Lớn lên từ làng nghề bún truyền thống, trăn trở trước sự mai một của làng nghề trong lốc xoáy thị trường với nhiều cái khó cản ngăn, ba chàng trai làng Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cùng nhau gác lại giấc mơ về công việc ổn định đúng chuyên môn của tấm bằng đại học để trở về quê, tìm cách nối nghề và phát triển nghề bún của cha ông!
Hữu Vinh, Phước Ánh, Tôn Cảnh (thứ 2, 3, 7 từ trái sang) cùng các công nhân xưởng bún Vạn Linh
Ba chàng ngự lâm trên là Nguyễn Hữu Vinh (cựu SV ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM), Nguyễn Đăng Tôn Cảnh (cựu SV Trường ĐH Kinh tế – ĐH Huế) và Nguyễn Phước Ánh (cựu SV Trường CĐ Kinh tế – Kế hoạch Đà Nẵng). Cả ba chàng trai cùng sinh ra và lớn lên nhờ nghề bún truyền đời của cha ông ở làng nghề bún Linh Chiểu.
1.Tôn Cảnh là thế hệ thứ 4 trong gia đình có nghề làm bún ở Linh Chiểu. Cảnh lớn lên, học hành đỗ đạt đều bằng những đồng tiền từ đôi bàn tay làm bún của ba mẹ. Với Cảnh, nghề bún của gia đình không chỉ là kế mưu sinh, đó còn là niềm tự hào về một tinh hoa nghề được gia đình gìn giữ. Cũng như Cảnh, cả Vinh và Ánh đều có tình yêu nghề bún quê mình. Dù đã trải qua các bậc học đại học, cao đẳng, đã tìm cho mình những công việc phù hợp chuyên môn nhưng trong tâm tư cả ba chàng trai đều nung nấu khát vọng được nối nghề, giữ nghề. Ngày ba chàng trai cùng nhau vác ba lô về làng, trình bày với gia đình ý muốn được xây dựng xưởng sản xuất và sống bằng nghề bún, mọi người đều chững lại và khuyên ngăn: “Nghề bún vất vả. Thức thâu đêm suốt sáng, trăn trở với từng thúng gạo, mẻ bột mới làm ra được sản phẩm nhưng thu nhập lại chẳng được là bao. Đã học tới đại học thì phải thoát khỏi sự cực nhọc mà đời ba mẹ đã trải qua”. Cả ba vẫn một quyết tâm thuyết phục ba mẹ: “Thế hệ chúng con là người nối nghề, giữ nghề, nếu không làm bây giờ thì mai này còn ai giữ nghề truyền thống đã nuôi sống bao thế hệ gia đình mình được?”. Những suy nghĩ chín chắn đó cuối cùng cũng được sự chấp thuận của gia đình. Đó là năm 2016.
2.Cảnh kể, sau thời gian khá dài chuẩn bị cơ sở, kế hoạch, phương thức sản xuất… Lợi thế của ba chàng trai là không lo về nguyên liệu gạo sạch vì gạo được trồng ngay trên cánh đồng quê hương, công thức làm bún được truyền nghề từ gia đình nay chỉ cần áp dụng phương thức sản xuất mới. Bài toán đưa ra là phải sản xuất bún sạch để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến tháng 5-2016, mẻ bún đầu tiên được ra lò. Ban đầu để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, cả ba chàng trai đều phân chia nhau mang từng cân bún một đi giới thiệu sản phẩm. “Phải mất đến nửa năm, tụi em mang từng cân bún tỏa đi khắp thành phố, thị trấn, thị xã, thậm chí tìm ra tận các chợ, đến các quán ăn, các gian hàng thực phẩm sạch để giới thiệu sản phẩm. Mỗi ngày mình đem đến 1 hoặc 2kg. Do hạn sử dụng của bún tươi chỉ có 2 ngày nên sau thời gian đó nếu họ vẫn chưa bán được thì tụi em thu gom về, chấp nhận lỗ miễn sao sản phẩm sạch của mình được biết đến”, Cảnh kể lại. Vượt qua quãng thời gian khó khăn ban đầu bằng nỗ lực và niềm tin bền bỉ, sản phẩm bún tươi của ba chàng trai Linh Chiểu được nhiều người tin dùng, nhiều nơi ở tận Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng… đặt mua. Cảnh cho biết, đến nay mỗi ngày cơ sở sản xuất của nhóm làm ra khoảng 300kg bún tươi. Cơ sở của nhóm có khoảng 15 nhà phân phối và đại lý đặt hàng thường xuyên, chưa kể các mối kinh doanh ở chợ và đại lý nhỏ lẻ.
“Lấy sản phẩm bún tươi làm định vị thương hiệu được xem là chọn lối đi khó. Khó bởi hạn sử dụng của bún tươi quá ngắn. Nếu không có nguồn khách hàng ổn định thì nguy cơ lỗ rất cao. Nhưng chính cái khó mới giúp mình nỗ lực phát huy”, Cảnh nói.
3.Không dừng lại ở đó, sau hơn 3 năm khi sản phẩm bún tươi xây dựng được mạng lưới thị trường ổn định, ba chàng ngự lâm này bắt tay vào các kế hoạch sản xuất bún khô, bột bánh canh. Cảnh cho biết, sau khoảng hơn nửa tháng tung sản phẩm bột bánh canh Vạn Linh ra thị trường, có khoảng 1 tấn sản phẩm đã được bán đi và nhận về những phản hồi, đánh giá tích cực.
Chia sẻ về hành trình giữ nghề, Cảnh, Vinh và Ánh cho biết, nếu nói làm giàu bằng nghề thì đến hiện tại điều đó chưa xảy ra nhưng vẫn có thể sống được với nghề. “Nhóm cùng chung tay để giữ nghề truyền thống bằng phương thức hiện đại với mong muốn giữ gìn tinh túy của nghề đã từng nuôi sống mình và gia đình. Mặt khác, những lớp cha anh dần sẽ già đi, nếu người trẻ không làm thì ai sẽ giữ gìn nghề truyền thống. Đó là chưa kể, nếu một ngày mình là con em làng bún mà phải đi mua bún để ăn thì rất buồn”, Cảnh bộc bạch. Trong tương lai sẽ nghiên cứu lên kế hoạch mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm và đưa sản phẩm đến các chuỗi cung ứng thực phẩm hiện đại.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)