Đầu tháng tới, giá bán lẻ điện bình quân sẽ là 948,5 đồng cho mỗi kWh, tăng 8,92% so với năm 2008. Đợt tăng giá này được coi là bước đệm để năm 2010, giá điện được “thả” theo thị trường, có lên có xuống.
Đề án giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt hôm 12/2. Trong đó, giá bán điện được tính toán trên cơ sở chi phí đầu vào, giá xăng dầu, tác động đến các hộ tiêu dùng, sản xuất, chỉ số CPI và những tác động tới tốc độ tăng trưởng GDP.
Trong đó, giá điện sinh hoạt được chia theo bậc thang từ 1kWh đến 50kWh, thay cho cách tính 100kWh đầu tiên như hiện hành. Cách tính mới này được căn cứ trên chính sách hỗ trợ giá cho những hộ thu nhập thấp, sử dụng điện ít. Mức hỗ trợ cho cách tính bậc thang này bằng khoảng 35-40% giá điện bình quân 948,5 đồng cho mỗi kWh.
Biểu giá bậc thang cho điện sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong cả nước cho những vùng được cấp điện từ lưới điện quốc gia, không phân biệt giữa các tổ chức kinh doanh bán điện tại khu vực nông thôn.
Đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chưa đủ điều kiện thực hiện bán lẻ theo biểu giá điện sinh hoạt bậc thang này thì tạm thời áp dụng giá trần điện nông thôn hiện hành là 700 đồng cho mỗi kWh. Tuy nhiên, chậm nhất vào ngày 1/9 các đơn vị này phải chuyển sang thực hiện giá bán lẻ bậc thang theo mức giá điện sinh hoạt áp dụng thống nhất trên cả nước.
Bắt đầu từ năm 2010, từng bước áp dụng giá trần bán lẻ điện cho các khách hàng sản xuất và dịch vụ; cho phép các Công ty điện lực dần được bán điện cho khách hàng theo giá thỏa thuận dưới giá trần quy định tùy thuộc quy mô sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan điều tiết điện lực. Riêng giá điện cho sinh hoạt những nơi nối lưới điện quốc gia vẫn áp dụng giá thống nhất toàn quốc do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép áp dụng quy chế giá cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Trong đó, mức tiêu thụ điện ít hơn hoặc bằng 50 kWh một tháng sẽ được khấu trừ trực tiếp từ hóa đơn tiền điện hàng tháng (ở những nơi điều kiện kỹ thuật cho phép).
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần bao gồm giá công suất và giá điện năng cho các đối tượng thích hợp ở những nơi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Hàng năm, Bộ Công Thương căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành điện và mặt bằng giá chung, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định việc điều chỉnh tăng hoặc giảm giá điện theo cơ chế thị trường. Trường hợp mức điều chỉnh này thấp hơn hoặc bằng 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt của năm trước, Tổ điều hành giá bán điện thẩm định trình Bộ trưởng Công Thương phê duyệt. Còn nếu mức điều chỉnh giá bán điện của năm sau cao hơn 5% so với giá của năm trước thì Bộ Công Thương xem xét và trình, Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định, tăng giá điện là việc không thể đừng. Nếu không tăng, ngành điện rất khó thu xếp vốn để đầu tư và như vậy về lâu dài tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra. Không có điện dự phòng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt sản xuất và an ninh quốc phòng.
Theo ông Hào, trong giai đoạn đầu 2009, mức tăng cho phép chỉ dưới 10% để tránh gây sốc cho người tiêu dùng. Còn nếu tính đúng, tính đủ thì giá có thể tăng tới 30% hoặc 20% theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Quan điểm của Bộ Công Thương là trong điều kiện giá xăng và giá than ổn định ở mức thấp, sẽ áp dụng mức tăng giá điện khoảng 8%. Nếu giá than tăng 20%, giá dầu ở mức 50 USD/thùng, mức tăng giá điện từ 8,1% đến 8,3%. Nếu giá than tăng 40% thì mức tăng giá điện gần 10% chắc chắn phải áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cách tính với 100 kwh đầu, người dân được hưởng mức giá thấp bị bãi bỏ, thay vào đó tính theo nấc thang 50kwh. Đây là bước điều chỉnh không gây sốc, chỉ để người dân và xã hội quen dần với điện theo giá thị trường. Việc điều chỉnh này tác động không đáng kể tới sự phát triển kinh tế xã hội. Với người dân dùng đến 300 kwh mỗi tháng, họ cũng sẽ chỉ phải chi thêm tiền điện khoảng 30.000 đồng một tháng. Tuy vậy, ông Đỗ Hữu Hào cũng khẳng định, sau này, đề án giá điện sẽ cho phép điều chỉnh giá tăng, giảm theo biến động giá đầu vào, như giá dầu, khí, than…
Theo phương án giá điện được áp dụng từ 1/1/2007 đến nay, giá điện sinh hoạt bậc thang, trong đó 100 kWh đầu tiên là 550 đồng cho mỗi kWh. Mức giá này được áp dụng cho tất cả các hộ sử dụng; Giá giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn là 390 đồng một kWh và giá trần điện sinh hoạt nông thôn là 700 đồng một Wh.
Từ 101-150 kWh tiếp theo áp dụng mức tăng bậc thang 23%, từ 151- 200 kWh mức tăng 21%; tăng 19% đối với bậc thang 201-300 kWh; tăng 23% đối với bậc thang 301-400 kWh và tăng 27% đối với bậc thang 400 kWh trở lên.
Hồng Anh (Theo VNE)
Bình luận (0)