Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM về kết quả kỳ thi TS 10 năm 2020, số thí sinh có điểm dưới trung bình môn Toán là 48,63%, môn Tiếng Anh là 49,27%. Riêng môn Ngữ Văn chỉ có 5,76% thí sinh dưới trung bình.
Một hoạt động giao lưu văn hóa, tiếng Anh giữa học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) và học sinh Singapore
Như vậy, so với kỳ thi TS 10 năm 2019, kết quả này được coi là nhỉnh hơn khi con số thí sinh có điểm dưới trung bình môn Toán, Tiếng Anh đều giảm (môn Toán năm 2019 là 49,62%; Tiếng Anh là 58,4%) trong khi đó số thí sinh dự thi năm nay cao hơn năm trước gần 3.000 thí sinh.
Tuy nhiên, đề thi năm nay được đánh giá là “dễ thở” và “cởi mở” hơn so với năm trước. So với đánh giá ban đầu về đề thi, kết quả này được nhiều giáo viên nhận định là không cao. Vì đề thi ra theo hướng mở, thực tế, nhìn nhận một cách khách quan, kết quả bài thi cũng phản ánh phần nào “lộ trình” đổi mới của từng đơn vị nhà trường.
Đổi mới chưa đồng bộ, vướng… nhiều khâu
Trong lộ trình đổi mới giáo dục, nhiều năm trở lại đây, TP.HCM đã tiên phong trong đổi mới kiểm tra, đánh giá. Trong các đề thi TS hàng năm, Sở GD-ĐT luôn mạnh dạn “làm mới”, đưa những kiến thức thực tế vào trong đề thi, ngoài kiến thức môn học, còn chú trọng đến phát triển tư duy, kỹ năng, sự sáng tạo của học sinh.
Không chỉ thể hiện trong đề TS, đối với bậc THCS, việc đổi mới được Sở GD-ĐT thực hiện có lộ trình khi trong nhiều năm qua luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các trường chủ động, linh hoạt đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra, đánh gía học sinh ở tất cả các môn học, nhằm tiệm cận với việc đổi mới thi cử, kiểm tra của Sở và cũng là sự chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 sẽ được triển khai từ năm học 2021-2022 ở bậc lớp 6.
Song, trên thực tế, bên cạnh những đơn vị chuyển mình, vẫn còn nhiều trường THCS “dậm chân tại chỗ”, đổi mới chỉ được làm “cho có làm”, không có sự quyết liệt từ lãnh đạo, giáo viên nhà trường. Học sinh sẽ vẫn là đối tượng thiệt thòi với những kiểu đổi mới nửa vời, khi học chưa “tiệm cận” với thi, kết quả phản ánh thực tế ngay ở kết quả bài thi.
“Khi mà đổi mới vẫn chỉ là khuyến khích, tức là làm cũng được, không làm cũng không sao, nhiều giáo viên còn e ngại đổi mới, đặc biệt là những giáo viên không còn trẻ, không có kỹ năng về CNTT. Ngay trong mỗi nhà trường, việc đổi mới cũng chưa thật sự đồng bộ tất cả các môn học, ở các giáo viên. Thậm chí, nhiều trường giáo viên muốn đổi mới lại vấp phải rào cản từ lãnh đạo”, giáo viên Ngữ Văn một trường THCS Q.3 thẳng thắn.
Từng “treo” rất nhiều “chính sách” ưu đãi để giáo viên đổi mới trong giảng dạy, song cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cũng phải thừa nhận, chỉ có một bộ phận giáo viên “chịu làm và dám làm”. Ngoài giáo viên, điều ảnh hưởng đến việc đổi mới giảng dạy, cô Trang cho rằng đó còn là tư duy của phụ huynh, học sinh. “Trái với mong muốn đổi mới của nhà trường thì vẫn còn một bộ phận phụ huynh không muốn con em mình tham gia vào những chuyên đề, dự án, những tiết học trải nghiệm mà muốn các em tập trung vào việc học. Ở phía học sinh, nhiều em vẫn có tư duy học tủ, học vẹt, học dập khuân theo những ý của thầy cô mà chưa dám bước ra ngoài vòng an toàn của bản thân. Nhiều em chưa chủ động trang bị cho mình những kỹ năng bằng cách tham gia vào các hoạt động đoàn, đội, hoạt động phào của trường”. Từ việc yếu về kỹ năng, cô Trang nhìn nhận, học sinh sẽ đâm ra “sợ” các bài Toán thực tế có yếu tố lời văn, đề cập đến các vấn đề thực tế đời sống. “Khi đã yếu về các kỹ năng thực tế, đứng trước một bài toán dài, nhiều học sinh sẽ thiếu kiên nhẫn để đọc, để phân tích và đưa ra lời giải”.
