Dân gian có câu “làm dâu trăm họ” là để chỉ tình huống rất khó làm vừa lòng tất cả mọi người, vì phải chiều lòng, phải phục vụ nhiều đối tượng với nhiều yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Làm dâu đã thế, viết sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn cho học sinh phổ thông còn khó hơn thế rất nhiều, nên mới nói là “làm dâu ngàn họ”.
Một tiết dạy học môn ngữ văn ở Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
Học sinh phổ thông vốn còn nhỏ, lại ở nhiều vùng miền và hoàn cảnh khác nhau, chuyển tải những tri thức khoa học sao cho phù hợp đối tượng; biến cái trừu tượng, phức tạp thành cái giản dị, dễ hiểu là rất khó. Ngữ văn lại là môn học có nội dung rất nhạy cảm, liên quan nhiều đến tư tưởng, chính trị, đạo đức. Văn chương lại có nhiều cách hiểu khác nhau, nhiều cách suy diễn khác nhau… nên thường hay bị “quy kết” và phán xét đủ kiểu. Các môn toán, lý, hóa… ít người góp ý, vì phải có hiểu biết về lĩnh vực khoa học ấy mới có thể nhận xét, góp ý được. Còn với môn văn, ai cũng có thể bàn góp, phán xét được. GS. Nguyễn Đăng Mạnh có lần chua chát nói: “Chỉ cần thoát nạn mù chữ là góp ý được cho môn văn”. Nhưng biết làm thế nào khi vẫn cần có SGK Ngữ văn; vẫn cần những góp ý, phê bình cho sách mỗi ngày một tốt hơn. Xin kể đôi điều về công việc làm dâu ngàn họ.
Tôi tham gia biên soạn SGK từ năm 1992, tức tới nay đã 30 năm với 3 lần đổi mới chương trình và thay sách; chưa lần nào tôi thấy khó như lần này (chương trình 2018). Khó trước hết là do yêu cầu chuyển từ việc biên soạn sách nhằm mục đích trang bị nội dung sang sách theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; chuyển từ việc hướng dẫn giáo viên dạy theo lối giảng văn sang dạy theo yêu cầu đọc hiểu, trang bị cho học sinh cách đọc, để các em tự đọc khi ra đời. Như thế yêu cầu quan trọng ở đây là dạy cách thức tạo ra kiến thức cho học sinh chứ không phải chỉ trang bị nội dung, cung cấp kiến thức có sẵn. Để đáp ứng yêu cầu mới này, SGK Ngữ văn cần biên soạn theo hướng thông qua các văn bản mẫu tiêu biểu cho thể loại và kiểu văn bản để dạy cách đọc, cách viết… Các tác phẩm chọn vào SGK phải là những tác phẩm tiêu biểu cho thành tựu văn học của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử và tinh hoa văn học thế giới. Vừa phải kế thừa SGK truyền thống, vừa phải chú ý tâm lý lứa tuổi để cung cấp cho các em những tác phẩm gần gũi với cuộc sống đương đại. Đó đều là những thách thức không nhỏ.
Khó khăn lớn nhất của việc biên soạn là tìm đúng ngữ liệu. Do Chương trình Ngữ văn 2018 thiết kế theo hướng mở, không quy định các tác phẩm cụ thể cho mỗi lớp; chỉ nêu yêu cầu cần đạt về năng lực đọc; nên những người biên soạn hoàn toàn phải tự quyết định. Tác phẩm thì rất nhiều, nhưng đáp ứng cho đầy đủ các tiêu chí vào SGK như đã nêu trên là rất khó. Ví dụ chương trình yêu cầu đọc hiểu thơ lục bát. Mà thơ lục bát thì có hàng vạn bài khác nhau, rất nhiều bài hay… Nhưng chọn 3 bài lục bát để đưa vào sách sao cho phù hợp với học sinh lớp 6 cũng không đơn giản. Chúng tôi phải tìm các bài lục bát viết về người mẹ để có nội dung thân thuộc, gẫn gũi với tâm hồn, tình cảm các em. Ngay cả đề tài người mẹ cũng đã có rất nhiều bài lục bát hay. Nhiều bài hay nhưng lại chỉ phù hợp với người lớn… Các thể loại khác cũng khó khăn tương tự.
