Sau nhiều đồn đoán, Facebook Inc., công ty sở hữu các nền tảng bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp, đã đổi tên thành Meta vào ngày 28.10 năm nay.
Thông thường khoảng 5 năm một lần, Facebook, Inc. công bố một sự thay đổi mang tính định hướng quan trọng. Năm 2017, công ty này tuyên bố tập trung vào các cộng đồng và nhóm – mang thế giới lại với nhau. Đến tháng 10.2021, Facebook, Inc. lại đổi tên thành Meta Platforms, Inc., hoạt động kinh doanh với thương hiệu là Meta – một công ty truyền thông xã hội và công nghệ Mỹ có trụ sở tại Menlo Park, California.
Thuật ngữ Metaverse xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu thuyết Snow Crash (1992). BOOKS.GOOGLE.COM.VN
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nói rằng cái tên “Meta” được lấy cảm hứng từ tình yêu của ông đối với các tác phẩm kinh điển và nó bắt nguồn từ khái niệm "xa hơn" trong tiếng Hy Lạp.
Meta chính là công ty mẹ của Facebook, Instagram, WhatsApp và những công ty con khác. Ngày 28.10, nhà sáng lập Zuckerberg đã có bài phát biểu trực tuyến dài 75 phút, thông báo rằng mục đích của việc đổi tên là để “tập trung vào việc xây dựng Metaverse”, một khía cạnh mới của truyền thông – ở đó ranh giới giữa kỹ thuật số và thực tế trở nên rất mờ nhạt. Metaverse là sự thể hiện tương lai của phương tiện truyền thông xã hội, là “chương tiếp theo” của sự phát triển, một phiên bản thế hệ mới của internet chủ yếu dựa vào công nghệ thực tế ảo. Thay vì duyệt hoặc gửi tin nhắn trực tuyến, bạn có thể cảm nhận như sự việc diễn ra trong thực tại, tương tác với phiên bản ảo của người thật, địa điểm và cửa hàng cụ thể nào đó.
Trong Metaverse, bạn có thể đi học, đi làm, chơi game, xem hòa nhạc, duyệt qua các kệ hàng và hơn thế nữa mà không cần rời khỏi nhà. Nếu internet là hai chiều — văn bản và hình ảnh trên màn hình phẳng — thì Metaverse là ba chiều với đa giác quan bao gồm cả xúc giác.
Nguồn gốc thuật ngữ Metaverse
“Meta” là một tiền tố, xuất phát từ tiếng Hy Lạp gọi là μετα. Tiền tố này có nhiều nghĩa khác nhau, nghĩa ở đây có thể hiểu là "vượt qua", “toàn diện hơn”. Trong tiếng Anh, khoảng từ năm 1917, từ meta thường được dùng trong lãnh vực nghiên cứu, ví dụ như thuật ngữ meta-economics (siêu kinh tế học), meta-philosophy (siêu triết học), meta-physics (siêu hình học)… Về sau, tiền tố meta được gắn với những thuật ngữ có nghĩa mở rộng hơn.
Metaverse là thuật ngữ khoa học viễn tưởng, do nhà văn Mỹ Neal Stephenson nghĩ ra, phổ biến trong tiểu thuyết Snow Crash (1992) của ông – một thế giới thực tế ảo liên tục được điều hướng bởi nhân vật chính. Còn Snow Crash là tên một tệp dữ liệu mà Stephenson dùng để miêu tả lỗi phần mềm cụ thể trên máy tính Macintosh đời đầu. Tệp dữ liệu này là nguyên nhân khiến máy tính Macintosh gặp sự cố và viết vô nghĩa vào bitmap, kết quả là tạo ra một thứ gì đó trông mơ hồ như chiếc tivi bị hỏng vậy.
Chủ tịch Mark Zuckerberg đổi thương hiệu Facebook thành Meta. THE NEW YORK TIMES
Về sau, thuật ngữ Metaverse còn được sử dụng trong sách, phim và chương trình truyền hình khoa học viễn tưởng khác như The Matrix, Ready Player One và Stranger Things. Tất cả đều nhằm khám phá khái niệm “mirrorworld” (thế giới phản chiếu), nơi mà mọi thứ trong thế giới thực đều có bản sao kỹ thuật số.
Trong một bức thư thông báo về việc đổi thương hiệu Facebook thành Meta, Chủ tịch Zuckerberg viết: “Trong tương lai, bạn sẽ có thể dịch chuyển tức thời dưới dạng ảnh ba chiều để có mặt tại văn phòng mà không cần đi làm, tại một buổi hòa nhạc với bạn bè hoặc trong phòng khách của cha mẹ bạn”. Tuy nhiên, sự đổi tên này vấp phải nhiều phản đối. Có người cho rằng “Toàn bộ cách trình bày về Metaverse thật là không tưởng và ngây thơ”; “Nó đưa ra rất nhiều giả định sâu rộng về cách mà mọi người sống cuộc đời của họ. Chắc chắn rằng không phải người nào cũng sẽ vui mừng quá mức khi có nó (Meta) trong không gian gia đình”.
Dĩ nhiên, cái mới nào cũng sẽ đối đầu với những phản ứng trái chiều. Hãy chờ xem Meta của Mark Zuckerberg thành công hay thất bại qua ý tưởng Metaverse, song cần nhớ rằng hầu như tất cả doanh thu của Facebook – 29 tỉ USD trong quý thứ ba – là đến từ quảng cáo trực tuyến. Meta chắc chắn cũng vậy, thậm chí là hơn thế nữa và không thay đổi bất cứ điều gì đối với người dùng Facebook, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Theo Vương Trung Hiếu/TNO
Bình luận (0)