Chung nhìn nhận, Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.2 cũng tâm tư, trong lộ trình đổi mới của nhà trường cũng “vấp” phải quan điểm trái chiều từ phía phụ huynh. Nhiều phụ huynh quan điểm rằng, những đổi mới này là “thừa giấy vẽ voi”, là “trải nghiệm” chứ không phải là “học”. “Đầu mỗi năm học, lãnh đạo nhà trường, GVCN các lớp phải nói rất nhiều với phụ huynh về những đổi mới này, đưa ra các lộ trình trong suốt năm học. Để làm minh chứng cho hụ huynh thấy rằng đổi mới giảng dạy, học tập gắn liền với kiểm tra, đánh giá, nhà trường cũng mạnh dạn từng bước đưa các đề kiểm tra mang hơi hướng thực tế vào trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Không quá nhiều nhưng cũng phải có để hướng tới sự đồng bộ trong đổi mới giáo dục ở cả 3 bên nhà trường, giáo viên; học sinh; phụ huynh”.
Không nôn nóng
Nhìn từ đề thi TS 10 TP.HCM năm 2020 và ngược trở lại vài năm trở về trước, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, việc đổi mới trong cách ra đề thi không phải chỉ mới được Sở thực hiện trong năm nay và Sở cũng không thực hiện đột ngột mà làm có lộ trình, từng bước. Xuyên suốt các năm học, Sở đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn nhà trường, giáo viên làm rõ hơn công tác đổi mới giảng dạy, kiểm tra đánh giá, thực hiện bám sát những quy định của Bộ GD&ĐT đổi mới phương pháp, kiểm tra, đánh giá theo tinh thần của Thông tư 4612/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, chứ không chỉ dừng ở mức hô hào, kêu gọi.
“Mặc dù vậy, không phải đơn vị nào, giáo viên nào cũng thực hiện đổi mới một cách bài bản, ở các đơn vị khác nhau việc đổi mới cũng có hiệu quả khác nhau. Việc ra đề thi TS theo hướng mới, mở, lồng ghép nhiều yếu tố thực tế vào là cách Sở cụ thể hóa hơn việc đổi mới trong giảng dạy của các nhà trường. Là bước làm đồng bộ, song song trong đổi mới toàn diện, gắn giữa đổi mới trong giảng dạy ở trường với đổi mới kiểm tra, đánh giá”.
Theo ông Tân, khi thể hiện việc đổi mới trong đề thi TS 10, Sở mong rằng sẽ tạo ra hiệu ứng “tác động ngược trở lại” đối với từng đơn vị nhà tường, từng giáo viên, để các thầy cô và nhà trường chuyển biến “đổi mới” một cách kiên quyết. Đây cũng là cách để từng nhà trường, từng thầy cô chủ động chuẩn bị cho Chương trình 2018, chứ không phải đợi “nước đến chân mới nhảy”.
“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là qua đề thi TS mà các trường nôn nóng đổi mới, băn khoăn rằng việc đổi mới năm sau sẽ đòi hỏi cao hơn năm trước. Đổi mới giáo dục là một quá trình, không phải là bước nhảy vọt. Như đã nói, việc đổi mới phải được xây dựng kế hoạch gắn với thực tế năng lực đối tượng học sinh. Song, cần phải kiên quyết thực hiện, có lộ trình từng bước và phải được thực hiện một cách đồng bộ trong nhà trường”, ông Tân nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)