Mỗi năm TP.HCM tăng thêm khoảng 20.000-30.000 học sinh. Áp lực về sĩ số học sinh đầu cấp đặt ra cho thành phố nhiều thách thức trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Học sinh Trường THCS An Phú (TP.Thủ Đức) trong một giờ học ngoài trời
Dù khó khăn song nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thành phố, từng địa phương, nhà trường đã nỗ lực vượt khó xây dựng các trường chuẩn quốc gia.
Vượt khó xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Là địa phương hạn chế vì quỹ đất, sĩ số học sinh đầu cấp lại cao, tuy nhiên tính đến thời điểm này Q.3 đã có 7 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 1 trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Quận này cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 trường chuẩn quốc gia, bao gồm 2 trường tiểu học và 2 trường THCS.
Ông Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 thông tin, để có thể xây dựng được các trường chuẩn quốc gia và đảm bảo 100% chỗ học cho con em trên địa bàn quận, địa phương, đơn vị nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nội dung giảng dạy chăm sóc trẻ; tuyên truyền để đội ngũ, phụ huynh hiểu và đồng thuận.
Với các trường đang phấn đấu xây chuẩn, ông Khoa cho hay Phòng GD-ĐT đã có kế hoạch giảm đầu vào trong quá trình tuyển sinh tại các trường này, tham mưu với UBND quận đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp.
Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 nhìn nhận, thêm một trường chuẩn quốc gia được xây dựng đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục toàn quận được nâng cao, tác động lớn đến sự tin tưởng của phụ huynh, là điều kiện để phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất, tạo môi trường tốt nhất cho con em trên địa bàn quận học tập.
“Khó khăn nhất khi xây dựng các trường chuẩn quốc gia vẫn là diện tích đất/trẻ, hạn chế về sân chơi, bãi tập, phòng học, phòng chức năng… Cạnh đó, khi một trường đạt chuẩn quốc gia thì nhu cầu của phụ huynh học sinh muốn học tập tại trường càng cao. Bài toán đặt ra cho địa phương, nhà trường là càng phải nỗ lực hơn để duy trì chất lượng và tuyên truyền làm sao để phụ huynh hiểu, đồng thuận”, ông Khoa nêu rõ.
Tại Q.Bình Tân, trong giai đoạn 2020-2025, Trường THCS Tân Tạo được chọn để phấn đấu xây chuẩn quốc gia. Hiện tại, trường có sĩ số 1.497 học sinh với 35 phòng học, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất, phòng chức năng song còn vướng tiêu chí về số học sinh/lớp cũng như một số tiêu chí về đội ngũ, chương trình giáo dục… Các tiêu chí này đang được trường nỗ lực xây dựng, hoàn thành.
Được xem là điểm nóng về áp lực học sinh đầu cấp song đến nay toàn Q.Bình Tân đã xây dựng được 10 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 9 trường mầm non và 1 trường tiểu học.
Ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân chia sẻ, trong giai đoạn 2020-2025, quận đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng 3 trường mầm non và 1 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Tính đến nay, chỉ tiêu 3 trường mầm non đã hoàn thành, chỉ còn 1 trường THCS đang tiếp tục được phấn đấu.
Theo ông Tuyên, để một trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia thì phải xây dựng lộ trình để giảm sĩ số, song song đó là đạt kiểm định chất lượng giáo dục về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, giảng dạy… Để đạt được, quận giao chỉ tiêu cho từng trường theo từng năm, từng bước kéo giảm sĩ số song không tác động lớn đến nhà trường, phụ huynh.
“Để một trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia đã khó nhưng duy trì chuẩn đó qua từng năm, từ nhiệm kỳ thì càng khó hơn. Trường đạt chuẩn quốc gia phải khống chế về sĩ số học sinh, kéo theo đó là nguồn thu của trường sẽ giảm nhưng lại đặt ra nhiều yêu cầu cao về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy… Điều này đòi hỏi thủ trưởng mỗi đơn vị phải có sự tính toán, co kéo sử dụng nguồn thu một cách hợp lý để vừa chăm lo đội ngũ nhưng vừa đầu tư cơ sở vật chất. Muốn như vậy phải có sự đồng lòng, chung tay của đội ngũ và phụ huynh học sinh…”, ông Tuyên phân tích.
