Vừa rồi, cháu tôi có hỏi tôi một số vấn đề về lịch sử. Sẵn tiện, tôi hỏi cháu trong tháng 7 này có ngày lễ kỷ niệm thiêng liêng gì. Sau một hồi động não để nhớ lại, cháu nhẩm kể ra một số ngày lễ trọng đại trong năm nhưng vẫn không biết trong tháng 7 này có ngày lễ gì. Rồi cháu quả quyết: “Tháng 7 này không có ngày lễ gì cậu ơi”. Khi tôi nói có, đó là Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7) thì cháu ồ lên: “Ở trường giáo viên không có dạy con”. Có thể giáo viên không dạy hoặc có dạy nhưng cháu đã quên nhưng dù thế nào thì lỗi vẫn thuộc về người lớn chúng ta.
Không riêng gì cháu tôi mà hiện nay còn nhiều học sinh không nhớ những ngày lễ thiêng liêng như Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Vậy làm cách nào để tất cả học sinh đều nhớ ngày lễ ý nghĩa này? Câu trả lời không khó nhưng cái khó ở chỗ là người lớn chúng ta có chịu khó dạy trẻ hay không mà thôi.
Tất nhiên, trong sách giáo khoa không đề cập đến vấn đề này nhưng thầy cô giáo cần phải biết “thêm vào” để trẻ nhớ. Đơn giản thôi, trong khi giảng dạy những môn xã hội, nhất là môn lịch sử, thông qua những chiến công hào hùng hay những người con anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, thầy cô nên lồng ghép ngày lễ này vào (cũng như những ngày lễ khác). Một, hai, rồi nhiều lần như thế các em sẽ nhớ như in các ngày lễ thiêng liêng. Nên in ra bảng danh sách “những ngày lễ kỷ niệm trong năm”, kèm theo nội dung của từng ngày lễ để học sinh nắm rõ chi tiết về sự ra đời như thế nào. Nói suông chưa đủ, cần có dẫn chứng cụ thể bằng việc dành một vài tiết học ngoại khóa để dẫn học sinh tham quan bảo tàng lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, hoặc cùng nhau xem một bộ phim lịch sử từ phòng chiếu của trường hay ở bảo tàng…
Phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc giúp con “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thông qua những câu chuyện kể hào hùng của ông bà, cha mẹ về những người con nước Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Lời kể của người trong cuộc bao giờ cũng có một sức mạnh nhất định và chắc rằng trẻ sẽ say mê lắng nghe. Hướng con đến niềm đam mê lịch sử bằng việc mua sách, báo và cho con xem những thước phim về những người bộ đội oai hùng. Có thể kể đến phim “Ngã ba Đồng Lộc” nói về 10 nữ thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh, phim “Đừng đốt” kể về cuộc đời liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, phim “Ký ức Điện Biên” nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, phim “Giải phóng Sài Gòn” nói về chiến dịch Hồ Chí Minh… Hay những bài hát thời hoa đỏ kể về mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh – liệt sĩ… Biết rằng, những giá trị nghệ thuật thực thụ như thế rất khó để học sinh tiếp nhận vì đa số trẻ em bây giờ chỉ thích những gì mang tính giải trí đơn thuần. Tuy nhiên, nếu biết đầu tư khéo léo, nhẹ nhàng, chậm mà chắc, chắc chắn lâu ngày trẻ sẽ trân trọng giá trị lịch sử và yêu thương nguồn cội – gốc rễ đã làm nên một quốc gia Việt Nam hào hùng như ngày nay.
Nguyễn Thanh Vũ
Bình luận (0)