Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Như vậy có phải là giáo dục?

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi chiều của một ngày sau Tết Kỷ Sửu, tại một quán cà-phê nằm trên địa bàn quận 1, quán tuy nhỏ nhưng tấp nập khách ra vào. Hòa trong dòng khách có hai mẹ con, người mẹ khá đứng tuổi còn cháu gái con chị khoảng 9, 10 tuổi rất nhí nhảnh với gương mặt khá dễ thương. Dù con gái nhưng giọng cháu lại rất lớn. Bàn tôi ngồi sát bên nên gần như nghe đầy đủ câu chuyện của hai mẹ con. Dù chỉ là một cuộc trò chuyện, nhưng tôi cảm nhận sự khéo léo của người mẹ khi lồng vào đó những câu hỏi mang tính trắc nghiệm kiến thức đứa con mình. Thậm chí người mẹ còn yêu cầu con phải đánh vần từng từ trong đáp án. Cuộc trò chuyện của hai mẹ con đề cập đến nhiều vấn đề. Suốt buổi, trong vô vàn câu chuyện cháu kể với mẹ có hai chuyện làm tôi suy nghĩ.
Chuyện thứ nhất: khi người mẹ hỏi tên từng loại hoa trang trí trên bàn và trong phòng. Cháu bé trả lời rất chính xác, nhưng đôi lần cháu đánh vần lại sai lỗi chính tả. Những lần như vậy, người mẹ phân tích cặn kẽ và sửa lại cho đúng. Đến đây cháu buột miệng kể: “Ở lớp con, có bạn gái bị thầy giáo tịch thu quyển nhật ký và cầm đọc. Sau đó, thầy giáo nêu ra giữa lớp những sai sót ở trong nhật ký. Bạn con viết: con chó nhà em bị mất, nhưng bạn ấy lại viết bị mắt. Vậy là thầy chê ngay. Bạn ấy rất buồn”. Ai cũng biết, nhật ký là những ghi chép có tính riêng tư, ngay cả chuyện đọc nhật ký của người khác khi chưa được phép đã là việc làm quá sai. Điều tệ hại hơn nữa của người thầy này là mang nội dung nhật ký của người khác để sửa chữa, liệu việc làm này có mang tính xúc phạm hay không? Dẫu thầy có thể cho rằng mục đích sửa lỗi nhật ký của học trò nhằm giúp bản thân em đó và cả lớp cũng khó ai chấp nhận. Tôi nghĩ rằng người thầy này không thấy phản ứng của học trò. Có thể ông ta cho rằng đó là chuyện bình thường? Nhưng nếu ông ta nghe câu hỏi chứa đầy tính phê phán của chính học trò của ông: “Mẹ, đọc nhật ký của người khác là xấu phải không?” thì không hiểu ông sẽ có thái độ và suy nghĩ như thế nào?
Chuyện thứ hai: Cháu bé kể chuyện trong lớp học của mình, cháu nói: “Mẹ ơi, các bạn sợ thầy giận lắm. Mỗi lần thầy giận, bạn nào vi phạm là lãnh ngay tát tai. Thầy tát mạnh đến độ đến tận giờ ra về mà mặt bạn con vẫn còn hằn dấu bàn tay của thầy?”.
Đây là hai trong rất nhiều câu chuyện có thật 100% mà vô tình chúng tôi nghe được từ lời kể của một nữ sinh ở một trường tiểu học của quận 3, TP.HCM.
T.T.Q

Bình luận (0)