Trong cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 31-10, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các công ty xăng dầu Mỹ hoặc giảm lợi nhuận bằng cách hạ giá bán lẻ cho người dân, hoặc phải đóng thuế cao hơn với phần lợi nhuận lớn thu được.
Ngày 31-10, giá xăng tại Mỹ là 3,76 USD/gallon, giảm từ mức kỷ lục hơn 5 USD vào tháng 6 nhưng vẫn cao hơn so với một năm trước, theo dữ liệu của công ty bảo hiểm AAA. Trước đó, ông Biden cho biết mục tiêu của mình là bổ sung dự trữ sau khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) về mức khoảng 70 USD/thùng.
Ông Biden nói: "Ngành công nghiệp dầu mỏ đã không đáp ứng được cam kết đầu tư vào Mỹ và hỗ trợ người dân Mỹ". Theo ông, họ không chỉ tạo ra "lợi nhuận vừa phải" mà là "lợi nhuận cao đến mức khó tin". Thế nên các doanh nghiệp có trách nhiệm phải hành động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về giá xăng và lợi nhuận của các công ty xăng dầu tại Nhà Trắng vào ngày 31-10. Ảnh: Reuters
Ông Biden cho rằng nếu họ chuyển những khoản lợi nhuận đó cho người tiêu dùng, giá xăng sẽ giảm khoảng 50 xu. Nếu không, họ sẽ phải trả mức thuế cao hơn đối với phần lợi nhuận vượt quá và đối mặt với các hạn chế khác.
Về khả năng đánh thuế cao hơn, nhóm chuyên trách của tổng thống Mỹ sẽ bàn các phương án với quốc hội.
Còn một tuần nữa cho đến khi người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho bầu cử giữa nhiệm kỳ. Các chuyên gia năng lượng tin rằng cho dù đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát quốc hội thì việc thông qua luật đánh thuế các công ty năng lượng với lợi nhuận vượt mức có thể sẽ rất khó khăn.
Nhà Trắng đã xem xét các đề xuất đánh thuế lợi nhuận này trong nhiều tháng. Vào tháng 7, Anh thông qua mức thuế 25% đối với các nhà sản xuất dầu và khí đốt ở biển Bắc. Chính sách trên dự kiến huy động được 5,95 tỉ USD trong một năm để giúp những người đang gặp khó khăn với phí hóa đơn năng lượng tăng cao.
Theo hãng tin Reuters, những công ty năng lượng khổng lồ toàn cầu, bao gồm Exxon Mobil và Chevron, mới công bố một đợt lợi nhuận hàng quý lớn.
Tàu chở dầu Aframax Suvorovsky Prospect, mang cờ Liberia, đã cập cảng Matanzas, Cuba, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters
Cũng theo Reuters, Nhóm G7 (gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada) và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp trần giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5-12, để trừng phạt Nga vì khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 31-10 cho biết xăng dầu của Nga nếu được xuất cảng trước ngày 5-12 và đến nước nhập khẩu trước ngày 19-1-2023 sẽ không bị áp giá trần. Mức giá trần cụ thể thế nào vẫn đang được phương Tây bàn bạc. Nguồn tin của Reuters biết mức trần sẽ được xác định phù hợp với mức trung bình lịch sử là 63-64 USD/thùng.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Bình luận (0)