Những ngày gió bấc, mưa phùn, cái lạnh được dịp thổi tung từ bốn phía. Để đến phân trường Noóc Mò, chúng tôi đi thêm 10km đường rừng, trong đó một nửa phải đi bộ đường dốc cheo leo, hiểm trở…
Trời rét, chỉ có tám em đến lớp – Ảnh chụp tại trường Tiểu học Trấn Yên, Lạng Sơn. |
Bỏ sau lưng con đường mòn xa ngái cùng những ngọn núi, đồi nối tiếp nhau, chúng tôi tìm đến những ngôi trường vùng sâu, vùng xa ở xứ Lạng.
Căn phòng hội đồng của trường vững chắc hơn cả, nhưng cũng chỉ là nhà gỗ, lợp tấm ximăng, xung quanh ghép bằng ván.
Cô giáo Dương Thị Thiều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học I xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết, ngoài điểm trường chính với bảy phòng học (có 2 phòng cấp bốn, còn lại đều là lớp học tạm), còn có ba phân trường nằm rải rác ở các thôn, bản. Tất cả các phòng học đều dựng tạm bằng tre, nứa.
Những ngày gió bấc, mưa phùn, cái lạnh được dịp thổi tung từ bốn phía. Để đến phân trường Noóc Mò, chúng tôi đi thêm 10km đường rừng, trong đó một nửa phải đi bộ đường dốc cheo leo, hiểm trở.
Cô giáo Hoàng Thị Thái cắm bản ở đây được hai năm. Trong mỗi lớp có 10 học sinh đều là dân tộc Dao. Cô tâm sự, các em học sinh ở xa lắm, có em đi chân bộ từ nhà đến lớp chừng 5,7 cây số. Hôm nào trời mưa, lớp lại trống hoác học sinh.
Mùa đông vừa qua, nhiều em lấm lem, không giầy, không tất đến lớp. Có hôm mưa lũ, hoặc ốm đau, bản thân giáo viên không dám nghỉ dạy bởi, nếu cô không đến lớp, hôm sau các em nghỉ hết, lại phải đi từng gia đình vận động cho các em đến trường.
Chất lượng giáo dục tiểu học còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các trường vùng sâu, vùng xa còn cao. Hiện số học sinh bỏ học ở cấp tiểu học là 84 em, cấp THCS: 1.005 em, Cấp THPT: 787 em, GDTX: 554 em. (Trích Báo cáo tổng kết năm học 2007-2008 của Sở GD&ĐTLạng Sơn) |
Tại phân trường Bản Ruộc (xã Hòa Bình, huyện Bình Gia), bà con quyên góp được một ít tiền cùng cây, que, gỗ dựng nên hai lớp học tạm từ gần chục năm nay. Có gió mạnh, các bức vách lại bị cuốn đi. Trời đổ cơn mưa chỉ còn nước lấy cặp sách che đầu.
Từ đầu năm đến nay, học sinh phải nghỉ học khá nhiều buổi để sửa sang, gia cố lại lớp học. Lớp học ở Bản Ruộc vẫn chưa có điện vì không đủ tiền kéo dây đến.
Cô giáo Hiện, Trường Tiểu học I Trấn Yên tâm sự, nhà trường có 29 cán bộ giáo viên và nhân viên thì có đến 27 nữ, các giáo viên đứng lớp chủ yếu là người ở thị trấn Bắc Sơn, nhà cách trường trên 20 km nên nhu cầu ở tập thể rất lớn. Nhưng trường không có nhà công vụ cho giáo viên, hàng ngày các cô phải trèo đèo, lội suối đến các phân trường.
Cái khó là các em là người dân tộc nên tiếp thu bài giảng rất khó khăn. Cô giáo Hoàng Thị Thái kể, khi mới đến phân trường Noóc Mò, cô không biết tiếng dân tộc Dao, còn các em không hiểu tiếng phổ thông nên cô trò chỉ nhìn nhau cười và ra hiệu bằng tay. Cô phải học tiếng dân tộc Dao từ chính học sinh của mình.
Ông Bùi Vinh Hoa, Trưởng phòng Giáo dục (huyện Bắc Sơn cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng phòng học kiên cố và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, huyện Bắc Sơn được tỉnh phê duyệt xây dựng 22 nhà công vụ. Nhưng số đó chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu và cũng chỉ xây dựng được ở những trường chính”.
Duy Chiến – Minh Lý (Theo TPO)
Bình luận (0)