Dịch Covid-19 tác động rất sâu đến sinh kế, đời sống người dân trên địa bàn TPHCM và làm cho số hộ có hoàn cảnh khó khăn gia tăng. Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, số hộ nghèo và cận nghèo tại TPHCM tăng 4.200 hộ.
Tổ chức công đoàn trao bảo hiểm xã hội tự nguyện hỗ trợ lao động tự do khó khăn.
Túng thiếu, vay “tín dụng đen”
Sau gần 4 tháng không thể đi bán do TPHCM tạm ngưng hoạt động bán vé số, ngày hay tin được đi bán lại, trong túi bà Từ Thị Sơn (46 tuổi, quê Bình Định, tạm trú tại quận 4, TPHCM) chỉ còn vỏn vẹn hơn 200.000 đồng. Bị khuyết tật, bà mưu sinh nhờ bán vé số dạo. Những ngày chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày bà Sơn kiếm được hơn 100.000 đồng tiền lời. Chi trả tiền phòng trọ, ăn uống tiết kiệm, bà vẫn dư một ít để gửi về quê lo cho các con đi học. Khi dịch bệnh ập đến, bà kẹt lại TPHCM, thất nghiệp, sống nhờ vào tình thương của hàng xóm và các túi quà an sinh của chính quyền. Nỗi lo chồng chất khi bà không có tiền gửi về quê lo cho các con. Bà Sơn tâm sự: “Tiền dành dụm khi đi bán, tui gửi về cho con, một ít để lại làm vốn khi bán lại. Nhưng nghỉ lâu quá, không làm ra tiền nên tôi ăn thâm hụt vào tiền vốn ấy”.
Thương hoàn cảnh bà Sơn, hàng xóm cho vay một ít tiền để bà lấy vé số đi bán, nhưng hơn tháng qua, việc buôn bán của bà ế ẩm. “Sau dịch, ai cũng khó nên ít người mua vé số lắm. Khách thấy tôi khuyết tật, thương tình thì mua giúp. Có hôm tôi lãnh 80 tờ mà bán chưa được một nửa. Nếu kéo dài tình trạng này, chắc tôi phải tính đường về quê”, bà Sơn than thở.
Cũng vì lâm vào cảnh khổ sau dịch Covid-19, bà Lâm Thị Sáu (quận 8) tìm vay “tín dụng đen” ít tiền làm vốn. May sao, khi chưa cầm số tiền vay ấy, bà kịp thời tỉnh ngộ. “Lúc ấy tôi cần vốn để lấy vé số đi bán. Rồi lo tiền nhà trọ, tiền thuốc men cho ông xã tôi, tiền ăn hàng ngày nên tôi đánh liều “vay nóng”. Giờ thì cũng mắc nợ, nhưng tôi được giới thiệu vay theo hội phụ nữ”, bà Sáu cho biết, bản thân cũng hiểu nếu vay “tín dụng đen” thì tiền lãi rất cao, nhưng khi ấy cạn kiệt tiền nên bà định liều một phen. Nhìn căn phòng trọ tồi tàn chưa đầy 10m2, không một vật dụng giá trị của bà, ai cũng biết bà Sáu sẽ không thể trả được nợ khi “vay nóng”.
Chưa bao giờ anh Trần Văn Tuấn (quê Sóc Trăng, thuê trọ tại phường Phước Long A, TP Thủ Đức) lại thấy bế tắc như lúc này, bởi anh không biết xoay đâu ra tiền để tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư cho con gái. “Mấy tháng giãn cách, tôi mất việc làm, con lại bệnh nên bao nhiêu tiền dành dụm đều đổ vào chạy chữa cho con”, anh Tuấn tâm sự. Anh kể, trước giờ công việc của anh ở TPHCM có thể lo được cuộc sống cho mình cùng vợ con ở quê, và dành dụm được chút ít phòng thân. Nhưng dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn mọi thứ. Chỗ làm đóng cửa, anh thất nghiệp, kẹt lại TPHCM. Không có thu nhập nhưng phải trả tiền nhà trọ, ăn uống hơn 4 tháng nên anh kiệt quệ.
Tăng hộ nghèo, cận nghèo
Trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TPHCM, gia đình chị Hồ Kim Chi (ngụ đường Tam Bình, phường Tam Phú, TP Thủ Đức) vẫn xoay xở được chi phí sinh hoạt hàng ngày. Anh Phùng (chồng chị) làm tự do, còn chị Chi kinh doanh quần áo. Dịch ập đến, anh Phùng mất việc làm, công việc kinh doanh của chị Chi cũng đứt gãy, không còn thu nhập. “Gia đình tôi 4 miệng ăn. Hàng tháng phải lo tiền ăn uống, thuê nhà, học hành cho bọn nhỏ, nhưng từ tháng 5 đến giờ không kiếm được đồng nào. Tiền tiết kiệm cũng đã sử dụng hết, gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn”, chị Chi bật khóc chia sẻ về hoàn cảnh gia đình. Mới đây, được MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức tặng chiếc xe máy để làm phương tiện sinh kế, vợ chồng chị Chi dự định liên hệ các mối quen cũ để nhận giao hàng, kiếm đồng ra đồng vào lo chi tiêu hàng ngày.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, dịch Covid-19 tác động đã khiến số hộ nghèo, cận nghèo tại TPHCM gia tăng. Trên toàn địa bàn TPHCM, qua khảo sát vào đầu tháng 10-2021, tổng hộ nghèo, cận nghèo là hơn 58.000 hộ (chiếm gần 2,3% tổng hộ dân TPHCM), gồm gần 37.800 hộ nghèo và hơn 20.200 hộ cận nghèo. Trong khi đó, đầu năm 2021, TPHCM có gần 35.000 hộ nghèo và gần 19.000 hộ cận nghèo. Như vậy, TPHCM tăng gần 4.200 hộ nghèo và cận nghèo.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) và UNDP (Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam) với khoảng 1.500 người trên 18 tuổi, hơn 70% người tham gia khảo sát cho biết họ bị mất thu nhập; gần 50% cho biết họ bị mất từ 50% thu nhập trở lên và cứ 5 người lại có 1 người trả lời bị mất toàn bộ thu nhập khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo MDRI, việc thực hiện khảo sát vẫn chưa đến được tận cùng những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Hoàng Vân, Tổng giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP), thông tin, nhằm hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, CEP đưa ra chính sách miễn, giảm lãi vay, tạm ngưng thu hồi nợ và kéo dài thời hạn hoàn trả cho khách hàng. Số tiền miễn, giảm lãi căn cứ vào mức độ ảnh hưởng và khả năng trả nợ của khách hàng, tối đa lên đến 50% tổng số tiền lãi của đợt vay. Ngoài ra, CEP bổ sung gói tín dụng dành riêng cho khách hàng bị ảnh bởi dịch với lãi suất thấp, được ân hạn nợ gốc.
Theo ông Lê Minh Tấn, nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống sau đại dịch Covid-19, TPHCM tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung hỗ trợ vốn từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo, Quỹ Quốc gia về việc làm…; các chính sách hỗ trợ học phí, tặng học bổng cho con em hộ nghèo đến trường. Đồng thời, đẩy mạnh dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm cho thành viên hộ nghèo, cận nghèo… Các giải pháp tiếp tục chuyển đổi theo hướng giảm dần tính cấp phát, cho không mà chuyển mạnh sang hỗ trợ có điều kiện để giảm sự ỷ lại và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
|
NHÓM PV (theo SGGP)
Bình luận (0)