Thời gian qua, dư luận thực sự quan tâm đến câu chuyện hai em học sinh được cha mẹ quyết định cho nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà. Có nhiều ý kiến đa chiều về vấn đề này, có phụ huynh ủng hộ, có phụ huynh lại phản đối kịch liệt…
Chỉ có trường lớp mới có thể xây dựng cho học sinh tình yêu quê hương đất nước qua những bài giảng. Trong ảnh: Một tiết học tại Trung tâm GDTX Tân Phú (TP.HCM). Ảnh: N.Trinh |
Mỗi luồng ý kiến cũng có lập luận riêng. Là một giáo viên nghiên cứu về sự phát triển tâm lý trẻ em, tôi xin được chia sẻ một số ý kiến sau đây:
Thứ nhất, theo tôi phần lớn các bậc phụ huynh ở Việt Nam vẫn theo mô hình dạy học truyền thống cũng như các hình thức dạy học truyền thống, trong đó hình thức bài giảng (bài – lớp) diễn ra ở trường vẫn là hình thức chủ yếu nhất. Hình thức này thường mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Cụ thể, học tại trường, trong đó có hình thức bài giảng là hình thức mà giáo viên truyền đạt kiến thức cho một số lượng người học nhất định, phù hợp khả năng bao quát của mình. Bài giảng được tiến hành theo tiết học, giờ học và được sắp xếp theo chương trình, kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Mục đích bài giảng là trang bị kiến thức mới cho người học. Nội dung bài giảng được kết cấu chặt chẽ theo chủ đề nhất định, tuân theo trình tự, logic nhận thức của người học. Bài giảng thường ở vị trí khởi đầu của quá trình dạy học có vai trò chỉ đạo, định hướng cho các hình thức dạy học khác, trong đó có hình thức tự học ở nhà. Bài giảng giúp cho các em nắm được những tri thức mới một cách có hệ thống, đi sâu vào những vấn đề có tính thời sự và những vấn đề mà thực tiễn đặt ra của khoa học. Ngoài ra, bài giảng là hình thức dễ gây ấn tượng cho người học ban đầu về môn học, một bài giảng tốt giúp cho người học hình thành thái độ, động cơ hứng thú, tích cực học tập môn học trong suốt quá trình học tập. Bài giảng không chỉ là kiến thức khoa học mà còn để lại dấu ấn rất sâu sắc về mặt phương pháp, phong cách cũng như các phẩm chất nhân cách của giáo viên. Đây là hình thức dạy học tiết kiệm thời gian, công sức người dạy và người học, không đòi hỏi lớn về chi phí vật chất, kỹ thuật. Đó là mục tiêu tổng quát.
Đặc biệt, ở hình thức này giúp trẻ phát triển những phẩm chất nhân cách cần thiết mà các hình thức khác khó mà mang lại, như các em có điều kiện để giao tiếp, để thi đua, để học lẫn nhau. Các em hình thành được ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, ý thức và trách nhiệm của học sinh với thầy cô, với bạn bè cùng với những trải nghiệm xã hội. Ngoài ra, các em cũng dễ dàng hội nhập với các bạn cùng lớp, qua đó mà các em hình thành nên những kỹ năng cần thiết trong sự chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, trải nghiệm cùng nhau. Dẫu biết rằng, dạy học theo hình thức này còn những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, mục tiêu và phương châm của mỗi nhà trường, thầy cô đều hướng đến xây dựng một tập thể học sinh phát triển tích cực. Đó cũng chính là mục tiêu chủ yếu. Thật khó để tránh khỏi những áp lực hiện nay khi mà điều kiện kinh tế của giáo viên vẫn còn hạn chế nhất định, thật khó mà tránh được hiện tượng chồng chéo về chương trình hoặc bố trí chưa khoa học. Song, tôi thấy cái được hơn là cái mất. Trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta và trực tiếp từ mỗi gia đình thì hình thức này luôn được nhiều người ủng hộ và nếu như chúng ta tiếp tục đổi mới, tiếp tục bổ sung từng bước hoàn thiện thì bài giảng vẫn luôn là hình thức truyền thống và phổ biến được phụ huynh chủ yếu lựa chọn (tức là các em vẫn mong được học tập ở trường).
Tuy nhiên, hình thức này dễ làm cho người học thụ động mệt mỏi, dễ nhàm chán, phân tán sự chú ý. Nếu thiếu kỹ năng sư phạm thì giáo viên dễ rơi vào lý thuyết đơn thuần, xa rời thực tiễn. Khó đi sâu vào đặc điểm riêng của từng người học (cá biệt hóa). Thậm chí có thể gây ra sự nhàm chán cho học sinh nếu giáo viên không biết cách tổ chức giờ học sinh động.
Thứ hai, đối với hình thức tự học ở nhà. Theo tôi, dù điều kiện thuận lợi thế nào đi nữa thì để phát triển cho con cái một cách toàn diện ngay tại nhà sẽ là một điều khó khăn. Ở độ tuổi tiểu học và trung học thì các em rất cần môi trường hoạt động và giao tiếp; và chính từ hoạt động và giao tiếp thì các phẩm chất nhân cách khác của trẻ mới được hình thành, phát triển một cách tốt nhất. Các em có thể nhiều kỹ năng trong giải quyết việc nhà; các em có thể học được những bài học lễ nghĩa với cha mẹ; các em có thể giao tiếp bằng tiếng nước ngoài rất tốt…, nhưng các em sẽ thiếu hụt với các hoạt động mà chỉ có diễn ra ở bài – lớp, ở trường phổ thông. Đó chính là sự quan tâm, chia sẻ với bạn bè, đó cũng là sự thể hiện lễ nghĩa với thầy cô, đó cũng là sự ảnh hưởng bởi phong cách sư phạm cũng như trình độ, năng lực của người dạy. Chỉ có trường lớp mới có thể để lại cho học sinh những dấu ấn cũng như xây dựng cho các em hứng thú, ý chí quyết tâm, tình cảm trách nhiệm và đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước qua những bài giảng. Thử hỏi, một đứa trẻ hoàn toàn không được đến lớp ngay từ nhỏ thì liệu chúng lớn lên có biết thể hiện thế nào là tình thầy trò hay không? Liệu các em có xây dựng được biểu tượng về “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trường học là gì?… Có những thứ phải trải qua môi trường học đường mới thẩm thấu, mới hình thành được nét tính cách cũng như giá trị đạo đức nền tảng.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận hình thức học tập ở nhà. Nhưng có lẽ điều đó chỉ phù hợp với từng trường hợp. Các em học sinh còn phải học thêm rất nhiều điều ở nhà trường với thầy cô, với bạn bè nữa chứ…
ThS.Tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)