Lương tối thiểu doanh nghiệp tăng thêm 110.000-200.000 đồng; Cước điện thoại cố định giảm hơn 70%; Khung giá đất TP HCM tăng tới 100%; Người nước ngoài được mua nhà tại VN… Đó là những quy định mới được áp dụng ngay từ ngày đầu tiên của năm 2009.
Luật Thuế Thu nhập cá nhân từ 1/1/2009 quy định 10 loại thu nhập sẽ bị chịu thuế. Trong đó có thu nhập tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, lợi tức cổ phần, chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, quà tặng, tiền thưởng và bản quyền tác phẩm có giá trị vượt trên 10 triệu đồng.
Khoảng 15 triệu người sẽ được cấp mã số thuế. Ảnh: Hoàng Hà. |
Điểm quan trọng nhất của Luật là các vấn đề liên quan tới khoản tiền giảm trừ cho chính đối tượng nộp thuế với mức tối đa 4 triệu đồng một tháng (tương đương với 48 triệu đồng một năm) và 1,6 triệu đồng một tháng cho mỗi cá nhân phụ thuộc như cha mẹ già, người tàn tật, vợ, con nhỏ dưới 18 tuổi… Việc xác định người phụ thuộc chủ yếu dựa trên các giấy tờ, hồ sơ đã có của người phụ thuộc như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe, khả năng lao động… Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tính đến việc cấp mã số thuế cho tất cả cá nhân là người VN, kể cả trẻ em mới chào đời. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
Cước điện thoại cố định giảm hơn 70%
Từ 1/1/2009 cước điện thoại cố định gọi nội tỉnh và nội hạt sẽ thống nhất mức chung 200 đồng một phút thay cho các mức cũ 120 đồng, 400 đồng và 700 đồng. Cước thuê bao cũng áp dụng mức mới 20.000 đồng một tháng thay cho mức cũ 27.000 đồng.
Theo cách tính mới này, cước các cuộc gọi trong phạm vi nội hạt (các thuê bao trong cùng một quận huyện) sẽ tăng khoảng 66%, tuy nhiên, cước liên lạc nội tỉnh lại giảm từ 50% đến 71,4%. Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, với lưu lượng cuộc gọi nội tỉnh bình quân 120 phút cho mỗi thuê bao một tháng như hiện tại thì doanh nghiệp viễn thông sẽ gần như không tăng doanh thu khi áp dụng phương án điều chỉnh mới.
Khung giá đất TP HCM tăng tới 100%
Thị trường nhà đất chưa thoát cảnh chợ chiều. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từ 1/1/2009, giá đất cao nhất trong khung ở Hà Nội là 67,5 triệu đồng, bằng mức trần quy định của năm 2008. Riêng đất ở TP HCM sẽ tăng mạnh từ mức cũ 67,5 triệu đồng của năm 2008 lên là 81 triệu đồng. Trong đó, giá đất trong hẻm vẫn giữ nguyên, đất ở các tuyến đường tăng 10-100% tùy khu vực. Quận 2 có giá đất tăng cao nhất với tỷ lệ trung bình 100% vì được đổ nhiều vốn đầu tư hạ tầng. Kế đến là quận 7, Tân Bình có tỷ lệ tăng giá 50-100% so với trước.
Theo giới chuyên môn, khung giá đất 2009 tại TP HCM vẫn còn vênh trung bình 4-6 lần so với giá thị trường. Đơn cử giá đất 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là 81 triệu đồng mỗi m2 vẫn chênh lệch 3-4 lần so với giá trị thực tế. Trên thị trường, đất các tuyến phố này có giá trung bình 250-300 triệu đồng mỗi m2, thậm chí nhiều thời điểm còn vượt mốc 300 triệu đồng.
