“Sở GD-ĐT TP.HCM rất hoan nghênh, ủng hộ và đánh giá cao các chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh của Báo Giáo dục TP.HCM. Đây là các hoạt động rất thiết thực, không chỉ hỗ trợ hiệu quả ngành GD-ĐT TP thực hiện tốt công tác hướng nghiệp bậc THPT mà còn đem lại cơ hội, cung cấp thông tin ngành nghề, tuyển sinh chính thống từ các giảng viên chuyên gia uy tín để tư vấn cho học sinh…”, ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định trong chương trình Khai mạc Hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021, diễn ra sáng 10-10 tại Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh).
Đại diện Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT tặng hoa chúc mừng
Chương trình do Sở GD-ĐT TP.HCM, Báo Giáo Dục TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo Phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM (UEF).
Chương trình có sự tham dự của Ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Lê Thắng Lợi – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo Phía Nam, Bộ GD-ĐT; Ông Nguyễn Công Kỳ- Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo Phía Nam, Bộ GD-ĐT; TS. Dương Tôn Thái Dương – Phó Trưởng ban Đại học, ĐHQG TP.HCM; Nhà báo Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức; Nhà báo Trần Văn Mạnh – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Phó Trưởng Ban tổ chức; Ông Đỗ Thanh Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và Thông tin thị trưởng lao động TP.HCM cùng nhiều chuyên gia tư vấn hướng nghiệp uy tín…
Hoạt động ý nghĩa thiết thực
Nhà báo Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức chương trình, cho biết “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” là chương trình thường niên được Báo Giáo Dục TP.HCM chăm chút tổ chức định kỳ mỗi năm, nhằm cung cấp thông tin, tư vấn giúp học sinh THPT, Trung tâm GDNN – GDTX, Trung tâm GDTX có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc lựa chọn ngành học, trường học tương lai phù hợp với khả năng, năng lực, sở thích bản thân, qua đó tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, đóng góp được nhiều cho xã hội. “Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh THPT bước vào ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề. Nhiều phụ huynh, học sinh coi những tư vấn của giáo viên là kim chỉ nam trong định hướng chọn ngành, chọn nghề, tuy vậy vẫn không có ít học sinh mơ hồ, chọn theo bạn bè, theo quan điểm ngành hot, trường hot dẫn đến hậu qủa ngồi nhầm ngành, nhầm trường, khó khăn tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Từ những tư vấn, chia sẻ của các chuyên gia giáo dục nhiều kinh nghiệm, chương trình sẽ cung cấp thêm các thông tin hướng nghiệp đến giáo viên, đưa ngành nghề đến gần với học sinh, phụ huynh, hỗ trợ các em chọn được ngành học, bậc học đúng năng lực, sở thích, điều kiện gia đình, thích ứng với đòi hỏi của xã hội”, ông Tú khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu
Tham dự và phát biểu tại chương trình Khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu (Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá cao các chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp của Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức trong nhiều năm qua. Theo ông Hiếu, đây là các hoạt động rất thiết thực, không chỉ hỗ trợ hiệu quả ngành GD-ĐT TP thực hiện tốt công tác hướng nghiệp bậc THPT mà còn đem lại cơ hội, cung cấp thông tin ngành nghề, tuyển sinh chính thống từ các giảng viên chuyên gia uy tín để tư vấn cho học sinh. “Sở GD-ĐT TP.HCM rất hoan nghênh, ủng hộ chương trình. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của cuộc CMCN 4.0, xu hướng ngành nghề thay đổi, nhiều ngành nghề truyền thống mất đi hoặc thay đổi, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đòi hỏi học sinh, nhà trường phải tăng cường thêm nhiều kênh thông tin. Do vậy, mỗi học sinh phải tranh thủ tận dụng, coi chương trình như một kênh để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích, giúp bản thân chọn được ngành nghề phù hợp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP tặng hoa cho các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập, Trưởng ban tổ chức tặng hoa cho đại diện Trường THPT Trần Văn Giàu và các đơn vị đồng hành
Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu tại buổi khai mạc
Năm 2020, “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” dự kiến sẽ đi qua trên 100 trường THPT tại TP.HCM cùng hơn 200 trường THPT tại các tỉnh thành miền Đông Nam bộ.
Chọn ngành nghề theo tiêu chí nào?
Chia sẻ đến học sinh về các tiêu chí lựa chọn ngành nghề, TS. Dương Tôn Thái Dương (Phó Ban Đại học, ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ rõ, để lựa chọn ngành học phù hợp người học cần căn cứ một cách đầy đủ, chính xác vào năng lực học tập, tính cách, sở thích bản thân, điều kiện gia đình. “Để hiểu về những tiêu chí này thì công tác hướng nghiệp cực kỳ quan trọng. Trong hệ thống giáo dục quốc dân không chỉ có ĐH mà còn có TC nghề, TCCN, CĐ, bậc học nào cũng có giá trị, chỗ đứng trong xã hội. Quan trọng là bản thân các em phải hiểu được các tiêu chí bản thân để lựa chọn bậc học phù hợp nhất…”.
Các chuyên gia đang tư vấn chung cho học sinh
Theo TS. Dương, hiện có 6 nhóm ngành nghề chính đang được các trường ĐH, CĐ, TC đào tạo, bao gồm: Kỹ thuật công nghệ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Kinh tế- Luật, Sư phạm, Khoa học sức khỏe. Việc tuyển sinh của các trường thường theo 3 hình thức lớn: xét tuyển (kết quả THPT, điểm thi THPT), thi tuyển (năng khiếu/ đánh giá năng lực); kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. “Năm 2020, 70% thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, hướng nghiệp sớm sẽ giúp các em nhận thức về tương lai. lựa chọn đúng đắn nghề nghiệp”.
