Chiều ngày 30/12, tại cuộc họp báo giới thiệu về Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí. Quy chế bao gồm 8 điều, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo về viện dẫn nguồn tin, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng, phát.
Quy chế ghi rõ: cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin khi đăng, phát trên báo, phải thể hiện rõ nguồn tin đó do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp. Đối với các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử và các vụ án tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì báo chí có quyền thông tin theo nguồn tài liệu của mình, nhưng phải viện dẫn nguồn thông tin và phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin được cung cấp. Không đăng, phát những thông tin về thân nhân và các mối quan hệ cá nhân trong vụ án nếu không có căn cứ cho rằng thân nhân và các mối quan hệ cá nhân đó có liên quan đến vụ án.
Cơ quan báo chí khai thác văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân liên quan đến các vụ án đang được điều tra phải nêu rõ xuất xứ của các tài liệu trên. Khi sử dụng tin, bài đăng phát trên báo, cơ quan báo chí phải ghi rõ hoặc biết rõ tác giả bài báo. Chỉ có các tạp chí chuyên ngành mới được đăng những loại thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học chưa được kết luận và phải có chú dẫn xuất xứ tư liệu.
Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
Ông Hoàng Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, nếu thông tin đã đăng, phát của cơ quan báo chí sai mà không cung cấp được xuất xứ nguồn tin, thì tùy tính chất, mức độ gây thiệt hại của thông tin để kết luận mức độ xử lý.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhận định, văn bản này tuy ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, giúp cho nền báo chí của ta ngày càng có tính chuyên nghiệp. Trong quá trình thực hiện quy chế này, chúng ta sẽ điều chỉnh để văn bản ngày càng hoàn thiện.
TH (theo Chính phủ)
Bình luận (0)