Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT năm 2009: Nhiều điểm mới chưa ổn?

Tạp Chí Giáo Dục

Thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại hội đồng coi thi Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM

Dự thảo thi tốt nghiệp THPT có một số điểm mới như các tỉnh thành tổ chức cho thí sinh (TS) thi theo cụm trường về thành phố hay thị xã (nơi có điều kiện) và mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 TTGDTX. Mỗi cụm trường thành lập một hội đồng coi thi; bài thi sẽ được mang hoán đổi giữa các tỉnh thành để chấm… Trong số những điểm mới có một vài điểm gây không ít hoang mang cho học sinh và cả những người làm công tác giáo dục. Nhiều hiệu trưởng các trường THPT bày tỏ sự băn khoăn tại buổi họp giao ban các hiệu trưởng THPT sáng 12-2.
Mang bài thi đến địa phương khác chấm
Theo bản dự thảo, việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2009 có thay đổi. Bài thi của TS tỉnh hay thành phố này sẽ được chuyên chở đến tỉnh hay thành phố khác và sẽ do hội đồng giám khảo của tỉnh hay thành phố nơi đến chấm. Đó là cách tạo sự khách quan, rất được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện đáp án không phải giám khảo nào cũng tiếp nhận giống nhau. Đặc biệt là các môn khoa học xã hội như môn ngữ văn, ngay cả trong cùng hội đồng giám khảo đã có độ chênh. Chưa nói đến việc chuyên chở một lượng bài thi hàng chục ngàn bài, sự an toàn cho số bài thi này liệu có đảm bảo? Một vài người đặt vấn đề: “Tại sao không chọn phương án điều động giám khảo từ địa phương khác đến chấm?”. Nhưng cũng có người lại có ý kiến: “Làm cách này rất tốn kém”. Việc tổ chức hội đồng coi thi theo cụm trường, đối với các thành phố lớn thì không có vấn đề. Nhưng đối với các tỉnh, một huyện chỉ có một vài ba trường THPT, nếu không tính đến việc điều động giám thị (giám thị là những thầy cô giáo không công tác tại các đơn vị có TS trong cùng huyện dự thi) mới hy vọng hạn chế hay triệt tiêu tiêu cực. Một quan chức ngành GD-ĐT TP.HCM nói: “Việc tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm liên trường, TP.HCM đã làm nhiều năm nay rồi. Thành phố nghiên cứu rất kỹ trong việc điều động giám thị nhằm tránh tiêu cực. Giám thị của hội đồng coi thi chắc chắn không dạy các TS của hội đồng này”. Có người nặng nề hơn: “Làm như vậy chỉ mới làm phần ngọn!”.
Rối
Cũng theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, một hội đồng coi thi sẽ có vài điểm thi và điểm trưởng của các điểm thi này là phó chủ tịch hội đồng coi thi. Nếu điểm thi của hội đồng coi thi nào đó không có sự cố thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu có sự cố thì điểm trưởng của điểm thi đó đành bó tay và không thể giải quyết hay xử lý được. Vì quyền hạn phó chủ tịch hội đồng coi thi (cho dù là điểm trưởng) không có chức năng này. Thêm vào đó, theo quy chế, không một ai trong hội đồng coi thi được sử dụng điện thoại hay rời bỏ địa điểm thi trong thời gian tổ chức thi. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại vấn đề này.
Theo cấu trúc đề thi gồm có hai phần: phần chung và phần riêng. Phần chung dành cho tất cả TS của cả 3 ban: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân văn và Cơ bản. Phần riêng (có hai phần: nâng cao và chuẩn) dành cho các TS của từng ban (Theo Quy chế 08 của Bộ GD-ĐT: TS học ban nào làm câu hỏi thi ban đó). Đối với ban Khoa học Tự nhiên và ban Khoa học Xã hội & Nhân văn sẽ không có vấn đề gì. Bởi rất rõ ràng các TS hai ban này sẽ làm câu hỏi của phần nâng cao. Nhưng với ban Cơ bản sẽ dẫn đến rối rắm. Nếu theo đúng tinh thần của Quy chế 08, TS ban Cơ bản sẽ trả lời câu hỏi của phần chuẩn. Trong khi đó, chính Bộ GD-ĐT lại cho học sinh ban Cơ bản học nâng cao để phân hóa (A, B, C, D), và khi các em đã học nâng cao thì bắt buộc các TS ban Cơ bản phải trả lời câu hỏi phần nâng cao. Vấn đề này đã được rất nhiều hiệu trưởng Trường THPT nêu ra tại buổi họp, nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Khi chúng tôi đặt vấn đề này với ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Phải chờ Bộ GD-ĐT có thay đổi hay bổ sung gì không, chúng tôi cũng đang chờ”.
T.T.Q

Bình luận (0)