Hàng năm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu, trên 50% sản lượng nông sản, thủy sản của cả nước. Tuy nhiên đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống người dân. Tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, tự phát; lao động trình độ cao còn ít; tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn thấp… từ đó kìm hãm sự phát triển của toàn vùng.
Sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu long vẫn còn nhỏ lẻ, nhiều nông sản phải “giải cứu”
Ông Huỳnh Văn Hải – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Tiền Giang – tâm tư: “Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, kho bãi… kém phát triển. Phần lớn nông sản sản xuất thô, đặc biệt là chế biến trái cây còn quá ít. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường gây thiệt hại cho sản xuất và thu nhập của nông dân. Việc áp dụng và nhân rộng một số mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH, đa dạng sinh học, mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ còn chậm…”.
Đây cũng là khó khăn chung trong sản xuất nông nghiệp – nền kinh tế hàng đầu – của ĐBSCL. Ông Phạm Văn Hiểu – Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ – cho biết: “Thực tiễn, đối với hộ nông dân khu vực đồng bằng, nếu chỉ trồng lúa hoặc chỉ sản xuất nông nghiệp mà gia đình không có nguồn thu nhập nào khác thì dù rất cố gắng, sản lượng thu hoạch cao và giá cả hợp lý đến đâu đi nữa, kinh tế gia đình vẫn không thể vươn đến loại khá. Chưa kể nhiều sản phẩm nông nghiệp thường xuyên cần xã hội “giải cứu” do đầu ra không ổn định”.
Cần làm gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh giúp ĐBSCL phát triển bền vững, hiệu quả cao và thích ứng với BĐKH? Tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững ĐBSCL “bình thường mới” – vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đội ngũ trí thức” do UBMTTQVN TP.Cần Thơ kết hợp Trường ĐH Cần Thơ tổ chức, các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp và kiến nghị để tìm ra đáp án cho bài toán này.
Ông Hiểu đề nghị: “Cần đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong sản xuất, chế biến. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Chuyển đổi mô hình phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân; trong đó người dân và doanh nghiệp (DN) đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, nhà khoa học có vai trò trọng yếu, then chốt, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc tham gia phát triển trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và ứng phó với BĐKH ở từng địa phương”.
Các đại biểu đồng thuận, coi ĐBSCL là một thể thống nhất, từ đó triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng. Giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau. Đặc biệt, cần liên kết chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, rộng hơn là tiểu vùng sông Mê Kông thông qua các kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng. Để từ đó thu hút vốn, con người, công nghệ, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ vùng.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN – cho rằng: “Bên cạnh các giải pháp về phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, DN hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Vận động nhân dân chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Thực tiễn cho thấy, nhiều mô hình kinh tế “thuận thiên” phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua đều do nhân dân sáng tạo như: mô hình “lúa – tôm”, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh… đã tăng thu nhập cho nông dân. Chính phủ cần ban hành các chính sách căn cơ và toàn diện, trong đó ưu tiên về GD-ĐT nhằm phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của vùng…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)