Công nhân khu chế xuất Linh Trung giờ tan ca |
Ngày 9-3, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM đã phối hợp với phòng LĐ-TB-XH các quận huyện tổ chức buổi họp nhằm nắm bắt tình hình lao động mất – thiếu việc làm. Tại buổi làm việc các quận, huyện đã nêu lên thực trạng lao động mất việc trên địa bàn và những khó khăn, vướng mắc…
Công nhân mất việc tràn lan…
Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thì: Tính đến hết tháng 1-2009, toàn TP có hơn 19.000 lao động mất việc làm. Mặt khác theo báo cáo nhanh của các quận, huyện từ ngày 31-1 đến nay có thêm 45 doanh nghiệp giải thể và cắt giảm lao động, kéo theo gần 5.000 lao động nữa bị mất việc. Dự báo trong những tháng tới sẽ có 7.382 người lao động tiếp tục mất việc, đặc biệt tình hình biến động vào khoảng cuối quý II, năm 2009. Bởi lúc này sẽ kết thúc năm tài chính, các doanh nghiệp nước ngoài quyết định có tiếp tục đầu tư hay không, đồng thời nhiều doanh nghiệp hết đơn đặt hàng nên tình hình sẽ có biến động lớn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận 12 trăn trở: Tại địa bàn có 6 doanh nghiệp giải thể và cắt giảm lao động khiến 1.755 lao động mất việc. Tuy vậy, tình hình sẽ còn gia tăng nếu như nền kinh tế không hồi phục bởi nhiều doanh nghiệp đang cầm cự, giữ chân lao động để chờ có đơn hàng. Trong đó nhiều nghề khó khăn do chính sách như nghề may nón vải, do chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm của Chính phủ… Mặt khác vẫn còn bế tắc cách giải quyết khi đối với các chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn… Tình trạng còn bi đát hơn ở quận Tân Bình. Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận Tân Bình, than vãn: Ở quận có đến 17 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Nhiều công ty rơi vào tình hình hỗn loạn như Công ty Bông Bạch Tuyết; nợ lương công nhân nhiều tháng không trả như Công ty may Bách Hoàng (tình hình không được giải quyết sẽ có cuộc đình công lớn vào ngày 23-3 tới); đặc biệt Công ty TNHH Hoàng Hiệp (vốn nước ngoài) hiện chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, khiến hàng trăm lao động lâm vào cảnh khốn đốn. Còn ông Nguyễn Thành Hữu, Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận 7 nêu khó khăn: Chúng tôi bế tắc trong việc thống kê số liệu lao động mất việc, thiếu việc do doanh nghiệp không chịu khai báo đầy đủ. Theo ông Hữu, phòng đã phát đi hơn 100 phiếu thu thập thông tin xuống các doanh nghiệp, nhưng chỉ 40 doanh nghiệp có kết quả phản hồi. Trong số 40 doanh nghiệp phản hồi lại không có doanh nghiệp nào có số liệu về lao động mất, thiếu việc và dự báo tình hình trong những tháng tới. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đóng cửa hay giảm lao động không báo cáo với cơ quan chức năng.
Tại cuộc họp, Sở LĐ-TB-XH đã đề nghị phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện cũng nên báo cáo với UBND quận, huyện về các doanh nghiệp vi phạm vì doanh nghiệp nằm trên địa bàn thuộc quyền quản lý của quận, huyện để có sự phối hợp quản lý. Từ đó Sở đề nghị từ nay mỗi tháng sẽ họp 2 lần nhằm nắm bắt tình hình lao động mất việc, thiếu việc để Sở LĐ-TB-XH có phương án giúp đỡ, giám sát hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn và công nhân mất việc theo quyết định số 30/2009/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ.
Còn trong tầm kiểm soát
Ông Lê Thành Tâm cho biết: Trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” này Sở LĐ-TB-XH sẽ cố gắng giải quyết những khó khăn trong vai trò và nhiệm vụ của mình. Việc nào nằm trong thẩm quyền và cấp thiết cho doanh nghiệp, người lao động chúng tôi sẽ giải quyết ngay hoặc sẽ đề nghị cơ quan khác phối hợp. |
Thời điểm hiện nay chưa rơi vào giai đoạn khó khăn nhất theo như nhiều cơ quan chức năng nhận định. Việc lao động mất việc có thể chuyển sang các doanh nghiệp khác hay lao động tự tạo việc làm mới. Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết: tình hình lao động đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung. Nhiều bộ phận công nhân mất việc làm nhưng cũng có nhiều công ty vẫn tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đồng quan điểm với ông Danh, bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động KCN-KCX TP.HCM đưa ra số liệu: Hiện nay tại KCN-KCX có 7.000 lao động mất việc, nhưng có 78 doanh nghiệp cần lao động với số lượng lên hơn 11.000 việc làm. Trong đó do biến động nhiều về thay đổi công việc. Ông Tâm tiếp lời: Việc người lao động mất việc chỉ ở một thời điểm nhất định do biến động chung của nền kinh tế thế giới, chứ không kéo dài. Trong khi đó nhiều lao động ra tết không vào làm việc và có công việc ổn định tại quê nhà là rất lớn. Hiện có khoảng 1,7 triệu lao động đang làm việc tại TP.HCM, với con số mất việc như trên, đồng thời lại có nhiều doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng lớn hơn số mất việc thì tình hình vẫn kiểm soát được.
Tuy nhiên theo báo cáo dịch chuyển và cung cầu lao động của 10 quận huyện cho thấy, phần lớn các công ty cần tuyển lao động có trình độ và tay nghề cao, lao động ở trình độ thấp thì rất ít. Đặc biệt ngành nghề có số lượng lao động mất việc nhiều nhất hiện nay là ngành may thì lại ít doanh nghiệp tuyển dụng. Ví dụ KCX Tân Thuận cần 100 cử nhân tin học. Trong khi đó số lượng lớn công nhân may đang phải cầm cự và có thể bị mất việc bất cứ lúc nào. Vì vậy số lượng công nhân mất việc không thể bù vào những việc làm trên vì khác nhau về nhu cầu sử dụng lao động.
Văn Mạnh
Bình luận (0)