Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

10 sự kiện “Khoa học công nghệ 2008”

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay, ngày 5/1/2009, CLB Nhà báo khoa học công nghệ chính thức công bố kết quả bầu chọn 10 sự kiện tiêu biểu 2008.

1.Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành TW khoá X ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nghị quyết của Đảng bàn riêng về vấn đề trí thức. Việc Ban chấp hành Trung ương ra nghị quyết nói trên đã tạo ra một bước ngoặt lớn khơi nguồn chất xám, khơi nguồn nhân lực, tiềm năng trí tuệ của giới trí thức nước nhà. Nghị quyết đã phản ánh thực trạng đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay; nêu lên những mặt tích cực, những hạn chế, yếu kém, chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, yếu kém của bản thân đội ngũ trí thức và những hạn chế, khuyết điểm của công tác trí thức của Đảng và Nhà nước.

2. Luật Công nghệ cao được Quốc hội thông qua
Luật Công nghệ cao ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng các nghiên cứu khoa học mang tính đột phá. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII, ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật công nghệ cao. Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nội dung một số điều cụ thể và với 463 đại biểu tán thành (bằng 93,91% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua toàn văn Luật Công nghệ cao. Luật này gồm  6 chương, 35 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Luật gồm các quy định cụ thể về việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; chính sách phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao…
3. Tạo tinh trùng chuột từ tế bào gốc
Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được tinh trùng chuột từ tế bào gốc. Đây sẽ là một hướng đi quan trọng trong việc nghiên cứu điều trị vô sinh cho những nam giới không có khả năng tự sinh sản ra tinh trùng. Sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc dùng tế bào gốc phục vụ chữa bệnh cho con người do người Việt nghiên cứu, triển khai và đang từng bước hoàn thiện để áp dụng. Ngoài ra, sự thành công này còn khẳng định sự sáng tạo, trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam. Họ đã thành công trong sự thiếu thốn nhiều mặt về các trang thiết bị thí nghiệm, hóa chất.
4. Cơ hội mới cho những người hiếm muộn con
Kỹ thuật này được thực hiện tại Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y. Tinh tử (tế bào dạng tròn, chưa có đuôi) sẽ được nuôi cấy cho đến khi có đuôi (thành tinh trùng), chuyển động, có thể thụ tinh được. Những người không có tinh trùng sẽ phải mổ tinh hoàn với vết mổ rất nhỏ để lấy tế bào tinh tử. Tế bào này được nuôi cấy trong 24h, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm với trứng khỏe mạnh. Đây là kỹ thuật duy nhất được thực hiện tại trung tâm và đã sinh ra được cháu bé khoẻ mạnh (đến nay đã được 1 tuổi) từ phương pháp này.
5. Thương vụ chuyển giao khoa học nông nghiệp trị giá 10 tỷ đồng.
Sự kiện này đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới khoa học, chứng minh một điều rằng nhà khoa học có thể làm giàu bằng chính những công trình khoa học của mình nếu công trình đó đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Đầu tháng 6/2008, người làm nông nghiệp cả nước mừng vui: PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện sinh học Nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp 1 đã chuyển nhượng một giống lúa lai với giá 10 tỉ đồng cho một doanh nghiệp tại Nam Trực, Nam Định.  Đây là thương vụ mua bán bản quyền giống lúa có giá trị cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Sự kiện này đã tạo niên tiếng vang lớn trong giới khoa học, chứng minh nhà khoa học có thể laà giàu từ chính những công trình khoa học của mình nếu công trình đó đem lại lợi ích cho cộng đồng. TH3-3 được chính thức công nhận và cấp bản quyền (2007) cũng là lúc gần khắp miền Bắc đã có 20.000-30.000ha lúa lai hai dòng TH3-3 được nông dân trồng thử, với lượng giống mà PGS "xuất" ra mỗi năm lên tới 1.000 tấn giống F1.
6. Việt Nam thiết kế thành công chíp vi xử lý 8 – bit đầu tiên.
Sáng 16/1/2008, tại TPHCM, chip vi xử lý 8 – bit đầu tiên của Việt Nam mang tiên Sigma K3 đã được công bố đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành công nghệ Vi mạch Việt Nam non trẻ. Con chíp này có giá thành chỉ bằng 70% so với con chíp cùng loại nhập khẩu. Đây cũng là con chíp vi xử lý đầu tiên được thiết kế tại Việt Nam.
7. Mạng VinaRen kết nối với 30 triệu nhà nghiên cứu trên thế giới
Ngày 27/3/2008, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai trương Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen). Ðây là mạng viễn thông về nghiên cứu và đào tạo, phi lợi nhuận, được nối vào Mạng thông tin xuyên Âu – Á (TEIN2), bằng đường kết nối riêng với tốc độ 45 Mbps. Mạng VinaREN (http://www.vinaren.vn) tạo ra một môi trường kết nối mạng toàn cầu tốc độ cao để các tổ chức nghiên cứu, đào tạo Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu và giáo dục trên thế giới có kết nối vào mạng TEIN2 trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu khoa học, phối hợp sử dụng chung các nguồn lực (thông tin, dữ liệu, trung tâm tính toán, tri thức… kể cả nguồn nhân lực), cùng hợp tác giải quyết các bài toán khoa học trên qui mô quốc tế. VinaRen có bảy trung tâm vận hành mạng đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Huế. Trung tâm điều hành mạng quốc gia do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia quản lý, vận hành.
8. Phóng thành công VINASAT-1
Sự kiện 5h17 sáng 19/4/2008, vệ tinh Vinasat- 1 chính thức rời bệ phóng đã mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ viễn thông ở Việt Nam. Với việc phóng thành công Vinasat- 1, Việt Nam sẽ không còn phải đi thuê kênh vệ tinh và cáp quang biển của nước ngoài để đảm bảo thông tin, liên lạc trong nước và đi quốc tế. Vệ tinh Vinasat -1 có ý nghĩa rất lớn với việc phủ sóng viễn thông, liên lạc tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong nước và cả trong khu vực Đông Nam Á.
9. Lần đầu tiên, một nhà khoa học Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế COSMOS.
Vượt qua 130 ứng cử viên đến từ 25 nước trên toàn thế giới, GS. TSKH NGDN Phạm Nguyên Hồng, Đại học Sư phạm Hà Nội đã trở thành người duy nhất đoạt được giải thưởng cao quý này. COSMOS là giải thưởng quốc tế được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân tổ chức trên toàn thế giới có những nỗ lực cống hiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mỗi một năm, giải thưởng chỉ tôn vinh một cá nhân hoặc tập thể xuất sắc nhất. Ngày 4/11/2008, ban tổ chức đã chính thức trao giải cho GS. TSKH Phạm Nguyên Hồng tại Nhật Bản. Tổng giá trị giải thưởng tiền mặt là 40 triệu yên (6 tỷ đồng).
10. Thanh tra, phát hiện và xử lý gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trong phạm vi cả nước
Từ tháng 4 đến tháng 10-2008, Thanh tra Bộ KH-CN đã chỉ đạo thanh tra chuyên đề về đo lường, chất lượng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 30-10-2008, qua tổng hợp số liệu của 61 tỉnh, thành phố, đợt thanh tra chuyên đề đã đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Tổng số cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas được thanh tra là 4.441 cơ sở, trong đó có 3.890 cơ sở kinh doanh xăng, dầu; 636 cơ sở kinh doanh gas. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 797 cơ sở vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, tổng số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng.
 
Nghiêm Huê 

Bình luận (0)