Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần làm đẹp thêm người GV lớp 1

Tạp Chí Giáo Dục

Đón hc sinh lp 1 đu năm hc. Ảnh: I.T

Một lần vào những ngày khởi đầu năm học mới, phụ huynh cũ nhắn tin cho tôi: “Cô ơi, sao bé Bo vào lớp 1  luôn trong tình trạng sợ hãi khi đến trường. Cô có cách nào giúp bé Bo tự tin hơn khi đến lớp không, chứ hiện tại bé Bo mất hết niềm vui khi đến trường rồi, cô giáo lớp 1 của bé Bo nghiêm khắc quá cô ơi”. Người phụ huynh đó nhắn cho tôi hàng loạt tin nhắn trong một buổi sáng đầu tuần như vậy, để chia sẻ bức xúc của mình trong những ngày đầu con của chị vào lớp 1 – là học sinh lớp lá năm học vừa qua của tôi, bắt đầu môi trường học tập của trường tiểu học.

Hơn ai hết, là một người công tác trong ngành giáo dục, ở bậc học mầm non, tôi rất hiểu tâm trạng bức xúc của các bậc phụ huynh. Mong ước chung của tất cả là con mình đến trường vui vẻ, cảm thấy phấn khởi khi đến trường, nhưng nhìn cảnh con của mình không thích đến trường, nhận thức việc đến trường như một sự ép buộc, áp lực. Thì thật sự, làm cha mẹ sao an tâm được khi vào cơ quan công tác. Đó là về phía phụ huynh, còn về phía nhà trường, cô giáo cũng có những khó khăn, trở ngại nhất định riêng, mà theo tôi nhận thấy thì phụ huynh cũng cần phải thấu hiểu chung tay chia sẻ những điều này.

Các cháu khi học ở lớp lá, hai cô trên một lớp từ 45-50 trẻ, mỗi khi vào tiết dạy, một cô ổn định, một cô quản trẻ thì trẻ mới chịu ngồi yên nghe cô nói, hoặc khi lên tiết dạy thì chỉ khoảng chừng 20-25 trẻ, thì sự bao quát lớp học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, cô nói trò nghe, không gian thân thiện ấm áp và gần gũi giữa người dạy và người học. Còn hiện nay, thì rất nhiều trường tiểu học ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, lớp học luôn quá tải sĩ số, do tình trạng tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, các cô giáo tiểu học luôn phải dạy với số lượng học sinh vượt quá quy định, có lớp tới hơn 50 bé. Chỉ cần nhìn vào sĩ số lớp, ở độ tuổi mới bắt đầu vào lớp 1, chưa chịu ngồi yên một chỗ, vì ở bậc học mầm non đã quen với việc vừa học vừa chơi, hoặc một tiết học chỉ thực hiện trong thời gian 25-30 phút. Cho đến khi vào môi trường học tập của tiểu học, chắc chắn việc ổn định cho trẻ chú ý, thì cả lớp mới học được, nên giáo viên đôi khi rất nghiêm khắc, dẫn đến tình trạng trẻ sợ hãi, có khi dẫn đến tâm lý hoảng sợ, không thoải mái tự nhiên khi đi học nữa.

Mà phải thừa nhận một điều rằng, trẻ đi học phải khác hẳn trẻ ở nhà, trẻ đến trường phải tuân thủ theo các nội quy của nhà trường, nhưng hình như cái nếp ấy, lâu nay sự giáo dục ở nhà của cha mẹ vẫn còn rất hạn chế, dửng dưng cho rằng, đó là nhiệm vụ của nhà trường, của giáo viên. Lẽ ra, trước khi cho con vào trường tiểu học, cha mẹ phải tập cho con một số thói quen, nề nếp, nguyên tắc và cả kỷ luật, và sự trách nhiệm với chính bản thân mình, nhưng đổi lại là luôn cho rằng con cái của mình hoàn toàn đúng và hành động theo chiều hướng vì quyền lợi, quan điểm giáo dục cá nhân. Rất nhiều người phụ huynh quên đi rằng, lớp học là một tập thể, và phải có một sự kỷ cương nhất định. Nên hãy cảm thông với giáo viên mà cùng nhau tháo gỡ vấn đề, đưa ra những biện pháp, cách xử lý nhất định, góp ý chân thành để giáo viên kịp thời ứng xử cho phù hợp với chủ đề năm học mới “Trường học hạnh phúc – học sinh hạnh phúc và thầy cô hạnh phúc”.