Văn bản tác phẩm đưa vào SGK nhiều khi cũng không thể lấy nguyên văn do yêu cầu giáo dục phải cắt cúp, phải trao đổi với các tác giả để có được sự thỏa thuận cần thiết. Chẳng hạn khi tuyển truyện ngắn Điều không tính trước của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào sách Ngữ văn 6 (bộ Cánh Diều), tôi phải trao đổi với tác giả, cắt bớt một số câu trong phần mở đầu khi kể về chuyện tìm “vũ khí”: “Thoạt đầu tôi định lấy con dao của mẹ tôi làm vũ khí nhưng khi sờ đến cái lưỡi thép to bản và mát lạnh của nó tôi đâm ra sờ sợ làm sao! Con dao bén ngọt này mà vung lên một phát là chặt đứt tay địch thủ như chơi, có khi lại đứt phăng cả cổ không chừng! Eo ơi, sợ quá!”. Rồi nhân vật tôi lại tìm đến cái kéo, nhưng rồi cái kéo cũng không ổn: “Tôi mân mê cái kéo một hồi rồi lại bỏ xuống. Cái kéo nhọn quá, mà tôi thì lại không dám đâm thủng bụng thằng Nghi”. Thực chất ở đây nhà văn muốn tạo ra một tình huống căng thẳng, như có trận ẩu đả quyết liệt sắp xảy ra để dẫn đến cái kết thúc rất bất ngờ, tràn đầy yêu thương, nhân hậu ở cuối truyện. Nhưng hội đồng thẩm định cho là có yếu tố bạo lực khi để nhân vật tìm dao, kéo làm vũ khí… Tôi đành phải tuân thủ; đành đắn đo xin phép nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mặc dù biết anh cũng không vui vẻ gì khi cắt như thế. Nhiều khi có những ý kiến góp ý rất cực đoạn, thiếu hiểu biết thì chúng tôi kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình. Chẳng hạn, có người đọc truyện cổ tích Thạch Sanh (Ngữ văn 6, bộ Cánh Diều) và yêu cầu chúng tôi bỏ chi tiết Thạch Sanh chém đầu Trằn tinh… vì cũng cho rằng như thế là kích động bạo lực. Ngay cả ảnh minh họa em Lượm nằm trên lúa “Chú đồng chí nhỏ/ Một dòng máu tươi” (Lượm – Tố Hữu) cũng không được vì có hình ảnh “dòng máu tươi”. Tương tự như vậy là các chi tiết liên quan đến chuyện chú Võ Tòng giết hổ, đánh thằng địa chủ gian ác hoặc chi tiết tẩm thuốc độc vào mũi tên… trong truyện Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi đều phải xem xét, lược đi theo các ý kiến góp ý.
Một số người phê phán rằng: tại sao sách văn mà lại đưa vào những văn bản không phải là văn chương. Tôi đọc và thấy các ví dụ họ dẫn ra đều là văn bản thông tin. Tôi rất thông cảm với người góp ý, vì họ chưa đọc chương trình, không hiểu yêu cầu mới. Chương trình Ngữ văn 2018 yêu cầu dạy cho học sinh biết cách đọc không chỉ với văn bản văn học mà còn cả văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Văn bản thông tin là các văn bản có mục đích chính là cung cấp thông tin về các hiện tượng tự nhiên, thuật lại các sự kiện, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, hướng dẫn các quy trình thực hiện một công việc nào đó… Loại văn bản này xuất hiện rất nhiều trong đời sống, mọi người thường xuyên tiếp xúc nên nhiều nước dạy cho học sinh cách đọc văn bản thông tin. Đã là văn bản thông tin thì không giống như thơ hay truyện. Trong chương trình, loại văn bản này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với văn bản văn học.
Khác hẳn các ấn phẩm in khác, SGK chịu sự kiểm soát rất ngặt nghèo. Một bài thơ, truyện ngắn in ra thường số lượng người đọc rất hạn chế, nhưng cũng bài thơ, truyện ngắn ấy khi vào SGK, sẽ có hàng vạn, hàng triệu lượt người đọc. Khi hàng vạn con mắt đổ vào thì sẽ rất nhiều ý kiến khác nhau. Đó cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều mỗi khi góp ý, phê phán xin bạn đọc hãy xem kỹ chương trình, hiểu các yêu cầu của SGK trong nhà trường. Việc góp ý, phê phán và yêu cầu cao đối với SGK cũng là yếu tố buộc những người biên soạn sách cẩn trọng hơn, cố gắng hơn để có những cuốn SGK tốt nhất. Nhưng bất kỳ một cuốn sách nào cũng khó tránh khỏi những hạn chế nhất định. Có lần Tòa thánh Vatican quyết tâm in một cuốn Kinh Thánh không phạm một lỗi nào. Họ đã biên tập rất cẩn trọng, in ấn rất công phu, sau đó cho dán bản in thử lên khắp bức tường bao quanh thành Vatican và khuyến khích hễ ai phát hiện được lỗi thì sẽ được thưởng. Sau mấy tháng họ thu lại, chỉnh sửa các lỗi, in ra bản chính thức và yên tâm đây là cuốn Kinh Thánh hoàn hảo nhất. Nhưng ngay sau đó đã phát hiện ra bìa sách in sai: The Bible (Kinh Thánh) thành The Bile (túi mật).
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)