Bổ sung thêm về các tiêu chí về lựa chọn ngành nghề, TS. Nguyễn Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH&CN TP.HCM cho rằng, yếu tố đầu tiên và tiên quyết để người học chọn được ngành học phù hợp đó là việc hiểu được mình. “Hiểu mình là hiểu về tính cách bản thân, hiểu mình muốn gì, có năng lực, sở thích gì để không chọn đại theo bạn bè, không chọn ngành nghề theo cảm tính nghe nói, nghe đồn… mà phải nhận diện được mình, phân biệt được bản thân thuộc xu hướng nào, rồi mới đưa ra quyết định lựa chọn”.
Thông tin về nguồn nhân lực trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn – Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực – cho hay nhu cầu ngành nghề tương lai rất đa dạng. Tương lai sẽ có khoảng 9 nhóm ngành đòi hỏi lớn về nguồn nhân lực, như: Khoa học máy tính, truyền thông; cơ khí, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, cônng nghệ cao; kiến trúc, môi trường, vật liệu xây dựng, thiết kế; kinh tế thương mại, quản trị kinh doanh; du lịch nhà hàng khách sạn ; khoa học xã hội; chăm sóc sắc đẹp… “Song những nhân lực này phải là nhân lực chất lượng cao, có khả năng ứng dụng CNTT vào công việc để đáp ứng được với yêu cầu của ngành nghề trong kỷ nguyên mới”, ông Tuấn lưu ý.
Học sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn
Cung cấp tổng quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và các phương thức xét tuyển, TS. Nguyễn Đức Nghĩa – chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh – cho hay đa phần khi học xong THPT học sinh đều đăng ký xét ĐH. Việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vẫn chiếm đến 90%. Mặc dù vậy, chỉ tiêu xét tuyển của các trường ĐH dành cho phương thức này lại đang giảm. Năm 2020 chỉ tiêu của phương thức này chỉ ở ngưỡng trung bình 55% so với năm trước là trên 70%, trong khi phương thức xét học bạ THPT lại dần phổ biến. “Năm 2021 tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ nhịp ổn định. Thí sinh có thể chọn vào ĐH bằng nhiều phương thức khác nhau. Tuy vậy, nếu cảm thấy sức học, điều kiện gia đình không phù hợp thì các em nên mạnh dạn rẽ hướng sang nghề – đây cũng là định hướng hướng nghiệp của Chính phủ…”.
Học một ngành làm được nhiều nghề
Không chỉ chia sẻ đến học sinh về định hướng lựa chọn ngành nghề, ngay trong lễ Khai mạc, chương trình đã giải đáp, làm rõ hơn nhiều thông tin về ngành nghề, cung cấp góc nhìn bao quát, toàn diện về cơ hội việc làm ở các ngành nghề đến đông đảo học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu.
Học sinh Trường THPT cùng tham gia tiết mục văn nghệ cùng ca, nhạc sĩ Sỹ Luân
Trước băn khoăn của học sinh về ngành Ngôn ngữ Anh, ThS. Trần Hải Nam – Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, HUTECH thông tin, ngoại ngữ là công cụ hàng đầu để kết nối thế giới, phổ biến và thông dụng là ngành ngôn ngữ Anh. Ngành học phù hợp với những người có năng lực ghi nhớ và tư duy tốt, trang bị cho người học kỹ năng nghe nói và các kỹ năng ứng với từng lĩnh vực để phục vụ công việc. “Trong khung chương trình hiện nay có khoảng 400 ngành đào tạo nhưng có tới trên 3.000 nghề tương ứng. Điều này có nghĩa là học 1 ngành có thể làm được nhiều nghề. Do đó, cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ Anh là rất đa dạng…”.
Giải đáp quan tâm của học sinh về ngành Logistics, ThS. Phạm Doãn Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, UEF cho hay, đây là ngành học liên quan đến chuỗi cung ứng, cơ hội việc làm rất lớn, được đào tạo tại nhiều trường ĐH, mỗi trường sẽ có những chính sách riêng để hỗ trợ sinh viên tiếp cận với ngành nghề. “Hiện nay các trường ĐH rất đa dạng về phương thức xét tuyển, tạo điều kiện cho người học chọn được ngành học, trường học phù hợp. Các phương thức xét tuyển dù độc lập nhưng học lại như nhau vì thế khi quan tâm đến ngành học nào, trường học nào thì các em nên cân nhắc chọn phương thức xét tuyển. Xác định kỹ nhập học sớm để tăng cơ hội trúng tuyển. Quan trọng nhất vẫn là tố chất, năng lực phẩm chất cá nhân phù hợp với ngành”, Th.S Nguyên chỉ rõ.
Các trường tư vấn riêng cho học sinh
ThS. Nguyên nhấn mạnh, ngay cả những ngành có nhiều người theo học, cơ hội việc làm cũng vẫn rộng mở. Điều cần thiết là người học phải hình dung bức tranh của ngành nghề để có sự lựa chọn, định hướng. Căn cứ vào năng lực phẩm chất cá nhân để tăng sức cạnh tranh, tìm kiến cơ hội nghề nghiệp.
Trong khi đó, dành lời khuyên cho những học sinh quan tâm đến du học, bà Điểu Thị Kim Vân – Đại diện Du học North American Trust lưu ý, con đường du học là một lộ trình để tìm hiểu, chuẩn bị chứ không phải là một tháng, hai tháng là có thể định hướng được. Người học phải căn cứ trên nhiều yếu tố, từ năng lực, trình độ Tiếng Anh, điều kiện tài chính gia đình cũng như nguyện vọng phát triển ngành nghề của bản thân để lựa chọn.
Bài, ảnh: Yến Hoa – Trọng Tri
Bình luận (0)