Dù vậy, ông Tuyên khẳng định, nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tác động mạnh đến chất lượng giáo dục trên địa bàn quận, tạo ra điểm nhấn của từng đơn vị, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo cho con em, càng tạo thêm sự tin tưởng của phụ huynh.
Tăng cường sự đồng thuận của đội ngũ và phụ huynh
Sau 5 năm duy trì mô hình trường chuẩn quốc gia (từ năm 2017), năm học 2021-2022, Trường THCS An Phú (TP.Thủ Đức) đã được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Để duy trì chuẩn trước những áp lực về sĩ số học sinh, cơ sở vật chất, cô Mai Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã đặt ra một kế hoạch dài hơi xuyên suốt 5 năm để thực hiện.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2020-2021, bậc học có tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cao nhất là bậc tiểu học với 71/500 trường (tỷ lệ 14,20%). Kế đến là bậc mầm non với 169/1.346 trường (12,56%), hai bậc THCS và THPT có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tương ứng là 28/280 trường (10%) và 4/199 trường (2,01%). Toàn thành phố mới có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 10 trường THCS và 3 trường THPT đạt chuẩn tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. |
Trong đó, về cơ sở vật chất, nhà trường phải tính toán từ nhiều nguồn để đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định khi nhiều hạng mục cơ sở vật chất của trường theo thời gian đã xuống cấp. Về sĩ số học sinh, trường xây dựng mục tiêu mang tính chiến lược nhằm giữ chuẩn, đảm bảo sĩ số không quá 40 học sinh/lớp. Ngoài ra, đó còn là các yêu cầu về phòng chức năng, sân chơi bãi tập. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ phải có sự đồng đều để đảm bảo chất lượng đầu ra của học sinh.
“Một trong những yêu cầu khó nhất đó là trường phải luôn cố gắng duy trì sĩ số thấp nhất, đảm bảo chất lượng giảng dạy của trường. Hiện nay, sĩ số học sinh tại trường chỉ ở mức khoảng 33 học sinh/lớp. Với riêng các lớp tích hợp, không tăng cường tiếng Anh sĩ số chỉ khoảng 27, 28 em/lớp. Tuy nhiên, sĩ số thấp làm nguồn thu trường thấp khiến trường gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất”, cô Thu bày tỏ.
Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (Q.3) là đơn vị vừa được công nhận là trường chuẩn quốc gia cấp độ 2. Đây cũng là trường duy nhất trên địa bàn Q.3 đạt chuẩn quốc gia mức độ này.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây chuẩn, cô Vũ Đỗ Thúy Hiền – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, bên cạnh hàng năm thường xuyên phải đầu tư, duy trì, bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí giáo dục và chăm sóc trẻ, trường xây dựng lộ trình đón trẻ phù hợp theo đúng quy định, dao động 20 trẻ/lớp với bậc nhà trẻ và từ 25-35 trẻ/lớp với bậc mẫu giáo. Chú trọng phát triển đội ngũ với 100% giáo viên trên chuẩn.
“Với yêu cầu phòng chức năng như phòng học ngoại ngữ cho trẻ mầm non, trường tận dụng phòng “tập bé làm nội trợ” để sử dụng, đồng thời chuyển phòng “tập bé làm nội trợ” trực tiếp vào trong từng lớp học để các cô linh hoạt tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp”, cô Hiền nói.
Quá trình xây dựng, Hiệu trưởng này cho biết nhà trường đã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, dịch bệnh đã tác động đến việc đầu tư cơ sở vật chất của trường, đòi hỏi cao hơn sự phối hợp với phụ huynh, tính toán kỹ nguồn thu để vừa đảm bảo đời sống giáo viên, vừa xây dựng cơ sở vật chất.
“Với khó khăn này, trường đã xây dựng kế hoạch 5 năm thành 2 giai đoạn trung hạn 2 năm và 3 năm với lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn, cuốn chiếu những gì cần thiết thì làm trước. Song song đặt ra các yêu cầu cụ thể đến từng tổ khối. Khi xây dựng trường chuẩn quốc gia trong giai đoạn khó khăn, trường chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để đội ngũ, nhân viên và phụ huynh hiểu, nắm được tính cần thiết khi phấn đấu xây dựng chuẩn từ mức độ 1 lên mức độ 2, nhất là trong bối cảnh giáo dục hiện nay để đội ngũ đồng thuận, chia sẻ, phụ huynh an tâm, hỗ trợ”, cô Hiền nhấn mạnh.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)