Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Phạm Minh Hạc: Cần thực tế hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Có ba tọa độ để xác định vạch xuất phát của nền giáo dục Việt Nam (GDVN): phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bản thân nền GD. Do đó, quyết định chất lượng của một nền GD không phải chỉ có tiền. Đó là nhận xét của GS. Phạm Minh Hạc (ảnh), nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi trao đổi xung quanh dự thảo Chiến lược phát triển GD Việt Nam 2009-2020.
Một tỷ lệ đẹp
PV: Ông từng nói: “Trong chiến lược chúng ta phải xác định nền GD của Việt Nam đang đứng ở chỗ nào”. Vậy xin hỏi theo ông, GD Việt Nam (GDVN) đang đứng ở đâu?
– Tôi xin được nói lại cho rõ đó là điểm xuất phát của nền GD, không phải “đứng ở vị trí nào”. Việc xác định chỗ đứng hay điểm xuất phát có thể coi như một vạch xuất phát của một cuộc đua. Theo tôi, có ba tọa độ để xác định vạch xuất phát của nền GDVN. Thứ nhất ở góc độ phát triển kinh tế. Hiện tại, VN chưa được xếp vào nước phát triển. Nhưng những gì mà GD đã đạt được là sự nỗ lực của nhân dân và sự cố gắng của Nhà nước. Tọa độ thứ hai là trình độ phát triển xã hội. Tọa độ thứ ba là bản thân nền GD. Những năm gần đây, chúng ta có 22-23 triệu người đi học trên hơn 80 triệu dân. Đây là một “tỷ lệ đẹp”. Nhưng ở các bậc học lại có sự khác biệt. Ở bậc phổ thông, hiện đang phổ cập THCS (đến nay đã có 47/63 tỉnh thành đạt phổ cập THCS), còn THPT thì chưa phát triển. Tiểu học đã hoàn thành phổ cập từ năm 2000. Chất lượng của bậc học phổ thông nhiều người còn đang chê trách và đòi hỏi. Cái đó tôi cho là đúng nhưng xét chung thì trình độ phổ thông của VN các chuyên gia đánh giá không thua kém các nước khác trên thế giới. Nhưng bắt đầu từ GD dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH, rất nhiều điều chưa đạt được như mong muốn. Một phần là do nguyên nhân xuất phát điểm của ĐH VN thấp. ĐH của VN bắt đầu có từ 1911 nhưng phải đến 1923 mới bắt đầu có đào tạo ĐH. GDĐH chỉ thực sự phát triển từ năm 1953.
Theo GS cần làm gì để đánh giá khách quan chất lượng GD?
– Chúng ta nên đánh giá từng cấp học riêng ra, vì chất lượng các bậc học hiện nay rất khác nhau. Chẳng hạn, ở tiểu học không có nhiều vấn đề, nhưng ở ĐH lại quá nhiều gay cấn. Ở THCS hầu như không có vấn đề nổi cộm lắm. Các trường THPT chuyên (mũi nhọn) nhiều em đạt đỉnh cao (thi Olympic Toán quốc tế VN luôn đứng ở top 10…).
Có một vấn đề ở phổ thông là việc phân luồng. Phần lớn HS ngay từ lớp 9, lớp 10 đã chỉ có một mục tiêu là vào ĐH,CĐ. Nhưng ở ĐH lại quá nhiều vấn đề: SV tốt nghiệp các trường kỹ thuật nổi tiếng đạt trình độ kỹ sư có thể hành nghề được chỉ đạt 10-30%. Tại các chợ lao động cao lắm 30% người dự tuyển được tuyển. Hiện nay, yếu kém nhất là dạy nghề. Những năm sắp tới cần phát triển trường nghề. Ở các nước tiên tiến cứ 1 ĐH – 4 CĐ -10 TCCN còn ở ta tỷ lệ đó ngược lại. Đồng thời, cũng cần đánh giá chất lượng GD của các khu vực như thành thị, nông thôn, vùng khó khăn.
450 SV/vạn dân: mục tiêu khó đảm bảo
Ông cũng đã từng nói, GDVN yếu kém nhất là dạy nghề và bậc ĐH. Vậy xin hỏi yếu kém của chúng ta cụ thể ra sao?
