng lẽ đặt dấu chân mình đến các vùng xa xôi nhất của mảnh đất miền Trung để hỗ trợ tìm đồng đội, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo đến trường…
Nhà báo Nguyễn Tiến Dân trao quà cho học sinh nghèo miền Trung
Nghề báo cần một chữ Tâm
Căn nhà nhỏ của cựu chiến binh – nhà báo Nguyễn Tiến Dân nằm sâu trong con hẻm yên tĩnh ở đường Nguyễn Đức Trung (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Hôm tôi đến, ông gác lại một chuyến đi về vùng sâu để dành cho tôi một buổi trò chuyện về nghề. Câu chuyện nghề báo của một người lính đong đầy những trăn trở về cuộc sống, về những khát vọng cho ngày mai. Ông Dân kể, lớn lên trong thời buổi bom rơi, đạn lạc, tuổi thanh niên ông tham gia vào bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu ở chiến trường Quân khu 5.
Ngày đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ, ra miền Bắc học tập. Hoàn thành khóa học ở Trường Tuyên huấn Trung ương, năm 1983, ông trở về TP.Đà Nẵng bắt đầu sự nghiệp làm báo của mình. Trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau, từ phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện Báo Đường sắt đến Báo Cựu chiến binh Việt Nam tại miền Trung… Suốt sự nghiệp làm báo, ông khai thác đa dạng đề tài nhưng đề tài khiến ông trăn trở nhiều nhất là cái khó nghèo của người dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, là những người đồng đội còn nằm lại đâu đó giữa chiến trường chưa được trở về. Ông nói: “Nghề báo đương nhiên phải đảm nhận nhiệm vụ phản ánh đa chiều, phản ánh, phản biện để ngợi ca cái đẹp, bảo vệ lẽ phải… Nhưng trong tất cả, thứ cần nhất là một chữ Tâm. Chữ Tâm trong sáng và trách nhiệm với nghề. Bởi ranh giới giữa sự đúng – sai, được – mất đôi khi rất mong manh. Giữ được chữ Tâm của mình là thể hiện được bản lĩnh của người làm báo cách mạng”.
Nâng bước học trò nghèo
Ông Dân chỉ tay vào 2 thùng áo, mũ len dành cho trẻ nhỏ kê ngay ngắn trong góc nhà, nói: “Đây là quà của các mạnh thường quân ở miền Bắc gửi vào nhờ tôi chuyển đến các cháu nhỏ vùng cao. Do đang mùa hè nắng nóng nên tôi sắp xếp chuyến đi lùi lại một thời gian. Tôi thường xuyên nhận được các món quà bất ngờ như thế, thấy bà con thương người dân nghèo, mình cũng cảm động nên dù tuổi đã cao mình cũng cố gắng đưa đến tận tay bà con”.
Sự thiếu thốn của trẻ vùng cao luôn gợi lên trong nhà báo Nguyễn Tiến Dân một tấm lòng trắc ẩn
22 năm trước, nhà báo Nguyễn Tiến Dân bắt đầu hành trình thiện nguyện của mình. Buổi đầu chưa có kinh phí, ông đến các nhà hàng xin vỏ lon bia, chai nhựa… về bán ve chai. Tiền thu được ông mua bút vở tặng học trò nghèo. Cặm cụi gom nhặt để gieo lên những ước mơ con chữ, việc làm của ông được nhiều người biết đến và chung tay. Có được nguồn hỗ trợ, ông đi xa hơn, chia sẻ nhiều hơn cho những mảnh đời khó khăn. Ông dành nhiều món quà cho học trò nghèo nhưng cũng không quên hỗ trợ các đồng đội còn khó khăn khi trở về với cuộc sống đời thường. Ông bảo, đi qua chiến tranh, bước qua lằn ranh sinh tử, được sống đã là hạnh phúc và may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Vì vậy, phải góp chút công sức mình để không ai bị thiệt thòi, tụt lại giữa vòng quay cuộc sống.
Em Phạm Thị Thu Thảo, cựu học sinh Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) vẫn luôn nhớ về ông như một cứu cánh cuộc đời mình. Thảo mồ côi mẹ, bố có gia đình mới. Bà ngoại Thảo dù thương cháu, chăm chút từng tí một nhưng đời sống kinh tế rất khó khăn. Lớp 10, Thảo đi làm thêm để trang trải chi phí học tập, phụ bà cơm cháo qua ngày. Xót xa trước hoàn cảnh của Thảo, mỗi tháng nhận được 900 ngàn đồng tiền trợ cấp thương binh, ông Dân dành tất cả để hỗ trợ Thảo. Nghoảnh lại chặng đường đã qua, Thảo bảo: “Nếu không có sự hỗ trợ của chú Dân, có lẽ đường học của em đã dừng lại khi chưa tốt nghiệp THPT. Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng, em cảm thấy mình rất may mắn và tự nhủ cần nỗ lực hết sức trong công việc để có cuộc sống tốt hơn”.
Nhà báo Nguyễn Tiến Dân trong một lần tác nghiệp
Thảo chỉ là một trong hàng trăm học trò nghèo ở các miền quê xa xôi của các tỉnh thành ở miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Đắk Lắk… được ông Dân hỗ trợ trong suốt 22 năm qua. Có những ước mơ con chữ được ông gieo mầm thành hiện thực.
Vài năm trước, ông nắn nót viết vào di chúc của mình di nguyện hiến xác cho y học. “Sống là cho đi, chết là hiến dâng đem lại niềm hy vọng, niềm vui cho nhiều người khác. Cái chết thật sự có ý nghĩa khi nó là sự khởi đầu cho sự sống mới”, ông giải thích. |
Trong câu chuyện đời mình, ông Dân lặng lẽ sống và âm thầm cống hiến như một người lính. Nơi nào khó khăn nhất ông đều đặt chân đến. Đến để hiểu, cảm thông và sẻ chia. Cái khổ mình chia bớt thì niềm vui sẽ nhân lên gấp đôi. Ông nói thế trước mỗi chuyến đi xa ở cái tuổi ngoài bảy mươi. Những món quà của ông, từ các suất học bổng cho đến bút, vở, áo ấm, xe đạp, lương thực, thực phẩm… đến với học trò, người dân và các cựu chiến binh nghèo dường như có ý nghĩa hơn. Chuyến đi nào ông cũng góp một phần trích từ tiền trợ cấp thương binh của mình. “Mình có cơm ăn ngày ba bữa là đủ đầy hơn nhiều người rồi. Sớt chia một chút để mọi người bớt khổ”, ông luôn nhận lấy lời động viên từ người bạn đời của mình trước mỗi chuyến đi, coi như đó là động lực để tiếp tục hành trình nhân ái.
Câu chuyện giữa chúng tôi, giữa hai người theo nghiệp viết lách: một già – một trẻ dừng lại bởi tiếng còi tàu kéo hồi dài chuẩn bị vào ga Đà Nẵng. Ông Dân bảo, nhà ở gần đường sắt đôi khi cũng ồn ào nhưng thanh âm của tiếng còi tàu cho mình nhiều suy ngẫm hơn về đời sống. Tôi hình dung về những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam rồi nghĩ về cuộc đời ông. Có cung đoạn lướt nhanh, cũng có đôi khi chậm rãi nhọc nhằn nhưng hành trình ấy ít nhiều mang lại những niềm vui.
Phan Mỹ Chánh
Bình luận (0)