Các siêu thị 100% vốn ngoại được vào VN
Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sẽ quyết liệt hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo cam kết WTO, từ ngày 1/1/2009, mọi hạn chế đối với các công ty phân phối, bán lẻ 100% vốn nước ngoài sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, trên cơ sở những hàng rào kỹ thuật được phép áp dụng, Việt Nam chưa mở cửa thị trường bán lẻ ngay lập tức các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, dược phẩm, sách báo. Các mặt hàng khác như sắt thép, xi măng, phân bón sẽ lùi thời điểm mở cửa đến 3 năm sau.
Giới chuyên môn nhận định trong bối cảnh hệ thống phân phối Việt Nam còn nhiều hạn chế, sự xuất hiện của các đối thủ đến từ nước ngoài sẽ giúp thị trường phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn và người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng với các nhà bán lẻ nội địa, sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Người nước ngoài được mua nhà tại VN
Làng Quốc tế Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà vừa được Văn phòng Chủ tịch Nước thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2009 cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tối đa 50 năm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có ít nhất 10.000 người nằm trong diện đủ điều kiện mua nhà trong tổng số khoảng 80.000 người nước ngoài làm ăn và sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2008, người nước ngoài thuê khoảng 1 triệu m2 nhà ở tại Việt Nam để sinh sống. Trong đó TP HCM chiếm quá nửa với diện tích 660.000 m2 (tương đương 4.000 căn hộ) tập trung tại quận 1, 3, 5, 7 (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng). Còn Hà Nội, có khoảng 1.300 căn hộ đang được người nước ngoài thuê với diện tích 220.000 m2, chủ yếu tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình.
Thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 25%
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, các khoản thu nhập chịu thuế gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa dịch vụ, chuyển nhượng vốn, bất động sản, cho thuê tài sản… Thuế suất chung áp dụng cho các doanh nghiệp là 25% thay cho mức cũ 28%. Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí có thuế suất từ 32% đến 50%, tùy vào từng dự án.
Đối với các khoản ưu đãi, luật thuế áp dụng mức cao nhất là 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Hằng năm, tất cả các doanh nghiệp được trích 10% thu nhập trước khi tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Thuế thu nhập doanh nghiệp chốt ở mức chung 25%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mở rộng đối tượng chịu thuế VAT
Theo Luật Thuế VAT có hiệu lực từ 1/1/2009 quy định chi tiết từng mức thuế đối với từng đối tượng nằm trong diện nộp thuế, gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở VN… Trong đó, mức 0% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, trừ các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài, dịch vụ bảo hiểm…
Thuế suất 5% áp dụng đối với các loại hàng hóa dịch vụ như nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt; phân bón quặng để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, thực phẩm tươi sống, thiết bị dụng cụ y tế, máy móc chuyên dung phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… Mức 10% được áp dụng cho các loại hàng hóa dịch vụ còn lại.
Lương tối thiểu doanh nghiệp tăng thêm 110.000-200.000 đồng
Từ 1/1/2009, mức lương tối thiểu của 8 triệu lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước sẽ lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng một tháng, tăng từ 110.000 đến 180.000 đồng so với năm 2008. Mức lương tối thiểu của hơn 1,5 triệu lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng một tháng, tăng từ 120.000 đến 200.000 đồng so với năm 2008.
8 triệu lao động làm việc ở doanh nghiệp trong nước được tăng lương. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, những người có mức lương ghi trong hợp đồng lao động thấp hơn mức lương tối thiểu trên thì phải điều chỉnh cho bằng. Những người có mức lương cao hơn thì doanh nghiệp và lao động thoả thuận để điều chỉnh cho phù hợp.
Áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Theo nghị định 127 của Chính phủ, công dân Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng; hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Để nhận được trợ cấp, lao động phải hội đủ 3 điều kiện: đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động và cuối cùng là lao động chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ khi đăng ký với cơ quan lao động.
Với quy định như vậy, sớm nhất phải đầu năm 2010 lao động thất nghiệp mới được hưởng trợ cấp. Trong năm 2008, chủ yếu là doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Hồng Anh (theo VNE)
Bình luận (0)