Đối với trẻ em, sự khen ngợi có thể trở thành nguồn lực lớn lao có sức mạnh độc đáo để trẻ tự tin, phấn đấu và nỗ lực không ngừng… Trẻ em cũng không dễ dàng chấp nhận những lời chê trách cho nên phụ huynh cần phải có nghệ thuật khi khen ngợi hoặc chê con trẻ…
Đối với trẻ em, sự khen ngợi có thể trở thành một nguồn lực lớn lao để trẻ tự tin và nỗ lực không ngừng. Ảnh: I.T
Giá trị của sự khen ngợi
Sự khen ngợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lòng tự tin và là một động lực thúc đẩy con người không ngừng vươn lên phấn đấu và hoàn thiện bản thân mình, đặc biệt là đối với trẻ ở lứa tuổi đi học, sự khen ngợi có hiệu quả hơn trong những trường hợp cụ thể. Đối với giáo viên khen ngợi là một nghệ thuật sư phạm và nó là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả. Đối với các bậc cha mẹ, khen ngợi là một nhịp cầu để con cái trở nên gần gũi và gắn bó với mình hơn. Khen ngợi đúng lúc, đúng chừng mực và đúng phương pháp sẽ giúp trẻ đạt được một mức độ nào đó về sự tự ý thức bản thân và thông qua đó trẻ cảm thấy tự hào về bản thân mình. Nhưng điều cốt yếu là cha mẹ nên khen ngợi trẻ như thế nào là phù hợp?
Vấn đề quan trọng là cha mẹ cần tặng thưởng cho trẻ dù là những nỗ lực nhỏ nhất và những lời khen ngợi càng cụ thể càng tốt. Thay vì nói “Giỏi lắm con!”, cha mẹ hãy nói “Con giỏi lắm vì đã giúp mẹ quét nhà sạch sẽ.” Thậm chí những lời cảm ơn của bạn dành cho trẻ cũng có thể đó là một sự khen ngợi mà ít phụ huynh nào làm được điều này. Cảm ơn con vì đã xin phép mẹ đi chơi, cảm ơn con vì hôm nay không làm ồn khi bố làm việc. Khen ngợi những việc trẻ làm luôn có tác dụng tích cực hơn nhiều so với việc chúng ta khen ngợi chính bản thân trẻ. Khen hành vi sẽ cho trẻ nhìn nhận và đánh giá được hành vi tích cực mà bản thân đã thể hiện và sẽ cố gắng có những hành vi phù hợp tương xứng với những lời đã được khen ngợi. Chẳng hạn thay vì khen “Con rất ngoan chiều nay”, bạn hãy khen “Con đã rất ngoan vì chiều nay đã chơi cùng em để mẹ nấu cơm”.
Khen ngợi không phải là một điều để ta dễ dàng ban phát nhưng nó là một sản phẩm tinh thần thực sự có giá trị mà các bậc phụ huynh phải biết nỗ lực một cách có ý thức để khen ngợi con mình. “Nỗ lực” có nghĩa là những lời khen ngợi phải xuất phát từ sự chân thành, vui vẻ, công tâm, thể hiện sự chừng mực, sự yêu thương và tự hào của bạn dành cho con. Khen ngợi là một cách để trẻ nhận ra mình đã làm được những gì, chưa làm được gì và mình cần phải cố gắng như thế nào để đáp ứng đúng với sự yêu thương và mong đợi của ba mẹ.
Nghệ thuật “chê” con trẻ
Minh Long đã khóc và tự hỏi mẹ có thực sự quá đáng hay không? Chuyện thật giản đơn thôi mà. Có cô Ba đến nhà chơi, mẹ bảo Long thưa cô nhưng có lẽ hành động chào hỏi – thăm viếng không thực sự hấp dẫn bằng mấy trò chơi trên máy tính nên Long mải mê chơi.
