Làm thế nào để nâng cao hiệu quả liên kết doanh nghiệp trong đào tạo nghề vẫn là thách thức trăn trở đối với các trường đại học, cao đẳng và đặc biệt là trung cấp nghề. Việc tiếp cận và liên kết với doanh nghiệp là một rào cản lớn, trong khi đó sự gắn kết giữa trường học và doanh nghiệp được xem là động lực giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tri thức.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Vừa qua, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Quận 12 đã tổ chức buổi hội thảo với chuyên đề “Nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học sinh qua việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM chia sẻ: “Thị trường lao động sẽ phát triển cùng kinh tế xã hội dù chúng ta có gắn kết với nhà trường hay gắn kết với doanh nghiệp đi nữa. Đặc biệt sau khi kết thúc đại dịch Covid – 19, có nhiều thay đổi lớn trong việc tái cấu trúc lại nhân lực, đồng thời cải tạo lại quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó là nhà trường cần thích ứng để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực trong nước và cạnh tranh với nguồn nhân lực quốc tế. Trong hệ thống đào tạo bao gồm đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp thì cấp bậc nào cũng đều mang những giá trị tốt, học hành luôn là vấn đề đi tới, học để hành nghề và học để thành công. Học tích hợp để tạo ra kỹ năng nghề, con người cần tương tác được với công nghệ, với robot và máy móc… Vì thế mà nhà trường và doanh nghiệp cần gắn kết với nhau nhiều hơn để tạo ra những giá trị cho sự phát triển nền kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập”.
Theo ông Nguyễn Tấn Huy – Phó Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp và tài năng Việt Nam thì nhà trường cần trang bị kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và đặc biệt là “kỹ năng số" làm thế nào để có thể rút ngắn được thời gian đào tạo khi sinh viên về làm việc tại các doanh nghiệp.
Ông Trần Nguyên Thục – Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Quận 12 ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp
“Việc gắn kết với nhà trường để tạo ra sản phẩm, mà sản phẩm ở đây chính là các bạn học sinh – lực lượng lao động, làm sao để khi sinh viên ra trường đến thực tập tại doanh nghiệp sẽ làm được việc luôn mà không cần đào tạo lại. Nhà trường cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham dự vào chương trình đào tạo các môn học, từ đó doanh nghiệp có thể biết được trường đang đào tạo mô hình nào và mô hình đó có phù hợp với đúng tiêu chí và mục tiêu của doanh nghiệp đưa ra hay không”, ông Huỳnh Ngọc Huy – Phó Giám đốc Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12 chia sẻ. Nhà trường cũng nên chọn những doanh nghiệp để tổ chức đưa sinh viên tham quan, tìm hiểu xem môi trường làm việc ở doanh nghiệp đó xem có phù hợp với chính bản thân sinh viên hay không. Sự liên kết liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học cần thiết kế những “mô – đun” mà ở đó người học có thể học nối tiếp nhau nhằm tạo cho sinh viên có môi trường để học tập và có những bước tiến thuận lợi hơn trong sự nghiệp sau này.
Ngoài ra, các vấn đề về đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên cũng được doanh nghiệp nhắc đến như: làm thế nào để sinh viên phát triển tư duy phản biện, thích ứng linh hoạt, xử lý vấn đề, ý thức, đạo đức và thái độ làm việc khi sinh viên tốt nghiệp ra trường đến công tác tại các đơn vị doanh nghiệp.
Kết thúc buổi hội thảo, Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Quận 12 cũng ký kết thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường với gần 20 doanh nghiệp hiện là đối tác của trường. Đây là hoạt động thắt chặt sự kết nối, liên kết bền vững của doanh nghiệp và trường dạy nghề.
Tin, ảnh: Thái Trinh
Bình luận (0)