Sáng 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo về việc quán triệt bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài
Tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến sáng 3/10, thế giới ghi nhận gần 34,8 triệu người mắc COVID-19, trên 1 triệu người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam trải qua 2 đợt chống dịch lớn vào tháng 3 và tháng 7/2020; hiện ghi nhận 1.096 người mắc và 35 người tử vong. Đến nay, 30 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; 1.020 người được điều trị khỏi.
“Trên thế giới, chưa có nước nào tự tin có thể phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất. Các trường hợp nhiễm mới đều có xu hướng tăng lên từng ngày. Dự báo, mùa đông năm 2020 tương đối khốc liệt trong công tác phòng, chống dịch của các nước trên thế giới do chưa có vắcxin điều trị rộng rãi,” Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định nguy cơ lây nhiễm vẫn thường trực tại các địa phương do vẫn còn mầm bệnh trong cộng đồng; nguồn bệnh từ người nhập cảnh (hợp pháp hoặc trái phép; từ hàng hoá, phương tiện nhập khẩu chứa mầm bệnh).
Trong khi đó, thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan; người dân, chính quyền đã có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Về các giải pháp phòng, chống dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục kiên định các biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với nhiệm vụ chính là tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài. Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý trường hợp nhập cảnh là chuyên gia theo Công văn số 4995/BYT-DP ngày 21/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế.
Đồng thời, việc kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, khai báo y tế bắt buộc thực hiện nghiêm; khuyến cáo sử dụng ứng dụng khai báo, truy vết; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ chuyến bay thương mại.
Các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế tiếp tục được quản lý chặt, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
Về công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành Y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới, đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực “an toàn.”
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.
Hơn 100 cơ sở có khả năng xét nghiệm trên cả nước tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực xét nghiệm hiện có để sẵn sàng nhận mẫu, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
Khi phát hiện các ca nhiễm ở cộng đồng, các địa phương cần thực hiện quyết liệt nguyên tắc phòng chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để, dập dịch” nhằm hạn chế tác động đối với phát triển kinh tế-xã hội cũng như an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Bên cạnh việc ban hành hướng dẫn phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế của Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục truyền thông về dịch bệnh, trong đó chú trọng truyền thông về việc thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Phối hợp chặt chẽ, chủ động ứng phó với dịch bệnh
Trước nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị cần có chính sách, chế độ hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu (biên phòng, y tế…) đang ngày đêm chống dịch; đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để địa phương chủ động phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Các địa phương rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch của Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… kịp thời có phương án cụ thể để ứng phó trong trường hợp tương tự, đặc biệt trong bối cảnh đất nước dần mở cửa trở lại.
Trước dự báo tình hình tiếp nhận công dân Việt Nam trở về nước, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ Công an chỉ đạo toàn diện lực lượng, bám sát chủ trương.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cho rằng việc quản lý người nhập cảnh rất vất vả, đặc biệt trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, trong đó, nhiệm vụ chính của lực lượng công an, y tế và chính quyền địa phương.
Với vai trò nòng cốt của lực lượng công an, đặc biệt công an chính quy ở cấp xã trong tổ công tác phòng, chống dịch/mô hình tự quản tại các địa phương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương có phương án cụ thể, đảm bảo an ninh-trật tự; phối hợp với các đơn vị, chức năng để quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam; kiểm soát, hạn chế nguồn lây trong cộng đồng.
Xây dựng tiêu chuẩn an toàn trước diễn biến dịch bệnh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, theo các chuyên gia trên thế giới, một số bài học kinh nghiệm đúc rút trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đó là đeo khẩu trang thường xuyên là phương án chống dịch đơn giản, hiệu quả nhất; công tác phát hiện nhanh, truy vết, cách ly có tính chất quyết định mức độ lan của dịch; giãn cách xã hội nhằm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Đây cũng là những biện pháp được Việt Nam triển khai sớm, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trong nước.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắcxin điều trị. Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh đến kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn.
Qua các đợt phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương cùng tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả, minh bạch, kịp thời các biện pháp nhằm khoanh vùng, dập dịch; thực hiện "mục tiêu kép" Chính phủ đề ra, kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
Bên cạnh thực hiện nghiêm nghiêm 5 nguyên tắc phòng, chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để, dập dịch,” Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thường xuyên làm việc với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để nghiên cứu, phân lập chủng virus SARS-CoV-2; chia sẻ phác đồ điều trị, nghiên cứu vắcxin, test thử…; hỗ trợ các nước phòng, chống dịch và nhận sự hỗ trợ của các nước…
Trên cơ sở xác định 4 nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng tiêu chuẩn an toàn trước yêu cầu sống chung an toàn với dịch bệnh.
“Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn) vừa ra mắt vào 1/10, nhằm mục đích kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Bản đồ thể hiện công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở công cộng, nơi tập trung đông người.
Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các trường học và cơ sở y tế. Theo đó,các cơ sở y tế, giáo dục thường xuyên sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống COVID-19 trên cơ sở các tiêu chí Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương đề ra.
Tiếp đó, dựa vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế, các bộ, ngành, địa phương xây dựng danh mục công việc cụ thể, đánh giá ở 3 mức độ (an toàn/có rủi ro/không an toàn) nhằm thực hiện phòng, chống dịch theo khung thời gian nhất định. Bản đồ được triển khai, nhân rộng đến các khách sạn, trụ sở làm việc, nhà máy, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng…
Hiện, Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện công cụ này. Các cấp xã, phường được cấp tài khoản để cập nhật tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từng địa phương, cơ sở.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập trung triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, qua đó theo dõi sức khỏe người già, người có bệnh nền, người có nguy cơ mắc COVID-19…; đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa; lập hệ thống khám bệnh trực tuyến; tập trung khuyến nghị người dân cách phòng, chống dịch ở công cộng… trong điều kiện tình hình mới./.
Bình luận (0)