– Trên diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) họ có vẽ biểu đồ phát triển của VN năm 2008. Trong biểu đồ đó chỗ lõm nhất là GDĐH. Ngay trong hệ thống GD, ta có thể thấy không có nước nào có tỷ lệ SV ở các trường ĐH lớn hơn HS trường nghề. ĐH có vị trí cao nhất của Việt Nam cũng vào thứ 2.700 và ngoài ra là ở vị trí hơn 4.000 trong 5.000 trường ĐH của thế giới. Quan trọng hơn, trong một cuộc khảo sát tại một trường ĐH nổi tiếng về đào tạo kỹ sư kỹ thuật thì 100 SV ra trường chỉ có 30 SV có thể hành nghề ngay. Ở các hội chợ việc làm, nhà tuyển dụng cũng chỉ tuyển được 10% số người đến tham gia dự tuyển. Cái yếu nhất của GDĐH hiện này là chất lượng đào tạo. Chính vì vậy mà xã hội thiếu nhân lực đã qua đào tạo ở trình độ cao. Về sách và giáo trình cho SV, ĐH chỉ có 50% các môn học có sách và giáo trình. Trong khi đó, nếu chuyển sang đào tạo tín chỉ, mỗi môn học yêu cầu phải có tối thiểu 8 đầu sách để SV học thì chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/16 yêu cầu. Tỷ lệ SV/giảng viên vẫn còn quá cao (30 SV/giảng viên). Số GS, PGS/giảng viên ở các trường ĐH chỉ vào khoảng 1/10, số TS/giảng viên khoảng 2/10. Tình trạng chung vẫn là “cơm chấm cơm”. ĐH được mở ra mà không có trường, không có thầy. Có trường thành lập chỉ có 1 TS. Không những thế tình trạng “1 con gà thành 4 con gà” xảy ra ở rất nhiều trường. Trong danh sách GS, PGS giảng dạy ở các trường trùng nhau rất nhiều. Trường nào cũng nhận GS đó là giảng dạy cho mình nhưng thực tế số lượng vẫn chỉ là một người. Chương trình lỗi thời, lạc hậu. Cơ sở vật chất yếu kém.
Trong dự thảo chiến lược GD từ 2009-2020 có nêu mục tiêu đến 2020, VN sẽ có 30% – 40% SV học tại các trường ĐH ngoài công lập. Trong khi đó, hiện nay, tình trạng đào tạo “chui”, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thiếu giảng viên… tại các trường ngoài công lập diễn ra “ngang nhiên”. Ông có nghĩ rằng, sau 12 năm nữa, GDĐH ngoài công lập sẽ đảm bảo đủ điều kiện về “chất và lượng” để đáp ứng mục tiêu này?
– Trong chiến lược, một số chỉ tiêu định lượng chưa được tính toán kỹ. Việc đặt ra mục tiêu 30% – 40% SV sẽ theo học tại các trường ĐH ngoài công lập có thực sự phù hợp hay không, có điều kiện thực thế để đạt được hay không? Tôi cũng không rõ là hiện nay, SV ngoài công lập của VN đã đạt đến con số 10% hay chưa. Tôi cũng thắc mắc tại sao lại đưa ra con số đó. Nếu Nhà nước chọn mô hình phát triển như châu Âu thì tỷ lệ SV ngoài công lập phải rất thấp. Hay dân mình có phải trong 10 năm nữa sẽ có nhiều tiền để cho con em đi học tư thục không? Nên nhớ, hiện giờ, nông dân vẫn chiếm trên 70% dân số, nông dân thu nhập như thế nào chúng ta đều biết. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2020 sẽ chỉ còn 50%. Con số này có mâu thuẫn không?
Cũng trong chiến lược, Bộ GD-ĐT đưa ra mục tiêu đến năm 2020 là 450 SV/vạn dân. Ông có bình luận gì về con số này không?
– Cốc nước đường quá loãng. Không khéo chính ở đấy đang rơi vào bệnh thành tích. Hiện nay chúng ta có 5 vạn cán bộ giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, đạt tỷ lệ 30 SV/giảng viên. Nếu giảm xuống 20SV/giảng viên thì cần số cán bộ tăng gấp đôi hiện nay. Vậy nếu quy mô SV tăng lên 400 SV/vạn dân thì số lượng tiến sĩ chúng ta phải có trong năm 2020 không phải là 2 vạn mà là 5 vạn.  
Trong các cuộc hội thảo của Bộ GD-ĐT về GDĐH, người ta thấy dường như ngành GD luôn băn khoăn về về vấn đề “xếp hạng” các trường ĐH. Ông có sợ rằng, nếu cứ “lo xếp hạng” thì SV của chúng ta sẽ trở thành “chuột bạch” không?