Giáo viên lớp 1 có những trở ngại và thách thức nhất định khi là người hướng dẫn các cháu ở năm học đầu tiên. Nhưng cũng nên vượt qua những điều đó, mà hãy đặt mình vào vị trí của phụ huynh, của con trẻ mà đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp hơn, nhẹ nhàng hơn, thấu hiểu trẻ nhiều thêm nữa. Cũng như việc giảm tải sĩ số, thành tích học tập, khắt khe đòi hỏi nề nếp lớp ở mức độ cao vào những ngày đầu năm học, là việc làm cần thiết của những nhà lãnh đạo quản lý giáo dục.

Bằng cách nào đó, chúng ta thử một lần khách quan đánh giá lại hình ảnh người giáo viên hiện nay ra sao. Cần thiết việc thăm dò ý kiến phản hồi của phụ huynh học sinh, sự yêu quý của trẻ dành cho thầy cô của mình, hoặc niềm vui của trẻ khi ở trường. Không phải là với bất cứ một đứa trẻ nào cũng dùng một biện pháp giáo dục, có một số trẻ chỉ cần được trò chuyện, lắng nghe – khuyên bảo là đã vâng lời.

Bên cạnh đó một số trẻ phải có quy định riêng về hình thức chịu trách nhiệm một cách rõ ràng, thì trẻ mới chịu tuân theo, có thưởng và có phạt luôn là những biện pháp nghiệp vụ giáo dục để giáo viên xử lý các tình huống sư phạm. Song, muốn làm được điều đó, thì buổi ban đầu, giáo viên rất nên tạo hình ảnh, sự thân thiện cho trẻ tin tưởng, để trẻ nghĩ rằng thầy cô là cha mẹ lúc ở trường. Thì việc trách phạt la rầy chỉ là mong muốn, là uốn nắn kịp thời hành vi không tốt hơn, có hại cho con. Khi trẻ hiểu được điều cơ bản ấy rồi, thì hà cớ gì mà trẻ không hợp tác. Trẻ sẽ hoàn toàn tin tưởng và yêu thương giáo viên như cha mẹ của mình, và sẽ sẵn sàng tuân theo quy định của trường lớp một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, cái hình ảnh “Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương. Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa cô vỗ về an ủi, chao ôi sao thiết tha”. Hình ảnh ấy, dường như chỉ còn tồn tại trong thơ ca, trong ký ức của những người đi học thế hệ trước. Thầy cô giáo bây giờ, trong mắt trẻ con chỉ là những hình ảnh ám ảnh trẻ mỗi khi đến trường. Trẻ con thì luôn trong sáng, và luôn nói thật, trẻ rất công bằng khi nhận xét về những gì chúng cảm nhận được trong những năm tháng đầu đời. Vẫn biết rằng mỗi bậc học luôn có những khó khăn nhất định riêng, nhưng đừng vì những trở ngại chút ít của mình mà quên mất quyền lợi của những đứa trẻ được hưởng ở trường. Phải làm sao đó, cho thầy cô đến lớp là niềm vui, là lý tưởng đi xây dựng xã hội trong việc trồng người một cách tràn đầy năng lượng tốt đẹp để truyền tải đến các em học sinh. Thầy cô giáo có phấn khởi, không cảm thấy quá áp lực, thì sẽ dễ dàng tương tác với các em. Việc học hành, tìm hiểu kiến thức, sáng tạo luôn là niềm vui, luôn là tự nguyện một cách tự nhiên như nhu cầu của một con người, thì tại sao ngày càng trở nên như ép buộc, gượng gạo.

Những dòng chữ tin nhắn của phụ huynh bức xúc đã luôn day dứt tôi những ngày sau đó, dù tôi là người trò chuyện với phụ huynh ấy về những nỗi khổ của giáo viên, những khó khăn mà cô giáo thường gặp phải, để nỗi bức xúc ấy không trở thành vấn đề tiêu cực, bùng phát ngay vào những đầu năm học, giúp ổn định tâm lý cho người mẹ, từ từ vượt qua những vướng mắc, định kiến ưu tư với cô giáo, để cùng nhau phối hợp cho các cháu theo kịp môi trường giáo dục mới đòi hỏi nghiêm túc hơn trong việc học.

Thương cho giáo viên trong thời điểm hiện nay thật nhiều với rất nhiều thử thách phải vượt qua, và cũng thấu cảm nỗi bức xúc và ưu tư của rất nhiều phụ huynh khi lắng nghe họ tâm sự. Cho nên tôi viết bài này để chia sẻ với tất cả những ai đang làm giáo dục, chúng ta nên khách quan nhìn lại để kịp thời sửa chữa những thiếu sót trong năm học mới vừa bắt đầu, để một năm học 2019-2020 nụ cười thật tươi –  niềm tin được vun đắp tròn đầy hơn nữa.

H Xuân Đà

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)