Nhiều trường dân lập thuê giáo viên người nước ngoài giảng dạy (ảnh minh họa) |
Ngày 10-2, tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐ-TB-XH), đã tổ chức họp liên ngành về tình hình lao động người nước ngoài tại TP.HCM. Qua cuộc họp cho thấy việc quản lý lao động người nước ngoài vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa có giải pháp…
Khó kiểm soát được đầu vào
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH có gần 10.000 người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp, văn phòng đại diện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, tại các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX) có 1.790 người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động (HĐLĐ); số lao động nước ngoài không thuộc đối tượng cấp giấy phép là 103, đã cấp được 1.521; tại các văn phòng đại diện là hơn 2.000 người. Trên thực tế, theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thì: “Hiện nay còn nhiều lao động người nước ngoài chưa có HĐLĐ, đặc biệt là lao động làm việc ngoài KCN – KCX và ngoài khối văn phòng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký lao động người nước ngoài và kết hợp với các ngành liên quan để quản lý”. Đồng quan điểm với ông Tâm, ông Phan Quốc Thái, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh phía Nam, Bộ Công an cho rằng: Người nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây tăng đột biến. Mục đích vào Việt Nam rất đa dạng, từ những người với mục đích đi du lịch đến mục đích thương mại… Nhưng khi vào Việt Nam thì nhiều người chuyển đổi mục đích để ở lại Việt Nam, đặc biệt là người nước ngoài làm việc tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn TP. HCM.
Chưa có giải pháp
Theo thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, năm 2008 kiểm tra 543 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp nước ngoài với số người vi phạm về HĐLĐ lên đến gần 40%, nhưng mức xử lý chỉ ở mức phạt hành chính, nên các doanh nghiệp bị “lờn thuốc”. Mặt khác ở TP.HCM có tới 50.000 doanh nghiệp và 340.000 hộ kinh doanh cá thể, nên không đủ người kiểm tra xử phạt.
Ông Thái nhấn mạnh: “Việc quản lý lao động người nước ngoài tại TP.HCM chưa chặt, quản lý đang ở phần ngọn, và đã đến lúc phải quản lý đầu vào. Lấy ví dụ như lao động đi làm việc ở nước ngoài chúng tôi nắm hồ sơ từng người, từng quý, nhưng số lao động nước ngoài vào Việt Nam thì rất khó quản lý. Bởi, ở nước ngoài các doanh nghiệp phải đăng ký lao động nước ngoài vào làm việc với ngành chức năng quản lý nguồn lao động. Còn ở ta thì quy trình ngược lại”. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng thị trường Sở Công thương chia sẻ: “Để được lao động người nước ngoài cần tiến hành đồng bộ từ các việc cho phép vào Việt Nam đến việc quản lý các doanh nghiệp sử dụng lao động. Người nước ngoài làm việc tại các văn phòng đại diện tại TP.HCM trong quyền hạn của ngành chúng tôi đều nắm được thông tin về nguồn lao động này”. Trong khi đó ông Đặng Văn Phương, Công an TP.HCM lại cho biết: “Khi người nước ngoài vào Việt Nam thì chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được về mặt con người. Nhưng khó khăn là chúng tôi không có chức năng phải thông báo và cũng không nắm được người nước ngoài lao động ngành nghề gì vì họ đăng ký tạm trú ở chỗ này nhưng làm việc ở chỗ khác”. Từ những ý kiến trên cho thấy việc quản lý lao động người nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ…
Trần Văn
Bình luận (0)