Phụ huynh kêu… trời, nếu trường MN công lập nhận trẻ lúc 8 giờ |
Ngay sau khi Giáo Dục TP.HCM đăng bài “150 ngàn trẻ mầm non sẽ phải đi học muộn?” (số 627 ra ngày 11-2-2009) phản ánh về khả năng các trường mầm non sẽ hoạt động 9 giờ/ngày, theo đó giờ đón trẻ sẽ muộn hơn hiện nay khoảng 1 giờ, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của phụ huynh học sinh xung quanh vấn đề này…
Nghỉ làm ở nhà đưa con đi học
Anh Quang Huy phụ huynh bé Đức Mạnh – Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1 bức xúc: “Nhà tôi ở gần sân bay, bà xã thì dạy ở Trường Công nghệ Thực phẩm (Q.Tân Bình), còn tôi làm tại Văn phòng II Bộ Công an đường Nguyễn Văn Cừ, Q.1. Lúc đầu chúng tôi cũng tính cho bé học gần nhà nhưng cả hai vợ chồng đều làm giờ hành chính nên không ai đưa rước. Sau đó, do quen biết nên tôi xin được cho bé vào Trường MN Bé Ngoan. Và tôi cũng lãnh luôn trách nhiệm đưa rước con. Khoảng 7 giờ kém mỗi ngày hai cha con lên đường, đưa bé tới trường trước (thường là 7 giờ 10 đến 7 giờ 15) rồi tôi tới cơ quan là vừa đúng giờ làm (7 giờ 30). Nếu bây giờ nhà trường nhận trẻ lúc 8 giờ, chắc tôi hoặc vợ phải nghỉ việc ở nhà để đưa rước con…”.
Từ 7 giờ đến 7 giờ 30, Trường Mầm non Hương Sen, Q.Phú Nhuận mở cổng đón trẻ. Anh Hùng – bảo vệ ở đây cho biết: “Từ 7 giờ 5 đến 7 giờ 20 là thời gian phụ huynh đưa trẻ tới trường đông nhất. Tầm 7 giờ 30 chỉ có lác đác vài người, chủ yếu là những phụ huynh không đi làm nhà nước mà buôn bán hoặc ở nhà nội trợ…”
Chị Hồng Thắm nhà ở đường Thích Quảng Đức, P.5, Q.Phú Nhuận có con đang học lớp lá Trường MN Hương Sen tâm tư: “Hiện chồng tôi đang đi học ở nước ngoài, ông bà nội và ông bà ngoại đều ở quê, người giúp việc cũ đã xin nghỉ cả năm nay rồi, tìm người giúp việc mới thì không được. Gần một năm nay, ngày nào cũng vậy, bảo vệ vừa ở cổng là mẹ con tôi có mặt. Bé thường tỏ ra không vui vì đến sớm nên không có bạn để chơi nhưng biết làm sao được, nếu con có bạn chơi thì mẹ sẽ trễ giờ làm. Tôi làm việc ở Ngân hàng Nhà nước (đường Bến Chương Dương, Q.1), từ trường của con tới cơ quan của mẹ cũng 5 -6 km, đã vậy đường thường xuyên kẹt xe nên hôm nào tới cơ quan cũng vừa đúng 7 giờ 30. Bây giờ trường nhận trẻ lúc 8 giờ, tôi không biết phải xoay sở như thế nào…”.
Trường tư sẽ quá tải
Trong khi anh Quang Huy tính đến giải pháp nghỉ việc để đưa rước con, chị Hồng Thắm chưa biết xoay sở thế nào thì chị Lan (đường Trần Kế Xương, P.3, Q.Bình Thạnh) quyết định cho con học trường tư. Hiện tại con gái chị – bé Quỳnh Trang (4 tuổi) đang học lớp lá Trường MN 3 (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh). “Ông xã của tôi làm việc ở Công ty Điện lực Việt Nam tại Q.1, từ nhà tới cơ quan không xa (khoảng 4 km) nhưng do đường thường xuyên bị tắc nên chưa tới 7 giờ là anh ấy đã đi rồi. Bởi vậy việc đưa bé Trang đi học được giao cho tôi. Tôi cũng làm ở Q.1 nhưng làm cho công ty nước ngoài nên 8 giờ mới làm. Với thời gian đưa con tới trường như hiện nay thì không có gì đáng bận tâm nhưng nếu trễ tới 8 giờ thì chỉ còn cách cho bé học trường tư thôi”, chị Lan cho biết.
Đồng quan điểm với chị Lan, chị Bình (đường Lê Văn Sĩ, Q.3) có con đang học ở Trường MN Tuổi Thơ 7, Q.3 cũng cho biết: “Nếu trường công lập nhận trẻ lúc 8 giờ thì đành phải cho con học ở trường tư vậy. Mặc dù chất lượng trường tư thua xa trường công, học phí lại cao nhưng giờ giấc ở đấy thoải mái. Có trường mới 6 giờ 30 đã nhận cháu, nếu phụ huynh kẹt công chuyện 18 -19 giờ mới tới đón trẻ cũng được”…
Thành phố hiện có 256 trường và 829 nhóm lớp tư thục đang nuôi giữ trên 100 ngàn trẻ. Dẫu rằng không phải trường, lớp tư thục nào cũng yếu kém nhưng các trường ngoài công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Qua kiểm tra, khảo sát nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho thấy vẫn còn không ít cơ sở thu tiền ăn thấp (khoảng 12 ngàn đồng/ngày). Với mức thu như vậy không thể đảm bảo đủ lượng calo cho trẻ. Cấp dưỡng ở nhiều cơ sở chưa có nghiệp vụ nấu ăn, chưa đạt trình độ trung cấp (đối với những cơ sở có trên 100 cháu)…”. Không chỉ có vậy, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn phải thuê mướn mặt bằng nên trường lớp chật hẹp, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Giáo viên phần lớn đều không đạt yêu cầu, yếu kém về nghiệp vụ, chuyên môn chăm sóc trẻ. Ở một số trường tư vẫn còn xảy ra tình trạng cô đánh cháu, nhồi nhét thức ăn vào miệng cháu… Song, đó sẽ là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh nếu các trường công lập nhận trẻ lúc 8 giờ.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)