Bên cạnh hàng loạt thư và hành động ủng hộ bức thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, một số ý kiến cho rằng cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo cho giáo viên cả nước năm nào cũng có tiền thưởng tết.
GS-TSKH Phạm Minh Hạc: Minh bạch, công khai ngân sách cho giáo dục sẽ nâng cao được đời sống cho giáo viên |
Muốn nâng cao đời sống giáo viên, trước mắt cần công khai minh bạch, rõ ràng các khoản kinh phí cho giáo dục, chuyên gia kỳ cựu trong ngành giáo dục khẳng định.
Cảm nhận về bức thư của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các địa phương lo Tết cho giáo viên, GS-TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nói:
Đó là tình cảm tốt đẹp của người đứng đầu ngành giáo dục dành cho các thầy cô giáo và chúng ta cần ghi nhận. Nhưng ở các địa phương, ngay cả những nơi khó khăn, các cấp, ngành, đoàn thể vẫn lo Tết cho các thầy cô, đặc biệt các thầy cô ở xa, ở bán trú hay ở trọ. Dù cái Tết chưa sung túc nhưng đầm ấm.
Nói như vậy liệu ông có xa rời với đời sống thực tế của giáo viên và thực tiễn của giáo dục không?
Trong mấy chục năm công tác, khi còn khó khăn và cả bây giờ, tôi có đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh trong dịp Tết. Tôi thấy các địa phương cũng chăm lo cho các thầy cô giáo chứ không đến nỗi để họ nghèo đói lắm. Có thể nói vào dịp Tết, 99,9% giáo viên được nhân dân đùm bọc. Vả lại, cái nghèo của nhà giáo cũng thanh tao, ấm áp chứ không đến nỗi lạnh lẽo khổ sở.
Các thầy cô giáo mầm non dân lập được trả lương bằng gạo đúng là khó khăn nhưng đời sống cũng chưa bao giờ quá thiếu thốn, quá ảm đạm, vẫn có sự đùm bọc của nhân dân, vẫn có quần áo đẹp, ít nhất là hai bộ để lên lớp. So với đời sống giáo viên, trong xã hội có những người nghèo lắm.
Có thể nói, đời sống giáo viên chưa đủ như mong muốn nhưng chưa đến nỗi quá nghèo túng. Còn nhiều người nghèo mà các địa phương cần chăm lo hơn để có được ngày Tết không bị đói. Theo tôi, vấn đề là quan tâm đến khó khăn lâu dài của giáo viên trong đời sống so với mặt bằng chung chứ không phải là chỉ trong mấy ngày Tết.
Nhưng người ta vẫn nói kinh phí cho ngành giáo dục không nhiều?
4,5 tỷ USD, mới chi hết 1/3. Từng có cuộc làm việc với Thủ tướng mà người ta công bố một thông tin khiến tôi ngạc nhiên: trong số 30 tỉnh thành phố được kiểm tra thì có tới 24 tỉnh, thành sử dụng ngân sách giáo dục chi vào việc khác.
Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh thực tế là trường phổ thông ở nhiều nơi dành tới 80 – 90 phần trăm tiền phân bổ về nhà trường để chi vào lương, 10 – 20 phần trăm thực chi cho các khoản khác. Tôi vừa đi họp phụ huynh cho cháu và phải nộp hơn một triệu đồng. Họp xong, lại đóng thêm 150.000 đồng cho cả thảy 31 khoản cho từ nước uống đến tiền photocopy, tiền mua chổi. Nhiều khoản tiền sử dụng cho GD&ĐT còn bí hiểm lắm.
Ý ông là nếu khéo chi tiêu thì có thể nâng cao đời sống giáo viên hơn?
Không phải là khéo đâu mà là phải minh bạch, công khai và rõ ràng. Đằng này, cho đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa trả lời được là ngành có bao nhiêu tiền, chi bao nhiêu, chi thế nào, còn bao nhiêu… Để nâng cao đời sống cho giáo viên phải đổi mới tư duy về lương và phụ cấp cho họ. Theo tôi vấn đề lương của giáo viên mầm non phải do hội nghị trung ương quyết định mới giải quyết được.
Về lâu dài chiến lược giáo dục phải có khẩu hiệu: Tiến tới nhà giáo sống được bằng lương. Tôi chưa thấy điều này trong chiến lược của ngành đến năm 2020.
Hồ Thu (theo TPO)
Bình luận (0)