Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nguy cơ thiếu trầm trọng thầy đờn

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX – 2022 với chủ đề "Đêm hội phương Nam – Hội tụ và lan tỏa" vừa bế mạc cuối tuần qua, sau 6 ngày diễn ra sôi động.

Các nhà chuyên môn nhận xét liên hoan năm nay đã khơi dậy niềm đam mê cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Tuy vậy, nhiều nghệ nhân lo lắng khi ngày càng ít người trẻ đam mê bộ môn ĐCTT, nguy cơ thiếu thầy đờn lành nghề đang khiến những người mộ điệu bộ môn này không khỏi chạnh lòng.

Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cho rằng cần cấp bách có các giải pháp trong việc đào tạo nghệ nhân đờn. Với nghệ nhân ca thì lực lượng không thiếu nhưng chọn người biết đờn và có chí hướng theo đuổi đến cùng để được công nhận là nghệ nhân đờn rồi chuẩn hóa thành thầy đờn thì hiện nay cực kỳ hiếm.

"Phải là nghệ nhân đờn rồi mới chuẩn hóa thành thầy đờn. "Sống lâu lên lão làng" không thể thành thầy đờn. Hiện nay, có trường hợp chỉ biết vài ba bài bản, đờn được vài câu vọng cổ là tự xưng thầy đờn. Sự tự phong này vô tình làm cho giới trẻ nghĩ nghệ nhân đờn rất dễ được công nhận là thầy" – ông Út Tỵ tâm tư.

Nguy cơ thiếu trầm trọng thầy đờn - Ảnh 1.

Đờn ca tài tử của TP HCM tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III – 2022. Ảnh: Phạm Thái Bình

Nhiều nghệ nhân uy tín đề xuất cần đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ nghệ nhân đờn. Trước hết là biên soạn nội dung giảng dạy đúng chuẩn, sau đó có chiến lược quy tụ nghệ nhân đờn tại các tỉnh, thành có phong trào ĐCTT mạnh như: TP HCM, Bạc Liêu, Long An, Bến Tre, Tây Ninh…, tổ chức ghi hình, thu âm về ĐCTT. Mở các lớp tập huấn nâng cao cho lực lượng nghệ nhân đờn đang sinh hoạt tại các CLB, nhóm ĐCTT để sàng lọc, chọn hạt nhân nòng cốt tiếp nối sự nghiệp ĐCTT.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được hình thành và phát triển trong quá trình khẩn hoang, lập nghiệp của người dân vùng đất phương Nam, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn đa dạng các loại hình nghệ thuật Việt Nam trong kho tàng văn hóa – nghệ thuật thế giới.

Thế nhưng, 3 năm qua, Khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM không còn mở khóa đào tạo nhạc công nhạc dân tộc – nhạc công đàn cho cải lương và nghệ sĩ diễn tấu âm nhạc tài tử (không đào tạo nhạc công, chỉ đào tạo diễn viên cải lương).

Theo nhiều nghệ nhân, cần sớm có chiến lược đầu tư đào tạo nguồn lực ĐCTT cho tương lai. Nếu không làm ngay thì khi các nghệ nhân lớn tuổi dần mất đi sẽ mang theo tất cả vốn quý của nghệ thuật ĐCTT, nguy cơ mất trắng thầy đờn sẽ là viễn cảnh đáng buồn cho ĐCTT trong thời gian tới.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)