Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS mới: Không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị miễn nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa thể giao cho các trường ĐH tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) do trình độ, chất lượng các trường không đồng đều. Nhưng quy trình bổ nhiệm mới đã tiến bộ hơn vì đang đi theo hướng các GS, PGS gắn với các cơ sở giáo dục đại học, gắn với nhiệm vụ, quyền lợi và quyền hạn. GS Đỗ Trần Cát – nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

>> Quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

>> Giao tiếp được bằng tiếng Anh mới công nhận giáo sư

“Chạy” bổ nhiệm GS, PGS là không cần thiết

°PV: Giáo sư có thể cho biết những điểm thay đổi quan trọng trong quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS vừa được Thủ tướng ban hành?

°GS ĐỖ TRẦN CÁT: Quy trình bổ nhiệm đã có nhiều thay đổi khá quan trọng: Hội đồng 3 cấp xét xong (cơ sở, ngành và Nhà nước) thì ứng viên mới được công nhận là đạt tiêu chuẩn, chứ chưa phải là GS, PGS. Tiếp theo đó, Hiệu trưởng, Viện trưởng của các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học trên cơ sở danh sách những người đạt tiêu chuẩn sẽ đề xuất với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

So với trước đây, quy trình này có tiến bộ hơn vì nó đi theo hướng các GS, PGS gắn với các cơ sở giáo dục đại học, gắn với nhiệm vụ, quyền lợi và quyền hạn. Điều này thể hiện ở chỗ, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học phải chọn và đề nghị, sau khi được bộ trưởng bổ nhiệm rồi thì phải giao nhiệm vụ, trả lương, tạo điều kiện cho GS, PGS làm việc.

Trước đây, công nhận xong, GS, PGS muốn làm gì thì làm, các trường chỉ biết trước khi được công nhận có công tác tại trường, còn sau đó thì trường không biết các GS, PGS này làm gì, ở đâu, không gắn với công việc, nhiệm vụ của nhà trường.

°Được biết, từ năm 2006, HĐCDGSNN đã kiên trì đề nghị giao quyền bổ nhiệm GS, PGS cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thực hiện được?

°Đúng là chúng tôi đã kiên trì đề nghị này từ năm 2006, nhưng với hoàn cảnh hiện nay thì chưa làm được. Bởi hiện các trường không giống nhau về mặt trình độ, tổ chức, chất lượng đào tạo ở các trường khác nhau. Song song với đó là có hệ thống trường công và dân lập… rất phức tạp nên giao cho tất cả các trường thì chưa được. Thực tế có trường hiệu trưởng chỉ đạt tiến sĩ, thạc sĩ, thậm chí thiếu lực lượng giảng dạy…

Mặt khác, giao cho trường bổ nhiệm sẽ có 2 cái vướng: thủ trưởng cơ sở GD-ĐT chỉ có chức năng bổ nhiệm công chức, viên chức; trường không được bổ nhiệm cán bộ cao cấp (GS ngang chuyên viên cao cấp). Mà chuyên viên cao cấp phải do Bộ Nội vụ bổ nhiệm. Cũng có ý kiến đề xuất là giao cho một số đại học trọng điểm tự bổ nhiệm, còn lại là do bộ trưởng bổ nhiệm.

Nhưng như thế cũng sẽ nảy sinh sự phân biệt: một đằng là hiệu trưởng, một đằng là bộ trưởng, giá trị có khác nhau không? Vì vậy, trong giai đoạn này nên để thống nhất chung một đầu mối là Bộ trưởng bổ nhiệm.

°Vì sao xác định việc bộ trưởng bổ nhiệm chỉ mang tính hình thức mà vẫn còn tồn tại trong quy định như một khâu quan trọng của quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS?