Chẳng nói chẳng rằng, mẹ Long cứ mắng xối xả bằng những câu nói thật sự nhức tai: nào là cứng đầu, nào là con hư, nào là khó bảo, nào là làm xấu hổ cha mẹ và thậm chí còn nhiều từ ngữ thật khó hiểu với một đứa trẻ… Hành động khóc của Long xem chừng như phản ứng tức thời!
Không thể la mắng trẻ để trừng phạt hay để góp ý cho trẻ một cách cảm tính. Điều này không phải bậc bố mẹ nào cũng làm được vì đa phần khi trẻ có hành vi chưa tốt thì hành động tức thời của bố mẹ là la mắng trẻ. Cách suy nghĩ ở đây thật giản đơn đó là la mắng để giáo dục trẻ.
Thực ra việc la mắng ngay lập tức cũng cần thiết nhưng chỉ nên sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Trường hợp khẩn cấp ở đây là lỗi của trẻ quá lớn nếu không ngăn chặn thì hậu quả tiếp theo sẽ rất tai hại. Mặt khác, nếu trẻ hay cãi chối thì việc la mắng trực tiếp sẽ giúp trẻ nghiêm túc thừa nhận. Việc chê trẻ không chỉ đơn thuần thực hiện bằng bản năng mà cần phải chú ý đến tính nghệ thuật của hành động này.
Trẻ con không dễ dàng chấp nhận những lời chê trách cho nên hãy chú ý đến những yếu tố tâm lý được xem như rào cản khi trẻ làm sai. Có những lỗi của trẻ nên được “để dành” rồi cha mẹ sẽ phân tích – khuyên nhủ sau, có những lỗi của trẻ nhất thiết phải được soi dưới hành vi mẫu của bố mẹ thì mới có thể hiểu được cái sai hay cái đúng trong tâm trí non nớt của trẻ.
Trẻ em cũng không dễ dàng chấp nhận những lời chê trách nên phụ huynh cần phải có nghệ thuật khi chê con trẻ. Ảnh: I.T
Cũng không thể kể đến những lỗi lầm của trẻ phải được sửa sai trực tiếp bằng cách “cầm tay chỉ việc” nhưng điều quan trọng nhất là đừng chạm vào sự tự tôn của trẻ vì trẻ đã thực sự có cái tôi rất lớn từ năm trẻ lên 3. Những lời phê bình hay chê trách quá nặng nề không những không có giá trị khuyến khích – sửa sai cho trẻ mà còn dễ dàng làm cho trẻ cứng đầu hơn, khó chịu hơn và trở nên bướng bỉnh hơn…
Khi chê trẻ hay trách trẻ nhất thiết phải cho trẻ thấy viễn cảnh của hành động. Điều cần chia sẻ với trẻ là nếu con cứ tiếp tục thực hiện hành động này thì chắc chắn là con chưa ngoan, chắc chắn mọi người sẽ không thương yêu…. Ngay cả những câu nói rất giản đơn như nếu con còn la lớn thì búp bê cũng sợ con thôi, chú cún con cũng không dám gần con… Những câu “góp ý” rất nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu sắc và có giá trị thay đổi hành vi ở trẻ thật lớn. Điều này tác động đến nhận thức cũng như thái độ và cả hành vi của trẻ. Đó cũng là cơ hội để trẻ tự điều chỉnh hành vi của mình để thích ứng và phát triển theo chiều hướng tích cực.
Phê bình trẻ nhất thiết cần phải dựa trên sự tỉnh táo của cha mẹ. Sự nóng giận hay sự nôn nóng quá mức sẽ đẩy cha mẹ vào sự thiếu kiềm chế… Hành vi của trẻ không những không được đổi thay mà tính cách của trẻ dễ dàng phát triển theo hướng lệch lạc. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ lại thiếu đi sự tự nhiên, mối thân tình trong quan hệ bị phá vỡ nhanh chóng. Chê người khác đã khó nhưng chê con trẻ còn thật sự khó hơn nếu như cha mẹ thiếu sự nghiêm túc nhưng ý nhị và sâu sắc.
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)