Nhu cầu nhà ở của giới trẻ lập nghiệp, người có thu nhập thấp ở TP.HCM không ngừng gia tăng mỗi năm. Nhưng để sở hữu được một căn hộ không phải dễ dàng bởi giá thành cao, chính sách hỗ trợ khó đến tay, nguồn cung chưa đáp ứng…
Một khu nhà ở xã hội tại TP.Thủ Đức
Làm 43 năm mới đủ tiền mua nhà
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – chỉ rõ, người thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Điều này có nghĩa để sở hữu được nhà, thậm chí thuê nhà với giá phải chăng là cả vấn đề lớn hoặc không thể thực hiện được đối với người nghèo đô thị, nhất là người dân nhập cư.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đại Phúc – nhìn nhận: “Là TP đông dân nhất nước, dân số cơ học tại TP.HCM hiện đã ở mức 13 triệu người. Nhu cầu nhà ở, đặc biệt là giới trẻ lập nghiệp không ngừng gia tăng trong khi nguồn cung hiện nay đang thiếu, mới đáp ứng khoảng 10-15%”.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả do ông Trương Hoàng Trương (Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) làm trưởng nhóm, công bố mới đây của CBRE (đơn vị quản lý vận hành dự án bất động sản của Mỹ) cho thấy, giá trung bình nhà ở tại TP.HCM khoảng 2,4 tỷ đồng/căn. Để người dân mua được nhà là cả một quá trình lâu dài, nếu không muốn nói đôi khi cả một đời người. Dựa vào tiêu chí phân loại mức sống của quốc gia, mức thu nhập trung bình của người lao động hiện nay chia ra làm 5 nhóm, thấp nhất gần 2 triệu đồng/tháng, cao nhất khoảng 12 triệu đồng/tháng. Thu nhập người dân TP.HCM ngày càng được cải thiện, nhưng chênh lệch thu nhập giữa nhóm cao nhất và thấp nhất là khá xa, khoảng 6,5 lần. “Nếu trừ hết các chi phí ăn ở, chữa bệnh, đi lại còn khoảng 30% thu nhập thì người dân phải mất 43 năm thu nhập mới có đủ tiền mua căn hộ trong điều kiện giá nhà không tăng”, nhóm nghiên cứu nêu rõ.
Nghiên cứu về trường hợp người nghèo nhập cư, nhóm tác giả do ông Sơn Thanh Tùng (Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) làm trưởng nhóm cũng chỉ ra, ngoài yếu tố giá cả đất đai, nhà ở ngày càng tăng cao, những chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp và các hỗ trợ riêng cho người nghèo đô thị để cải tạo nhà ở cũng đòi hỏi những chứng minh tài chính sẽ là một rào cản lớn khiến họ không quan tâm đến các chính sách. Qua khảo sát, khoảng 40% hộ nghèo nhập cư không quan tâm tới các thủ tục cho vay nhà ở, hơn 43% cho rằng việc bỏ bớt các thủ tục chứng minh tài chính là cần thiết, tỷ lệ này cao hơn 10% so với các hộ nghèo tại chỗ. Tỷ lệ cũng tương tự đối với đánh giá về sự cần thiết của việc gia tăng những hỗ trợ tài chính về nhà ở.
“Hiện tỷ lệ hộ nghèo từ các tỉnh khác đến sinh sống cư trú tại TP.HCM hơn 16%. Tỷ lệ hộ nghèo nhập cư đang ở nhà thuê chiếm hơn 24%, hộ nghèo là dân tại chỗ có tỷ lệ ở nhà thuê chỉ chiếm 1,6% cho thấy nhu cầu nhất định đối với nhà ở và nhà thuê. Tuy nhiên, chính sách về nhà ở cho nhóm đối tượng này không có nhiều giá trị vì họ không có khả năng chứng minh tài chính. Trong khi, họ cũng cần được quan tâm về điều kiện nhà ở vì chỗ ở được coi là tiêu chí quan trọng cho bộ mặt và chất lượng sống đô thị cũng như tiêu chuẩn sống cơ bản của dân cư”, nhóm này cho biết.
Khuyến khích căn hộ cho thuê 49 năm
Phát triển nhà ở có vai trò quan trọng trong sự phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội. Thời gian tới TP.HCM sẽ đẩy mạnh loại hình nhà ở chung cư, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê và khuyến khích phát triển nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp. Theo chương trình phát triển nhà ở TP, giai đoạn 2021-2025 là 45 triệu m2 sàn nhà ở và tăng lên đến 50 triệu m2 sàn ở giai đoạn 2026-2030 (tương đương hơn 1 triệu căn).
Tuy nhiên, để người có thu nhập thấp thực sự mua được căn nhà hoặc cải thiện chỗ ở, nhiều chuyên gia cho rằng phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ và TP.HCM.
TS. Phạm Phú Quốc, công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM góp ý, cần giải quyết chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển loại hình căn hộ cho thuê dài hạn (49 năm) và tiếp tục ưu tiên phát triển loại hình nhà ở xã hội.
Trong đó, để thúc đẩy dự án phát triển chung cư cho thuê dài hạn, Trung ương cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai, xem xét cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án được quyền thuê đất sạch, trả tiền thuê đất theo từng năm thay vì trả một lần như hiện nay. Đối với TP.HCM, nên xem xét ban hành các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển mô hình này. Cung cấp sản phẩm căn hộ với giá bình dân cho mọi đối tượng trong xã hội và xem xét bổ sung các quy định có liên quan nhằm đảm bảo lợi ích của người thuê và người cho thuê.
Còn ở loại hình nhà ở xã hội, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án thông qua rà soát và đề xuất cải tiến chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn phát sinh, trong đó có việc tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội.
TS. Phạm Phú Quốc nhấn mạnh: “TP cần tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực thi chương trình nhà ở xã hội hàng năm trên từng đối tượng, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, tiến hành chủ trương ưu đãi đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư loại hình căn hộ cho thuê dài hạn do chủ đầu tư tư nhân thực hiện”.
Ở góc độ quản lý, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, cần có các cơ chế khuyến khích hơn nữa nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Trên cơ sở chủ yếu sử dụng vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và một phần vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà thuộc sở hữu Nhà nước, từ đó cho các hộ gia đình khó khăn ở thuê nếu không thuê hoặc mua được nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Mặt khác, hiện nay chưa có quy định về quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các khu đất do Nhà nước quản lý và chưa có nguồn vốn ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, do đó Bộ Xây dựng nên sớm có hướng dẫn này. Phối hợp với các bộ ngành Trung ương tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư dự án, kể cả người dân vay. Cùng với đó, triển khai việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội.
Bài, ảnh: Phương Minh
Bình luận (0)