Sự kiện cô giáo ở một trường có địa chỉ ở TP.HCM bị phụ huynh gắn camera và chứng kiến cảnh cô la rầy, nhéo tai, đánh học sinh khiến cho nhiều người phải suy nghĩ! Còn lại những trường khác, liệu có những vi phạm ở mức độ này hay mức độ khác như vậy không?
Tại sao quy định của ngành đã rõ ràng, có quá nhiều “bài học” về bạo hành học sinh (đã bị xử lý kỷ luật) mà tại sao vẫn còn người vi phạm? Trước hết, theo tôi có nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân là giáo viên thiếu sự rèn luyện để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện năng lực sư phạm, xử lý tình huống của mình!
Trường sư phạm tuyển sinh những người có lòng yêu thích nghề; yêu thương con trẻ; có kiến thức, có những yếu tố cần và đủ để làm thầy. Ngay cả yếu tố “yêu thương con trẻ” cũng cần xem xét; yêu thương bằng thái độ như thế nào để các em yêu thương lại mình chứ không phải các em sợ mình! Tốt nghiệp ra trường để làm thiên chức “trồng người” chỉ là bước khởi đầu; còn cả một núi công việc trập trùng phía trước mà mình phải vượt qua mới “đắc đạo”! Những sai lầm mà giáo viên (kể cả giáo viên lâu năm trong nghề) mắc phải thường gặp như sau:
Một là: Lúc nào cũng muốn các em đều ngoan, tất cả đều răm rắp làm theo lời thầy cô! Học trò đâu phải cái máy mà chúng ta chỉ cần nhấn nút điều khiển theo ý mình! Cần xem lại vì sao trò chưa ngoan, chưa trật tự trong lớp chứ không phải thấy các em thiếu tập trung là nhéo tai, là lấy thước đánh để ngoan ngay…
Hai là: Muốn học sinh hiểu bài ngay! Điều này rất dễ mắc phải vì có thể trong một lớp ba, bốn mươi em; chỉ có một số ít tiếp thu bài nhanh, còn lại phải giảng đi giảng lại mới “lọt” lỗ tai chúng! Vì thế, khi các em chưa hiểu bài, mình giảng muốn đứt hơi mà “kết quả” thu lại chẳng bao nhiêu nên dễ cáu gắt, la rầy…
Ba là: Mang những bức xúc cá nhân vào lớp học! Đây là điều tối kỵ trong nghề sư phạm! Nhà giáo dục Xu-khôm-lin-xki (Nga) từng nói (đại ý): Nếu mỗi sớm mai, thấy thầy cô nào mang bộ mặt đưa đám của mình vào trường, tôi sẽ đuổi về ngay! Những bức xúc, những giận dữ chưa được giải tỏa, nếu mang vào lớp thì sẽ gây tai họa khủng khiếp! Lúc đó câu “Ra đường sợ nhất ô tô/ Vào lớp sợ nhất thầy cô không cười” thật đúng trong những trường hợp này!
Vô phước em nào bị kêu lên bảng trả bài cũ là bị điểm “một” như chơi! Lúc này, biết bao sự bực bội bị dồn nén có dịp tuôn xối xả… Người “lãnh đạn”, hứng chịu là những mái đầu xanh vô tội; ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra!
Những bức xúc, bực bội chuyện gia đình, chuyện quan hệ xã hội ai mà không gặp nhưng người khôn ngoan, người có tính kiềm chế mạnh thường bỏ lại phía sau lưng trước khi bước vào lớp để mỉm cười thân thiện với các em…
Từ những hành vi nhéo tai, đánh học trò để “mong muốn các em ngoan” lại trở thành lỗi vi phạm quy định của ngành! Thương các em có nhiều cách và chúng ta nên chọn cách nào đẹp, cách nào thân thiện; hiểu tâm lý các em để có các phương pháp giáo dục tốt hơn, hiệu quả hơn…
Lê Đức Đồng
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)