Có những việc cứ tưởng chuyện nhỏ đơn giản nhưng khi “đụng chuyện” mới thấy phức tạp, sai luật, và tác hại lớn.
1. Gần đây báo chí “lình xình” chung quanh vụ Trường tư thục THPT Quốc Văn Sài Gòn tùy tiện đuổi học sinh, tịch thu điện thoại di động, phạt tiền khi học sinh phạm lỗi… Có khi hiệu trưởng cho rằng các biện pháp trên đơn giản chỉ là nhằm mục đích giữ gìn trật tự, nền nếp tạo điều kiện giúp học sinh học tập tốt, tưởng là chuyện nhỏ, không có vấn đề gì. Đó có thể là các biện pháp với dụng ý tốt, nhưng là những biện pháp hành chính máy móc, thiếu tính sư phạm. Đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT TP đã kịp thời vào cuộc, phát hiện sai phạm và đã đề xuất biện pháp xử lý. Hiện hiệu trưởng nhà trường cũng mới có công văn báo cáo Sở, tự rút kinh nghiệm và khắc phục.
Chung quanh vụ việc trên, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT tỏ ý hoan nghênh thanh tra Sở đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề xuất được hướng xử lý cụ thể. Tuy nhiên Giám đốc Sở cũng yêu cầu cần phải xem xét để có hình thức kỷ luật hiệu trưởng trường này nhằm đảm bảo thực hiện tốt quy chế, kỷ cương; đồng thời cảnh báo, ngăn ngừa các trường hợp sai phạm tương tự.
Có lẽ đây cũng không phải là trường tư thục duy nhất tự đề ra các quy định trái luật pháp, trái quy chế và điều lệ nhà trường. Qua phản ánh của bạn đọc, còn một số trường khác cũng có những vi phạm tương tự. Đặc biệt, thời điểm thi tốt nghiệp đến gần, nhiều trường tư vin vào các vi phạm nhỏ của học sinh để buộc chuyển trường hoặc cho thôi học những em có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp nhằm đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp cao, dễ chiêu sinh cho năm học tới.
2. Gần đây, giáo viên, phụ huynh phát hiện một số đơn vị doanh nghiệp mở trường đào tạo với nhiều loại hình khác nhau, khi thì lớp Anh văn ngắn hạn, khi thì lớp tiếng Việt cho người nước ngoài; có nơi trương bảng hiệu đào tạo liên kết đại học cao đẳng; có nơi tuyển du học sinh… Thậm chí đã có chủ đầu tư mở trường, trung tâm giáo dục “dỏm” thu được một mớ học phí rồi bỏ trốn.
Qua các nguồn tin phản ánh, các phòng chức năng của Sở GD-ĐT TP đã kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp chỉ có giấy phép đầu tư chứ chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục. Trong giấy phép đầu tư của Bộ, Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc UBND TP bao giờ cũng có điều khoản quy định phải đăng ký hoạt động giáo dục đào tạo với Sở hoặc Bộ GD-ĐT. Điều khoản này tạo điều kiện để Sở và Bộ quản lý nhà nước về nội dung chương trình bậc học, các loại chứng chỉ tốt nghiệp, trình độ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học. Đó là những yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người học.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp do không am tường luật lệ, hoặc cố ý muốn né tránh quản lý của ngành, cũng có khi do nóng vội – vừa mở lớp vừa làm thủ tục đăng ký hoạt động với ngành… nên đã “phạm luật”.
Chung quanh vấn đề này, Giám đốc Huỳnh Công Minh yêu cầu các phòng chức năng của Sở tiến hành kiểm tra tất cả các loại hình trường, lớp do doanh nghiệp thành lập, chưa đăng ký hoạt động với Sở (hoặc Bộ) để báo cáo UBND TP có hướng xử lý thích đáng. Mặt khác, ông cũng đề nghị các phòng chuyên môn có chức năng quản lý văn hóa ngoài giờ, du học, trường có yếu tố nước ngoài… tận tình hướng dẫn, cung cấp các văn bản luật, dưới luật, quy chế, điều lệ… để các đơn vị biết đăng ký hoạt động với ngành; hành xử các mối quan hệ và hoạt động cho đúng luật pháp.
3. Mấy tuần qua vấn đề tiền tết cho người nghèo cũng được dư luận trong và ngoài ngành bàn tán nhiều. Chính phủ đã chi một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ người nghèo ăn tết. Một số nơi, một số cán bộ làng xã trong cả nước chẳng những đã không phân phối tiền này đúng đối tượng cần chăm lo, lại còn “ém”, “xà xẻo” khoản tiền đó của người nghèo, quả là thất đức! TP.HCM, tuy vẫn có một chút vi phạm ở phường 26 Bình Thạnh, nhưng được ghi nhận là địa phương chăm lo cho người nghèo ăn tết tốt nhất.
Riêng tiền hỗ trợ tết cho thầy cô giáo cũng được lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Tài chính quan tâm chỉ đạo kịp thời và cụ thể. Nhìn chung mỗi thầy cô được hỗ trợ tối thiểu 500 ngàn đồng, được phép chi trong phần ngân sách đã được phân bổ cho mỗi đơn vị. Mỗi đơn vị phải lập bảng dự toán cân đối theo quy chế chi tiêu nội bộ, nếu thiếu thì ngân sách quận (huyện), hoặc thành phố cấp bù.
Thực tế, phần lớn các trường đã tích góp được nguồn thu, chủ động cân đối thu chi nên đã chi tiền hỗ trợ tết cho giáo viên kịp thời, có nơi số tiền tương đương một tháng lương, cá biệt có trường chi nhiều hơn tháng lương bình quân. Hầu hết các trường nội thành đảm bảo được phần chi hỗ trợ 5-7 trăm ngàn; tuy nhiên các trường ngoại thành, vùng ven thì gặp nhiều khó khăn. Công đoàn ngành cũng đã vận động các trường nội thành quyên góp ủng hộ gần 700 thầy cô vùng sâu vùng xa, mỗi thầy cô 300 ngàn. Nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh và các tổ chức xã hội cũng đã góp phần chăm lo tết khá tốt cho thầy cô giáo.
Công bằng mà nói, việc chăm lo hỗ trợ tiền tết cho đội ngũ thầy cô giáo thành phố năm nay tốt hơn. Tuy nhiên vẫn có một số nơi việc triển khai văn bản chỉ đạo của thành phố chậm, không biết cách chi vì không xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc “khư khư” giữ tiền (sợ chi rồi không được cấp bù)… làm cho giáo viên không nhận được tiền tết hoặc nhận quá trễ, gây tâm lý hoang mang trong tập thể sư phạm.
Nhuận Đức
Bình luận (0)