Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

“Lửa thây ma” bốc cháy ở nơi mặt đất hoàn toàn đóng băng lạnh -50 độ C

Tạp Chí Giáo Dục

Đoạn video thu hút hàng chục nghìn lượt xem ghi cảnh khói bốc lên nghi ngút từ đám cháy ngầm bên dưới dù mặt đất hoàn toàn đóng băng trong cái lạnh -50 độ C.
Nơi lạnh nhất thế giới có người sinh sống đang bốc cháy vì những "đám lửa thây ma". Đó là làng Oymyakon, Yakutia, Nga, khu vực có mùa đông khắc nghiệt hơn bất cứ nơi nào trên thế giới với nhiệt độ trung bình khoảng -50 độ C. Kỷ lục nhiệt độ thấp nhất tại Oymyakon từng ghi được vào tháng 1/1924 là -67,7 độ C.
Đám lửa thây ma bốc cháy dù mặt đất đóng băng hoàn toàn
Có dịp đến thăm làng Oymyakon thời gian gần đây, nhiếp ảnh gia Semyon Sivtsev đã ghi lại khoảnh khắc những đợt khói bốc lên từ mặt đất đã hoàn toàn đóng băng.
Bất chấp cái lạnh tê tái và nhiệt độ thấp, đám cháy than bùn còn được gọi là "lửa thây ma" vẫn âm ỉ dưới lòng đất nhờ nhiên liệu gồm than bùn và methane. Điều này đồng nghĩa với việc ngọn lửa ngầm có thể "hồi sinh" khi thời tiết khô ráo.
Dù Oymyakon có nghĩa là "nước không đóng băng" do có suối nước nóng gần đó, ngôi làng lại nằm trong khu vực đóng băng vĩnh cửu nên nhiệt độ đất luôn dưới 0 độ C và tuyết luôn bao phủ. Hiện làng chỉ có vài trăm người đủ dũng cảm để trụ lại cuộc sống ở đây.
Cuộc sống ở vùng đất lạnh nhất thế giới có người sinh sống.
Cư dân ở Oymyakon có chế độ ăn chủ yếu dựa trên thịt do các thực phẩm khác khó có thể tìm thấy vào mùa đông. Hầu hết mọi người dành nhiều thời gian ở trong nhà để tránh nhiệt độ băng giá. Bên ngoài tối và vắng vẻ. Vào mùa đông, Oymyakon chỉ có ba giờ có ánh sáng mặt trời.
"Tôi ghi hình ở khu vực đồng cỏ gần làng Khara Tumul cách Oymyakon không xa. Đây là nơi từng xảy ra cháy rừng vào mùa hè", nhiếp ảnh gia cho biết.
Trước đó, từ tháng 5 năm nay, trận cháy rừng xảy ra ở huyện Tomponsky, Yakutia, khiến giới chức Nga phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực đông bắc Siberia. Đám cháy đã thiêu rụi 18,1 triệu ha rừng và vẫn âm ỉ cháy dưới lòng đất trong mùa đông này.
Một trường hợp "đám cháy thây ma" khác từng bùng lên ở vùng Mundullakh suốt vài năm. Mãi tới khi tuyết tan và mưa lớn kết hợp với nhau, hình thành một hồ nước lớn thì đám cháy mới được dập tắt.
Do thổ nhưỡng ở đây giàu carbon, hình thành nhờ thực vật chậm phân hủy qua hàng nghìn năm nên "lửa thây ma" có thể thải ra một lượng CO2 cao kỷ lục lên tới 244 triệu tấn.
Giới nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự xuất hiện của "lửa thây ma" có liên hệ chặt chẽ tới biến đổi khí hậu. Dữ liệu cho thấy, đám cháy như vậy xảy ra sau đợt cháy rừng vào mùa hè nóng bức và kéo dài.
Quốc Việt (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)