Bài viết "Một số gợi ý về cải cách giáo dục Việt Nam"… đã mở đầu cho việc nhìn nhận lại thực trạng và những ý kiến đóng góp để đổi mới giáo dục VN. Muốn tiến hành công cuộc đổi mới phương pháp học tập tại một trường học thì phải đổi mới cả cách "dạy" lẫn cách "học".
Phải bắt đầu từ thực tiễn VN
Phương pháp dạy và học rất quan trọng vì hai nội dung giống nhau mà áp dụng các phương pháp dạy và học khác nhau thì sẽ đưa đến các kết quả khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy phương pháp "người học chủ động", "người học là trung tâm" đã là nguồn sáng tạo và là động lực tiến bộ của nhiều nước trên thế giới ngày nay.
Đổi mới phương pháp dạy và học không phải là bắt đầu đổi mới từ người thầy đứng lớp đi lên hay từ các cấp quản lý đi xuống. Các yếu tố quyết định sự thành công của các hoạt động dạy và học liên quan đến nhiều nội dung. Phải xác định vai trò của thầy cô giáo đứng lớp, từ đó mới biết họ là ai? Họ được xã hội công nhận cho đứng vào thứ bậc "quân, sư, phụ" hay là người hướng dẫn, người giúp đỡ học sinh?
Thầy và cô giáo đóng vai trò "tử viết" tức là "người thầy bảo gì" thì người học sinh xem như là chân lý, chỉ có việc vâng lời và không cần thắc mắc, tranh luận? Một học trò đặt nhiều câu hỏi cho thầy cô giáo có phải là vô lễ? Bắt các em học thuộc lòng là cơ sở của dạy và học hay cấm không được bắt học sinh học thuộc lòng như trong học đường tại các xã hội phương Tây? Ý kiến của học sinh có được tôn trọng? Học sinh có được chủ động trong việc lựa chọn lĩnh vực học tập mình ưa thích?
Đổi mới phương pháp dạy và học cần đi kèm theo đổi mới trong cách thức đánh giá, thi cử, chấm điểm. Khuyến khích học sinh trong lớp học tập trau dồi trí tuệ và đạo đức là tốt, nhưng tạo cơ hội cho các em cạnh tranh lẫn nhau một cách ích kỷ trong lớp học có nên chăng? Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin đang đóng vai trò chiếm lĩnh hiện nay, chủ trương "thầy trò cùng nhau học tập" (mutual learning) trong lớp có được nhà trường chấp nhận? Học đường có thật sự là một môi trường học tập thân thiện, bình đẳng và là mảnh đất thuận tiện cho việc nuôi dưỡng các giá trị nhân văn?
Phương pháp dạy và học trong các cấp tiểu học, trung học và đại học có khác nhau không, nếu khác thì khác ở những chỗ nào? Việt Nam có chủ trương giáo dục tiểu học hướng tới cộng đồng, trung học nghiêng về tổng hợp, và đại học chuyên sâu và mỗi bậc học phải có phương pháp dạy và học khác nhau? Có cần chia ra các khu đồng bằng, thành thị, nông thôn, vùng núi, vùng biển và mỗi địa phương có những chương trình học tập thích hợp khác nhau?
Tất cả các yếu tố trên không phải do thầy cô giáo hay nhà trường quyết định, và cũng không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo đơn phương đề ra, mà do từng cộng đồng, địa phương quyết định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo biến chúng thành các chính sách lớn về đổi mới phương pháp dạy và học. Đây có lẽ nên là triết lý giáo dục của Việt Nam. Các trường học thường dựa vào triết lý này để soạn ra các chiến lược dạy và học của trường mình (teaching and learning strategies).
Cần có chính sách đổi mới
Các nước phương Tây rất chú trọng đến việc xây dựng và phát triển các phương pháp giáo dục. Mỗi loại triết lý giáo dục thường đi kèm theo một phương pháp dạy và học khác nhau. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng các trang thiết bị học tập dù hiện đại đến đâu thì cũng chỉ là những công cụ hỗ trợ học tập chứ không phải là những phương pháp giảng dạy và học tập.
Tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều văn bản quy định các chuẩn mực của nhà giáo, các tương quan giữa thầy cô giáo và học sinh, vai trò của người học và người dạy, mỗi đối tượng được phép học những gì và học như thế nào và không được phép học hay làm những gì. Chúng ta chỉ thấy phần lớn tại các trường khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" nhưng có rất nhiều học sinh chưa hiểu các em phải học những "lễ" gì.
Nếu không có những chính sách lớn về đổi mới phương pháp dạy và học, các thầy cô giáo sẽ không thể tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy và người học sinh cũng sẽ không rõ các quy định về cách thức được phép học tập. Như vậy, triết lý giáo dục chính là thứ mà học đường Việt Nam đang cần để đổi mới phương pháp dạy và học nhằm xây dựng một nền giáo dục có chất lượng tại Việt Nam.
Sau cùng, đổi mới phương pháp dạy và học không phải là một phong trào. Nó phải là một chính sách lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được sự đồng thuận rộng rãi của toàn xã hội. Chính sách ấy dựa trên những kế hoạch được soạn thảo thực chu đáo, có các nội dung mềm và nội dung cứng. Nội dung mềm là triết lý giáo dục đã nói ở phần trên. Còn nội dung cứng là xây dựng thêm phòng học, mua thêm trang thiết bị, tập huấn nguồn nhân lực tham gia chương trình đổi mới phương pháp dạy và học.
Bình luận (0)