– Theo tôi, việc đánh giá đương nhiên phải làm, đánh giá của chúng ta phải chặt chẽ, trên cơ sở định lượng rồi mới đưa ra định tính. Tôi hoan nghênh chủ trương kiểm định chất lượng tại các trường ĐH. Mục đích của xếp hạng là để nắm thực trạng các trường. Nhưng chạy theo cái đó thì chúng ta phải coi là “con bệnh”. Tôi nghĩ, xếp hạng vào top của thế giới là cần thiết nhưng không nên xác định đó là mục tiêu. Mục tiêu của GDĐH VN là đào tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu của xã hội, phục vụ phát triển đất nước. Trước kia Hồ Chủ tịch ra đi tìm đường cứu nước không phải để mong muốn mình sẽ là “danh nhân của thế giới” mà với mục đích cứu dân tộc khỏi nô lệ. Từ mục đích đó mà Người đã làm việc, học tập đưa ra đường lối cách mạng đúng đắn và đến năm 1990 được thế giới tôn vinh.
Giải pháp để cải thiện những yếu kém này là gì, thưa ông?
– Chúng ta có đường lối rất đúng đắn khi đưa ra quyết định “GD và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Nhưng sau 20 năm đổi mới, chúng ta mới chỉ làm được một phần. Phải làm thế nào đó để GD đúng là quốc sách hàng đầu. Cả xã hội phải chăm lo cho GD. Tạo ra tâm lý tích cực chăm học tập trong HS, SV. Chúng ta không phải chỉ chăm lo cho đời sống giáo viên mà còn phải chăm lo cho cả HS, SV. Vấn đề KTX cho SV đã được đưa ra rất lâu. Nhưng đến nay mới chỉ có 20% SV được ở trong KTX. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường.
Đảm bảo quyền lợi cho người dạy và người học
Trong dự thảo chiến lược, vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được xác định là một trong hai giải pháp mang tính đột phá. Nhưng ngoài việc thay đổi cách tuyển dụng, học bổng, đặc biệt là thu hút SV giỏi vào các trường sư phạm, chính sách đãi ngộ xứng đáng và do hiệu trưởng quyết định mức lương, theo ông, cần thêm giải pháp gì?
– Trước hết là làm cho đội ngũ giáo viên ổn định và phấn khởi để dạy tốt, loại trừ mọi tiêu cực. Việc tuyển giáo viên làm theo hợp đồng phải có sự cân nhắc kỹ. Còn việc hiệu trưởng trả lương cho giáo viên, hiện nay VN có 4 vạn trường, liệu 4 vạn hiệu trưởng này đã thực sự “công tâm” và đủ năng lực để trả lương cho giáo viên? Tôi nghĩ cái này cần nghiên cứu kỹ.
Đề án liệu có thiết kế để đảm bảo cơ hội tiệm cận tương lai tươi sáng cho thanh niên, thông qua con đường học vấn…
– Từ khi xã hội chuyển sang cơ chế thị trường, thì quyết định tương lai của thanh niên chính là bản thân thanh niên. Thứ hai là hệ thống GD tạo điều kiện cho thanh niên để họ có được tương lai sáng sủa và có được cuộc sống hạnh phúc. Tôi nghĩ một đất nước luôn có 1/4 dân đi học thì tôi nghĩ đó là đất nước có nền GD tốt đẹp.
Ông có nhận xét gì về vai trò của người học, đặc biệt là SV trong hệ thống GDVN tương lai? Họ có những thuận lợi và sẽ gặp phải thách thức gì? Cách để vượt qua?
– Điều tôi lo nhất hiện nay là học sinh không chăm học, không ham học. Từ bậc phổ thông, chúng ta cũng cần phải chú ý không phải chỉ dạy chữ mà còn phải dạy ý chí vươn lên trong học tập và trong tu dưỡng. Tương lai của đất nước là của lớp trẻ nhất là trong đội ngũ SV. Thuận lợi của SV hiện nay nhiều hơn trước. Nhưng thách thức cũng nhiều. Vì thời đại mới, yêu cầu cao hơn đối với mỗi người. Thành đạt phụ thuộc vào ý chí vươn lên của mỗi SV. Tôi cũng nói thật là thư viện của mình kém quá. Số trường có thư viện điện tử chắc đếm không quá 10 trường. Nhưng tôi thấy, cái tốt đẹp nhất của thanh niên hiện nay là thoát khỏi tâm lý “bao cấp”, thay vào đó là tâm lý “bươn chải”. Tôi nghĩ SV ngày phải làm việc 12 tiếng thì mới trở thành người giỏi. Lãng phí thời gian là lãng phí lớn nhất trong SV hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)