°Tất nhiên gọi là mang tính hình thức nhưng cũng không phải hoàn toàn như vậy. Hình thức theo nghĩa trường vẫn có quyền và GS, PGS vẫn gắn với trường đó. Tuy nhiên, với danh sách trường đề xuất thì Bộ trưởng có thể bổ nhiệm tất hoặc không tùy theo chất lượng hồ sơ. Khi danh sách đã được đưa lên bàn bộ trưởng rồi thì có thể không xét về chuyên môn nữa (vì HĐCDGSNN đã làm rồi) mà chỉ xét về góc độ chính trị, tổ chức, cân đối nhân sự…

°Như vậy, có thể hiểu là quy trình làm việc của HĐCDGSNN vẫn chưa chặt chẽ hoàn toàn, thưa Giáo sư?

°Cũng khó làm chặt chẽ 100% được. Vì khi đã làm việc đại trà – nghĩa là làm việc với số lớn thì bao giờ cũng có sự sai lệch so với chuẩn định ra và phải chấp nhận. Tuy nhiên, sai lệch dưới 1%, có nơi đến 3%-4% vẫn phải chấp nhận.

Bộ phận tham mưu cho bộ trưởng trong việc bổ nhiệm sẽ không có rà soát mà chỉ kiểm tra nếu có khiếu nại tố cáo – nhưng thực tế thì khiếu nại không nhiều để đi đến loại trừ. Vì khiếu nại tố cáo phải đưa ra những bằng chứng để xử lý. Nhiều khi biết sai nhưng không đủ bằng chứng nên không xử lý được.

°Theo ông, quy trình này có làm xuất hiện tình trạng “chạy” bổ nhiệm?

°Thực tế có thể xảy ra chuyện này, nhưng hiện nay các trường đang rất thiếu GS, PGS nên theo tôi, việc “chạy” bổ nhiệm là không cần thiết.

Tiêu chuẩn: không chắt chặt nhưng yêu cầu khó hơn

°Để đảm bảo nâng cao chất lượng GS, PGS, những tiêu chuẩn mới có thắt chặt hơn các tiêu chuẩn bổ nhiệm như hiện hành không, thưa ông?

°Thắt chặt hơn thì không, nhưng khó hơn thì có. Cụ thể là GS thì phải hướng dẫn 2 NCS chính đã bảo vệ tiến sĩ (thay vì trước đây chỉ có 1 chính đã bảo vệ, còn 1 người phụ hoặc chính đều được). Nhưng tiêu chuẩn này chưa áp dụng ngay mà đến năm 2011 mới làm. Yêu cầu khó nữa là GS phải sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ cho chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh. Tức là GS phải biết 2 ngoại ngữ.

°Vì sao lại có quy định GS phải biết tiếng Anh và tiếng Anh giao tiếp được hiểu theo trình độ như thế nào?

°Chúng tôi đề xuất tiếng Anh là vì trong bối cảnh hội nhập, GS không thể không nói được tiếng Anh. Để đem tất cả những gì tốt đẹp nhất của thế giới vào Việt Nam thì phải hợp tác NCKH, hợp tác nghiên cứu ở trình độ cao. Sau này sẽ có hướng dẫn cụ thể về trình độ tiếng Anh giao tiếp phải đảm bảo ở mức độ nào. Cá nhân tôi hiểu, tiếng Anh giao tiếâp ít nhất là ứng viên phải trình bày được báo cáo khoa học bằng tiếng Anh.

°Nhưng dường như từ trước đến nay, quy trình bổ nhiệm và miễn nhiệm luôn được quy định song hành, nhưng dường như việc miễn nhiệm chức danh GS, PGS quá khó?

°Đúng là rất khó, 10 năm qua mới miễn nhiệm được 1 người. Nhưng theo quy định mới, hội đồng 3 cấp xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn có giá trị trong 2 năm, sau thời hạn này mà vẫn chưa được bổ nhiệm thì phải làm lại. Đồng thời, trong quy định mới, các ứng viên chức danh GS, PGS phải do trường đề xuất lên bộ trưởng bổ nhiệm và chủ động giao nhiệm vụ cho GS, PGS sau khi được bổ nhiệm nên sau đó không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ bị miễn nhiệm.

°Xin cảm ơn Giáo sư!

VIỆT LAN (Theo SGGP)

Bình luận (0)