SV ngành du lịch đang hướng dẫn việc pha chế rượu |
Theo nghiên cứu của Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội thì các ngành: công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng vẫn là những ngành cần một lượng rất lớn nhân viên từ nay cho đến 2015. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ngành đang “khát nhân lực” nhưng việc thu hút được sinh viên vào học cũng cực kỳ khó khăn…
Ngành đóng tàu: cần từ 10.000 – 15.000 lao động mỗi năm
Hiện nay cả nước có 6 trường ĐH, CĐ (không kể các trường nghề thuộc tập đoàn Vinashin) có đào tạo các ngành nghề trực tiếp phục vụ công nghiệp đóng tàu là ĐH Hàng hải, Hải Phòng; ĐH Giao thông vận tải TPHCM; ĐH Bách khoa Hà Nội; CĐ Hàng hải, Hải Phòng, CĐ Công nghiệp Sao Đỏ, Hải Dương, CĐ Công nghiệp Tuy Hòa. Tổng số sinh viên chính quy của 6 trường này là 53.107 người và không chính quy là 28.634 người. Đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở các chuyên ngành có liên quan đến công nghiệp đóng tàu chủ yếu tập trung ở ĐH Hàng hải và ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Số lượng học viên cao học hàng năm tuyển mới khoảng từ 20 -30 người và quy mô đào tạo hiện nay trên dưới 60 người. Con số này quá ít so với yêu cầu thực tế. Không những thế, tỷ lệ nghiên cứu sinh chuyên ngành đóng tàu của Việt Nam hiện nay rất thấp. Hàng năm, dù có chỉ tiêu và thông tin rộng rãi, nhưng số thí sinh đăng ký dự thi nghiên cứu sinh ngành đóng tàu thường chỉ đạt từ 5 đến 7 người. Do nhiều nguyên nhân mà tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành đóng tàu luôn thấp hơn tỷ lệ bình quân chung so với các ngành nghề khác trong toàn hệ thống. Trong khi đó, theo nhận định của ngành giáo dục thì chất lượng và số lượng đào tạo các trình độ chưa theo kịp sự phát triển quá “nóng” của công nghiệp đóng tàu. Với năng lực hiện tại, các cơ sở đào tạo từ nghề cho đến ĐH mới chỉ cung cấp được khoảng 600 – 700 kỹ sư và khoảng 2.000 – 3.000 công nhân nghề mỗi năm thuộc các ngành nghề gắn liền với công nghiệp đóng tàu. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 60% nhu cầu nhân lực của ngành này. Công ty Đóng tàu Hạ Long của Vinashin trong năm 2007 có nhu cầu tuyển mới từ 150 – 200 kỹ sư ngành vỏ tàu và máy tàu thủy nhưng chỉ tuyển được khoảng trên 30 kỹ sư. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV CNTT Soài Rạp cũng khẳng định thực tế hàng năm số lượng công nhân kỹ thuật mà các công ty, nhà máy trong ngành đóng tàu Việt Nam cần có khoảng 15.000 người nhưng thực tế chỉ đáp ứng được gần 50% nhưng cũng chỉ là số lượng chưa kể đến việc xuất khẩu lao động đang có nhiều thuận lợi.
Nhân lực tài nguyên môi trường biển: thiếu hụt cả sĩ quan và thủy thủ
Kết quả nghiên cứu đề tài khoa học do Trường ĐH Hàng hải Việt Nam hoàn thành năm 2007 cho thấy, số lượng sĩ quan, hàng hải sẽ bị thiếu hụt vào năm 2010 là khoảng 800 người. Cùng với đó là sự thiếu hụt đội ngũ thủy thủ lành nghề. Trong khi đó, hiện nay, mới chỉ có ĐH Hàng hải và một số trường khác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Năm 2008, điểm chuẩn NV1 của ĐH Hàng hải cũng chỉ dao động từ 15 đến 21 điểm.
Nông lâm thủy sản: mỗi năm cần từ 12.000 – 14.000 lao động
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.300 – 1.500 người có trình độ ĐH trở lên, 4.000 – 5.000 người có trình độ CĐ và TCCN và 6.500 – 7.000 công nhân kỹ thuật các chuyên ngành cho ngành nông lâm thủy sản. Hiện cả nước khối ngành nông – lâm – thủy sản có 28 trường ĐH, CĐ và 55 trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này. Khối dạy nghề có 1.783 cơ sở dạy nghề, bình quân mỗi tỉnh có 5 – 7 tổ chức dạy nghề cấp tỉnh, mỗi huyện đều có các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp và có từ 1 đến 2 tổ chức dạy nghề. Về quy mô, cả nước có hơn 14.000 sinh viên/1.603.484 sinh viên đang theo học các ngành nghề liên quan trực tiếp đến chế biến nông – lâm – thủy sản, chiếm tỷ lệ 4,82%. Đối với TCCN, tỷ lệ học sinh trong lĩnh vực này chỉ chiếm 4%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản chiếm đến trên 50% và tỷ lệ dân số sống trong vùng nông thôn của Việt Nam hiện là 72,56%. “Số liệu trên cho thấy, số lượng người học theo các khối ngành này ở Việt Nam là rất thấp” – Thứ trưởng Long khẳng định. Trong khi đó, điểm thi vào những ngành này thường rất thấp. Điểm chuẩn vào ĐH Nông nghiệp I năm 2008 cả hai khối A và B từ 15 đến 18 điểm. ĐH Lâm nghiệp khối A từ điểm sàn (13 điểm) và khối B từ 17 điểm trở lên.
Du lịch: cần lao động chất lượng cao
Tại hội nghị đào tạo nhân lực ngành du lịch, lãnh đạo hai bộ GD-ĐT và Văn hóa Thể thao – Du lịch cho thấy, nhân lực trong ngành du lịch có trình độ từ ĐH chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động ngành du lịch. TP.HCM thu hút 24,41%, Hà Nội có 14,14%. Tới năm 2010, mục tiêu sẽ có 1,4 triệu người tham gia lĩnh vực du lịch. Hiện, ngành du lịch đang thiếu lao động chất lượng cao, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist cho hay, ở trung tâm ông, 30% thị trường khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên nói được tiếng Đức, Nhật, Hàn Quốc.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)