Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020: Chưa sát thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Do tính khẩn thiết của dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020 nên dù những ngày cận tết, học sinh (HS) các cấp đã được nghỉ học, Sở GD-ĐT TPHCM vẫn tổ chức góp ý cho chiến lược vào ngày 21-1.

Chiến lược phải do toàn xã hội xây dựng

Giám đốc Sở GD – ĐT Huỳnh Công Minh “phát pháo” đầu tiên: Nói đào tạo mũi nhọn thành công là tôi chưa nhất trí với chiến lược, nếu so với Nghị quyết Trung ương 2 về bồi dưỡng nhân tài. Các nước thi HS giỏi là sân chơi, còn HS chúng ta là luyện đấu đá với nhau.

Từ thực tế cơ sở, ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đồng tình: Trường chuyên chưa đạt được mục tiêu bồi dưỡng nhân tài trong khi HS chuyên học lệch, gây lãng phí. Ngay cả trong đội ngũ giáo viên (GV) trường “chuyên” cũng chưa thật sự “chuyên”, yếu về chất lượng và thiếu về số lượng. Nghĩa là GV thiếu kỹ năng, tư duy, thiếu sự rèn luyện cho HS toàn diện. Trong 141 GV của trường chỉ có 20 thầy cô đạt yêu cầu.

 

Học sinh Trường THCS Bạch Đằng quận 1, trong giờ học môn Giáo dục công dân. Ảnh: MAI HẢI

Ngành GD – ĐT TP thống nhất với những thành tựu của tình hình giáo dục Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 21, nhưng nội dung đánh giá các yếu kém trong chiến lược cần lưu ý nguyên nhân: điều kiện làm việc của GV chưa tương xứng với những yêu cầu cao trong thời kỳ mới; cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng việc giảm sĩ số HS/lớp và tổ chức học tập, sinh hoạt cả ngày trong trường mà đây là biện pháp cơ bản để nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm “GD – ĐT chất lượng cao với chi phí thấp nhất”, đề nghị ban biên soạn xác định lại quan điểm, định hướng toàn diện hơn với tính kế hoạch và quy luật phát triển của sự nghiệp GD – ĐT.

Mặt khác, chiến lược này phải do toàn xã hội xây dựng và tổ chức thực hiện chứ không riêng người thầy giáo. Tư tưởng nêu ở quan điểm này mang tính đạo đức của người cán bộ quản lý tốt, người thầy giáo tốt, biết sáng tạo, tiết kiệm để phát triển giáo dục nhưng cần đặt ở nơi khác hợp lý hơn; còn với một định hướng chiến lược là phải đề cập đến những quan điểm hợp quy luật, không nên duy ý chí. Càng quý con người bao nhiêu, càng đầu tư đúng mức cho giáo dục.

Tình trạng lúng túng của chúng ta hiện nay trong việc phát triển GD – ĐT một phần quan trọng là do tư tưởng duy ý chí về đầu tư cho nhà trường. Đầu tư nửa vời, chất lượng cũng nửa vời, nếu có cố gắng cũng thiếu bền vững, đó là một thực tế đã được chứng minh nhiều năm qua.

Ông Triệu Tuấn, Trưởng phòng GD quận 8 cho rằng nên có cơ chế thống nhất quản lý về GD, để ngành chịu trách nhiệm vì hiện nay, ngành bị phụ thuộc và chi phối nhiều mặt. Ông Nguyễn Trọng Thức, Trưởng phòng GD quận Bình Thạnh nhớ lại nỗi khổ 4 năm trước, trưởng phòng không được điều động bảo vệ, nhân viên phục vụ.

Ngành GD – ĐT TPHCM thống nhất các quan điểm chỉ đạo phát triển GD nhưng chiến lược còn thiếu tính định lượng trong cách đánh giá mà theo góp ý của các đại biểu: chiến lược gửi gắm ước mơ nhiều nhưng không có cơ sở thực tế.

Giải pháp thiếu căn cơ

11 giải pháp chiến lược của dự thảo đã được các đại biểu góp ý thẳng thắn. Giải pháp 1 “Đổi mới quản lý GD”, ngành GD – ĐT TPHCM thống nhất việc đưa công tác quản lý làm giải pháp đột phá để thoát khỏi sự ràng buộc tư duy, sáng tạo nhưng chi tiết nêu trong dự thảo không nói lên được tính chất đột phá của chiến lược đã đề ra.

Ở công tác quản lý, chiến lược cần phải làm nổi bật các giải pháp cơ bản là đổi mới tư duy GD, phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng và khoa học. Kế hoạch phát triển GD – ĐT của ngành phải rất cụ thể và chấp nhận sự phát triển không đồng đều mang tính chất quy luật, từ đó tạo cơ chế cho cơ sở thực hiện mới phát huy được sức mạnh cơ sở và đẩy mạnh tốc độ phát triển.

Ở giải pháp 4 “Đổi mới chương trình và tài liệu giáo dục”, đề nghị Bộ GD – ĐT hoàn thiện và đổi mới các trường sư phạm trước khi tiến hành tổ chức thay đổi chương trình phổ thông. Cần sớm ban hành chương trình khung để từ đó các vùng miền, địa phương tùy theo điều kiện mà triển khai hợp lý. Việc GD đạo đức cho HS cần chú trọng các bài học, tình huống cụ thể sát thực tế, hạn chế lý thuyết suông, giáo điều không hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Thịnh, Hoàng Hoa Thám phản ánh sự “mờ nhạt”, chung chung về đạo đức của người HS, SV trong chiến lược: “đào tạo con người VN trung thực …”, nhưng sau 5, 10 năm nữa, HS, SV sau khi ra trường, chúng ta cũng thấy khó có thước đo để biết các em có đạt được hay không.

Ngoài ra, các quan điểm chỉ đạo phát triển GD trong chiến lược: GD – ĐT có sứ mạng đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nên văn hóa tiên tiến… Bản góp ý của ngành GD – ĐT TP đề nghị bổ sung thêm “đào tạo con người có khả năng hợp tác, chia sẻ, biết sống trong cộng đồng, vì cộng đồng, thay cụm từ “phát triển toàn diện” bằng cụm từ “phát triển tối đa tiềm năng của HS”.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Trường THPT Phú Nhuận bức xúc: Các giải pháp trong chiến lược cần căn cơ hơn. PHHS than phiền nhiều về chương trình cải cách nhưng con em bị “hành hạ” quá nhiều. Đổi mới thi cử và kiểm tra đánh giá kết quả học tập là cần thiết, Bộ GD – ĐT nên giao thanh tra GD và kiểm định chất lượng GD cho một tổ chức độc lập với hệ thống quản lý chỉ đạo GD các cấp thực hiện. C

ác đại biểu đề nghị bộ đổi mới kiểm tra đánh gia kết quả học tập của HS bằng nhận xét cụ thể hơn, giảm và bỏ cho đánh giá bằng điểm số. Như vậy, gánh nặng học tập của HS như hiện nay mới được gỡ bỏ phần nào.

D.DOANH – L.LINH (Theo SGGP)

Bình luận (0)